14/05/2010 08:00 GMT+7

Megastar bị "kiện" vì ép khách hàng

Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM
Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM

Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng: “Vụ việc này cho thấy dấu hiệu đáng mừng là... doanh nghiệp Việt Nam đã biết vận dụng Luật Cạnh tranh để tự bảo vệ mình”.

cyQOqkIt.jpgPhóng to
Hình ảnh quảng cáo khá ấn tượng của Megastar.

Sáu doanh nghiệp ngành điện ảnh đã nộp đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương để khiếu nại Công ty TNHH Truyền thông Megastar. Bên khiếu nại cho rằng Megastar đã có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Từ khi có Luật Cạnh tranh (năm 2005) đến nay thì đây là vụ thứ hai trên cả nước liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền.

Thị phần trên 30%: Có vị trí thống lĩnh

Theo phân tích của các doanh nghiệp đứng đơn, hiện nay 90% các phim nhựa chiếu rạp là phim nước ngoài, được các doanh nghiệp nhập khẩu từ các hãng sản xuất phim nước ngoài. Với mỗi phim, hãng sản xuất phim nước ngoài ký hợp đồng với một doanh nghiệp để doanh nghiệp này nhập khẩu và phân phối lại phim cho các doanh nghiệp khác trong nước. Các doanh nghiệp này cũng thống kê rằng Megastar thường chiếm khoảng 50% số phim nhập khẩu.

Cụ thể, tổng phim nhập khẩu trong năm 2009 là 106 phim. Trong đó, riêng Megastar nhập 50 phim. Bên khiếu nại cũng cho rằng doanh thu từ hoạt động phân phối phim nhựa nhập khẩu của Megastar trong thời gian qua dao động từ 34% đến 75% tổng doanh thu trên thị trường phân phối phim nhựa nhập khẩu tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên, hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Dựa trên quy định này, bên khiếu nại cho rằng Megastar có vị trí thống lĩnh thị trường.

Luật Cạnh tranh cũng có quy định cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện sáu hành vi. Trong đó có hành vi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác hoặc buộc doanh nghiệp chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

Áp đặt điều kiện bất hợp lý

Bên khiếu nại cho rằng Megastar đã vi phạm Luật Cạnh tranh khi có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Cụ thể, trong đơn khiếu nại, bên khiếu nại cho rằng Megastar áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng khi áp dụng chính sách định phí thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem. Hiểu nôm na, với mỗi phim mà Megastar phân phối cho các doanh nghiệp khác chiếu, Megastar thu 25.000 đồng trên mỗi vé mà các doanh nghiệp này bán ra. Bên khiếu nại cho rằng cách thu này của Megastar (áp dụng từ đầu tháng 6-2009) đã khiến các doanh nghiệp phải nâng giá vé để tránh lỗ và kết quả là khán giả bị thiệt hại do giá vé tăng.

Lại chuyện "bia kèm mồi"

Ngoài ra, bên khiếu nại cũng cho rằng Megastar áp đặt điều kiện trong quan hệ giữa các bên. Cụ thể, Megastar buộc các doanh nghiệp này phải thuê thêm phim khác kèm theo phim muốn thuê. Ví dụ, muốn có phim Transformers (một phim thuộc dạng “bom tấn”, hút khách) thì Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy) phải lấy kèm phim Ice Age (là một phim hoạt hình).

Bên khiếu nại còn chỉ ra rằng Megastar đã buộc các doanh nghiệp này chiếu những phim do Megastar phân phối tại những phòng chiếu do Megastar chỉ định. Hành vi này cũng bị bên khiếu nại cho rằng Megastar đã áp đặt điều kiện.

Do đó, sáu công ty đã cùng khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh nhờ điều tra, phân xử vụ việc này.

Theo QUỲNH NHƯ - Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên