08/04/2016 15:19 GMT+7

Cho ACB xử lý khoản nợ 6 công ty của "bầu Kiên" đến 2018

A.H.
A.H.

TTO - Hàng loạt vấn đề đã được các cổ đông nêu ra tại đại hội cổ đông Ngân hàng ACB sáng 8-4, nổi cộm trong đó là chuyện nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến "bầu Kiên" hiện đã được xử lý tới đâu.

ĐHCĐ sáng nay nhiều cổ đông đã chất vấn lãnh đạo ACB về  nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên và khoản tiền gửi đã quá hạn tại CB và GPBank - Ảnh: A.H.
Nhiều cổ đông đã chất vấn lãnh đạo ACB về nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên tại đại hội cổ đông ACB sáng 8-4 - Ảnh: A.H.

Ngoài ra, cổ đông cũng yêu cầu lãnh đạo ACB trả lời về cách xử lý đối với khoản tiền gửi 400 tỉ đồng đã quá hạn tại Ngân hàng Xây dựng (CB) và khoản tiền gửi 772 tỉ tại Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).

Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB cho biết, khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên ("bầu Kiên") hiện còn 5.767 tỉ đồng, nhưng tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp trong nhóm này cân đối được nợ vay. Kế hoạch xử lý các khoản nợ này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn.

Năm 2015 lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.314 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2014 và đạt 100% kế hoạch. ACB trình cổ đông phương án chia cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỉ lệ 10% nhằm tăng vốn điều lệ từ 9.377 tỉ đồng lên 10.273 tỉ đồng.

Mục tiêu của ACB trong năm 2016 là cố gắng, thảo luận đưa ra phương án xử lý với người vay để bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ với mức 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn NH dự kiến trích lập dự phòng 1.000 tỉ đồng cho nợ của nhóm 6 công ty này, trong đó đã trích lập 200 tỉ đồng trong quý I-2016. Tuy nhiên NH đánh giá có khả năng thu phần lớn khoản nợ này và có thể hoàn nhập dự phòng.

Liên quan đến khoản tiền gửi quá hạn tại CB, ông Toàn cho biết dưới sự chỉ đạo của NHNN, từ quý 4-2015, ACB đã cơ cấu khoản nợ này trong 5 năm mỗi năm trả 1/5. Tức là khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình đã được phê duyệt đến ngày 30-9-2020.

Khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng trụ sở của CB với giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá hơn 400 tỉ đồng, như vậy là rất an toàn. Năm 2015, NH đã trích dự phòng 176 tỉ đồng.

Theo đánh giá của NH, nếu đến quý 2-2016, khoản này trở lại nợ nhóm 1 thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng.

Về khoản tiền 772 tỉ đồng tại GPBank, NH đã đàm phán mua tài sản cố định để gán nợ. Tính đến ngày 7-4, ACB đã mua nợ hơn 500 tỉ đồng, chuyển nợ từ không sinh lời tốt sang sinh lời tốt, với lãi suất 9,2%.

Khoản còn lại 272 tỉ đồng, từ nay đến 30-9, ACB chuẩn bị thủ tục mua tài sản do GPBank sở hữu trên cở sở phê duyệt của NHNN. Năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi liên NH không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.

Ông Nguyễn Văn Dũng - cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN TP.HCM - cho rằng những vấn đề mà cổ đông đặt ra là xác đáng. Tuy nhiên những vấn đề trên rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngân hàng và phải được phê duyệt từ cấp trên do vậy chưa thể giải quyết ngay trong năm 2015.

Ngày 29-12-2015, NHNN đã phê duyệt phương án điều chỉnh tái cơ cấu trong đó có vấn đề xử lý tiền gửi và xử lý nợ thuộc nhóm 6 công ty của Bầu Kiên.

“Việc giải quyết này không chỉ một mình ACB làm được mà cần cơ chế đồng thời sự quyết liệt từ ban lãnh đạo NH. NHNN cho ACB thời hạn đến 2019-2020 để giải quyết các khoản tiền gửi ở các NH mua 0 đồng. Còn khoản nợ nhóm 6 công ty liên quan đến "bầu Kiên" thời hạn giải quyết đến năm 2018”, ông Dũng cho biết.

 

A.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên