23/06/2010 14:52 GMT+7

Chính thức điều tra vụ kiện Megastar

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương vừa có quyết định chuyển điều tra sơ bộ sang điều tra chính thức vụ Công ty TNHH Truyền thông Megastar bị khiếu nại về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

dcGqv0jS.jpgPhóng to
Cục Quản lý cạnh tranh đang tiến hành công tác điều tra chính thức trong vụ kiện Megastar. Trong ảnh là khán giả mua vé xem phim tại rạp Megastar Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh: Tường Vi

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, cho biết: “Vì Cục Quản lý cạnh tranh đã thấy có dấu hiệu nên mới tiến hành điều tra chính thức”.

Theo điều 87 của Luật Cạnh tranh thì thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ. Theo điều 90 của Luật cạnh tranh đối với vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra; trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

“Hiện chúng tôi chưa xác định được Megastar có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Sau khi kết thúc quá trình điều tra chính thức thì cục sẽ công bố doanh nghiệp đó có hoặc không vi phạm, vi phạm ở mức độ nào để xử lý cũng như hình thức phạt như thế nào”, ông Mừng cho biết.

Trong khi đó, ông Brian Hall, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Truyền thông Megastar Việt Nam, phát biểu trước báo giới trong cuộc gặp gỡ với báo chí vào cuối tuần qua: “Megastar hoàn toàn tôn trọng pháp luật Việt Nam và chấp hành từng bước các thủ tục của Cục Quản lý cạnh tranh. Khi có đầy đủ thông tin và phán xét của cục thì Megastar sẽ sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của báo chí trong thời gian sớm nhất có thể”.

Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương ký quyết định điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, quy định tại Điều 13 Luật Cạnh tranh, vào ngày 12-5-2010, và đã tiến hành điều tra sơ bộ trong 30 ngày.

Sau đó nếu khả nghi thì cục tiến hành điều tra chính thức trong vòng 180 ngày để làm việc với bên nguyên đơn và bị đơn, đồng thời cũng sẽ thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ phục vụ cho quá trình điều tra, ông Mừng nói.

Vụ sáu doanh nghiệp mới đây đệ đơn yêu cầu điều tra về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Công ty TNHH Truyền thông Megastar được xem như tín hiệu đáng mừng vì điều đó cho thấy giới kinh doanh trong nước đã bắt đầu biết vận dụng Luật Cạnh tranh để tự bảo vệ mình. Thế nhưng, đứng ở góc độ quản lý nhà nước thì đây lại là cả một câu chuyện buồn của điện ảnh Việt Nam.

“Ta” bỏ

Sau 1975, đã có một thời kỳ điện ảnh Việt Nam phát triển khá mạnh. Ngoài thành tựu sản xuất với hàng loạt bộ phim thu hút khán giả như “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Mẹ vắng nhà”, “Ván bài lật ngửa”... ngành điện ảnh còn sở hữu một hệ thống cơ sở vật chất về chiếu phim gồm 350 rạp và 1.400 đội chiếu phim lưu động.

Tuy nhiên, bước sang cuối những năm 1980, khi bắt đầu cơ chế thị trường thì điện ảnh bắt đầu rơi vào khủng hoảng.

Năm 2006, Luật Điện ảnh ra đời đã đặt mục tiêu: “Đầu tư xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, phát triển quy mô sản xuất và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân...”. Để thực hiện mục tiêu, luật quy định: khi quy hoạch khu đô thị phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim (khoản 6, điều 2).

589Wa5vI.jpgPhóng to
Rạp Cầu Bông (quận 1, TP.HCM) biến thành quán cà phê, bida.

Chắc chắn, trong cơ chế thị trường, Nhà nước không thể đóng vai trò bao cấp và đầu tư trực tiếp cho điện ảnh. Thế nhưng, sự chuyển mình của nền kinh tế ở các lĩnh vực khác đã không diễn ra ở ngành điện ảnh, để lại những khoảng trống đáng tiếc.

Hàng loạt rạp chiếu phim hoặc bị bỏ phế, hoặc bị bán tống bán tháo hoặc bị đập bỏ, chuyển đổi công năng. Chẳng hạn như tại TP.HCM, trước năm 1975 có khoảng 50 rạp chiếu phim nhưng hiện nay chỉ còn lại khoảng trên phân nửa.

Rạp Cầu Bông nay được trưng dụng làm quán cà phê bida. Rạp Minh Châu (369 Lê Văn Sỹ, quận 3) thì biến thành mặt bằng cho thuê làm siêu thị. Rạp Lệ Thanh ở quận 5 hàng chục năm nay bỏ trống, không biểu diễn cũng không chiếu phim, nay lại đang trong tình trạng tranh chấp với chủ cũ nên muốn cải tạo để sử dụng cũng không thể.

Rạp Quốc Tế tại 343 Phạm Ngũ Lão, quận 1, nay là cao ốc căn hộ cao cấp 18 tầng thuộc sở hữu của một công ty liên doanh giữa Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh thành phố với một công ty của Đài Loan. Rạp Thanh Vân (360A, Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) được tạm giao cho Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố làm kho nhạc cụ và nơi tập của dàn nhạc.

Rạp Vinh Quang (59 Pasteur, quận 1) dự kiến sẽ thành tòa nhà thương mại-văn hóa đa năng cách đây 6-7 năm, hơn một năm nay là bãi đất hoang và cách đây vài tuần trở thành điểm kinh doanh cà phê sân vườn. Còn rạp Đại Quang (quận 5), nơi giải trí được nhiều người ưa thích cách đây mấy tháng bỗng nhiên biến thành bãi giữ xe, rửa xe...

Tình hình cũng tương tự ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Ở thị trấn Tân Châu (An Giang), chỉ có một rạp chiếu phim duy nhất cũng đã bị đập bỏ để làm dự án trung tâm thương mại.

Hay như ở Đà Lạt, thành phố này có tổng cộng 4 rạp thì tất cả đều bị xóa sổ. Rạp Ngọc Lan được giao cho tư nhân để xây khách sạn; rạp Ngọc Hiệp thành khu siêu thị, thương mại. Rạp 3-4 và rạp thuộc Nhà thiếu nhi cũng bị đập bỏ để xây dựng công trình khác theo quy hoạch của thành phố.

Trong khi đó, thay vì ban hành các chính sách để sử dụng hiệu quả các rạp chiếu phim thì sự hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu vẫn chỉ dừng ở một số khoản tài trợ ít ỏi mang tính bao cấp như trang bị máy chiếu phim, máy chiếu video...

Sản xuất phim cũng không khá hơn. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết trong vòng hai năm thi hành Luật Điện ảnh 2007, 2008 các hãng phim nhà nước và tư nhân trong nước sản xuất được tổng cộng 19 phim truyện nhựa, 15 phim truyện video, 16 phim hoạt hình, 17 phim tài liệu... Nghĩa là mỗi năm, nền điện ảnh nước nhà chỉ xuất xưởng vỏn vẹn dưới 10 bộ phim cho mỗi thể loại.

Sự phát triển èo uột, thiếu một chính sách phù hợp đồng nghĩa với thị trường điện ảnh Việt Nam bị bỏ ngỏ. trên hết vẫn là thiếu vắng một chiến lược phát triển rõ ràng và thực tế cho nền điện ảnh nước nhà khi nền kinh tế đã chuyển qua cơ chế thị trường. Cho dù một số nhà đầu tư tư nhân cố gắng tìm cách bứt phá trong việc sản xuất phim, tổ chức cụm rạp chiếu nhưng họ cũng chỉ như những cánh én chưa thể làm nên mùa xuân cho nền điện ảnh nước nhà.

Nước ngoài vào

Được cấp giấy phép đầu tư vào năm 2004, Megastar là một doanh nghiệp liên doanh giữa Công ty Văn hóa Phương Nam và Công ty Envoy Media Limited của British Virgin Island (BVI). Thời điểm đó chưa có luật điện ảnh nhưng ngay cả khi Luật Điện ảnh ra đời vào năm 2006 thì hành lang cho nhà đầu tư nước ngoài cũng khá dễ dãi. Chính vì vậy, theo giấy phép, Megastar có cả chức năng nhập khẩu, phân phối phim lẫn mở rạp chiếu. Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng không bị hạn chế khi Envoy Media Limited thoạt đầu chiếm tới 80% vốn và sau đó con số này đã lên tới 90% trong liên doanh.

Trong một thị trường gần như bị bỏ ngỏ, lại được luật pháp tạo điều kiện, Megastar đã nhanh chóng chiếm lĩnh “trận địa” mà không gặp phải sức kháng cự đáng kể nào từ các công ty trong nước. Theo phản ánh của các doanh nghiệp khiếu nại, đến thời điểm hiện nay Megastar nắm giữ khoảng 50% doanh số và 34-75% doanh thu của thị trường phim nhựa nhập khẩu Việt Nam.

Ngoài ra, chỉ trong vòng năm năm, công ty này còn thiết lập được một mạng lưới rạp chiếu phim hiện đại gồm bảy rạp với 53 phòng chiếu trải dài từ Hải Phòng, Hà Nội, đến Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM. Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng vì, theo dự án, trong giai đoạn đầu Megastar sẽ xây dựng 8 cụm rạp, mỗi cụm từ 8-12 rạp.

Có ý kiến cho rằng Megastar có thể gây sức ép với các doanh nghiệp và chi phối thị trường là nhờ họ vừa chiếm được thị phần áp đảo trong nhập khẩu phim nhựa, vừa có hệ thống rạp riêng ở hầu hết các đô thị lớn tại Việt Nam.

Phim nhập khẩu một mặt giúp cho người dân được tiếp cận kịp thời với điện ảnh của thế giới nhưng mặt khác lại gây sức ép cạnh tranh nặng nề lên sản xuất phim trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và điện ảnh Sài Gòn, phim nhập chiếu tại rạp hiện nay chiếm tỷ lệ tới 90-95%. Điều này có phù hợp với mục tiêu xây dựng nền điện ảnh Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”?

Chỉ mới gần đây, trong quá trình sửa đổi Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch mới nhận ra rằng sở dĩ để xảy ra tình trạng phim ngoại lấn át phim nội là do bị chi phối bởi các công ty có vốn nước ngoài. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực thi cam kết với WTO, Luật Điện ảnh đã được sửa đổi theo hướng bắt đầu từ 1-10-2009 chỉ cho phép nước ngoài được liên doanh với tỷ lệ không quá 51% vốn góp trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim.

Như vậy, thị trường điện ảnh bắt đầu được điều chỉnh, khép bớt sau nhiều năm mở toang cửa cho đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc sửa đổi có lẽ đã quá muộn và chỉ chừng ấy thôi thì rất khó vực dậy một nền điện ảnh đang gặp muôn vàn khó khăn.

“Chúng tôi kiện Megastar không đơn thuần chỉ vì hướng tới cạnh tranh công bằng mà muốn gióng lên tiếng chuông để các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn nữa đến ngành điện ảnh Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ.

---------------------------------------------------

Theo khiếu nại của sáu doanh nghiệp, Megastar đã có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh. Cụ thể: áp đặt tăng giá cho thuê phim (tối thiểu từ 25.000 đồng/vé), khiến cho các rạp chiếu phải nâng giá vé để tránh lỗ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng; buộc các doanh nghiệp này phải thuê thêm phim khác kèm theo phim muốn thuê; buộc các doanh nghiệp chiếu những phim do Megastar phân phối tại những phòng chiếu do Megastar chỉ định... Ngày 12-5-2010, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ vụ việc nói trên.

• Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên tại thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm thực hiện một số hành vi nhằm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

* “Thực tế qua hai năm thực hiện Luật Điện ảnh, nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực phát hành phim và phổ biến phim, thành lập một số liên doanh mà số lượng vốn của họ chiếm tỷ lệ cao (từ 80-90%). Do tỷ lệ vốn góp của họ cao nên họ đã điều hành và chi phối mọi hoạt động... Nếu xu hướng đó vẫn tiếp tục mà chúng ta không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh cơ cấu phim nhập khẩu thì khó khắc phục tình trạng mất cân đối về tỷ lệ phim các nước được chiếu tại Việt Nam”.

(Báo cáo 2 năm thi hành Luật Điện ảnh của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch)

Tin bài liên quan:

Phim chiếu rạp: Bỏ quên 70% dân sốPhim chiếu rạp: Bức tranh toàn cảnh không hấp dẫnThị trường phim nhập khẩu chiếu rạp: Bánh đã chia phần?Megastar bị "kiện" vì ép khách hàngĐiều tra sơ bộ vụ MegastarGia tăng các vụ kiện về cạnh tranhVụ Megastar ép khách hàng: Có “kiện” mới thấy luật còn kẽ hởGiá vé chênh nhau chục lần

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên