Phiên chợ bán lá dong trên đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) chỉ họp một dịp trong năm, đó là dịp Tết đến.
Hơn chục năm qua, chợ đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân địa phương. Hằng năm từ ngày 20 tháng chạp, những bó lá dong xanh rì cùng lạt chẻ được bày bán, như một tín hiệu báo rằng Tết đang rất gần.
Theo các tiểu thương, khu chợ nhộn nhịp nhất sau ngày 23 tháng chạp, đặc biệt hối hả vào những ngày sát Tết như 26, 27 âm lịch.
Hơn 40 năm nay, bà Nguyễn Thị Huế (69 tuổi, quận Cẩm Lệ) đều đặn đến khu chợ này vào ngày 20 tháng chạp để bày bán lá dong. Công việc này giúp bà phục vụ nhu cầu gói bánh chưng, bánh tét của người dân.
"Hằng ngày tôi bán sữa đậu nành, nhưng gần Tết tôi tranh thủ ra đây bán lá gói bánh kiếm thêm thu nhập. Những ngày đầu khách hơi vắng, nhưng càng cận Tết khách càng đông.
Trung bình mỗi ngày tôi bán được 3.000 lá, cũng có thêm chút đỉnh tiêu Tết" - bà Huế chia sẻ.
Bà Huế cho biết để gói bánh ngon, người ta thường chọn lá dong nếp, loại lá xanh non, mềm, dẻo.
Loại lá này giúp bánh dễ gói, không bị rách và khi nấu chín bánh có màu xanh bắt mắt. Trong khi đó, lá dong tẻ (lá nhỏ, dày, xanh đen) khó gói hơn, bánh nấu lên màu không đẹp bằng, ít được ưa chuộng.
Mỗi bó lá dong (50 lá) có giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng, tùy kích cỡ, đủ để gói 10 - 12 chiếc bánh. Lá chuối lại được bán theo cân, với giá 20.000 đồng/kg.
Phiên chợ các loại lá chỉ họp một lần trong năm vào những ngày cận Tết, khoảng từ ngày 20 - 28 tháng chạp - Ảnh: THANH THÙY
Vừa thoăn thoắt lau và bó lá cho khách, bà Huỳnh Thị Như Ý (57 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết bà đã bán lá ở khu chợ này gần 30 năm. Thu nhập từ việc bán lá gói bánh giúp bà có thêm khoản tiền chi tiêu ngày Tết.
"Lá dong ở đây là lá dong rừng, lấy từ các vùng núi Quảng Nam như Trà My, Nam Giang, Tây Giang. Lá ở những vùng này xanh, đẹp, lại mềm, dễ gói nên rất được ưa chuộng", bà Ý nói.
Hằng năm cứ đến ngày 25, 26 tháng chạp, bà Nguyễn Thị Nhung (58 tuổi, quận Hải Châu) lại ra chợ mua lá dong để gói bánh.
Bà Nhung cho biết năm nào gia đình và hàng xóm cũng tụ họp để cùng nhau gói, nấu bánh chưng, bánh tét, tạo không khí Tết đầm ấm.
"Năm nay tôi chuẩn bị 14kg nếp, 3kg đậu xanh để nấu bánh cùng hàng xóm. Đây là dịp để con cháu sum vầy, vừa gói bánh vừa kể chuyện một năm qua, rất vui.
Dù bận rộn đến mấy, tôi vẫn mua lá về gói bánh. Tôi muốn con cháu hiểu hơn về loại bánh truyền thống của ông cha, và cảm nhận không khí Tết thật sự", bà Nhung chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận