Phóng to |
Fafilm VN là đầu mối phân phối phim VN cho các địa phương. Trong ảnh: rạp Fafilm tại số 6 Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến |
Ông Phạm Văn Họa, phó tổng giám đốc Fafilm Việt Nam - đơn vị từng giữ vị trí độc tôn trong phát hành, phổ biến phim trước năm 2002, cho biết:
- Hiện nay Fafilm VN vẫn là một đầu mối phân phối phim cho các địa phương, đặc biệt là phim Việt. Các đội lưu động ở vùng sâu vùng xa cần chủ yếu là phim VN (đồng bào thích phim Việt hơn phim nước ngoài, không cần thuyết minh...). Phát hành phim với nghĩa luân chuyển phim là một nghề, cần có kho lưu trữ, có người chuyên môn làm tu sửa bảo quản phim, có bộ máy chân rết ở cả ba miền... Điều này Fafilm VN có thuận lợi và vẫn phát huy được khả năng. Tư nhân chưa quan tâm đến lĩnh vực này vì chưa có lợi nhuận.
* Theo ông, Nhà nước nên có chính sách trợ giá cho các phim có giá trị cao được nhập về VN để phổ biến không chỉ ở các TP lớn mà còn ở các tỉnh thành khác?
- Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp nhập khẩu phim đều phải quan tâm đến lợi nhuận. Thực tế vài năm gần đây, mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu trên dưới 100 phim truyện nhựa nước ngoài thì phim Mỹ chiếm trên 70%, trong đó đa số là phim hành động. Phim nghệ thuật, phim thiếu nhi có nhưng rất ít. Nói trợ giá để nhập khẩu phim nước ngoài có vẻ phi lý, nhưng cần có hàng rào kỹ thuật (miễn giảm thuế, ưu đãi vay vốn...) để khuyến khích nhập phim nghệ thuật, phim thiếu nhi và phải tính đến sự công bằng trong hưởng thụ văn hóa điện ảnh ở mọi vùng miền.
* Ông có quan tâm đến điều 30 Luật điện ảnh? Theo ông, việc vừa nhập phim, vừa phát hành phim và có rạp chiếu phim có phải là một kẽ hở để các doanh nghiệp mạnh về hệ thống rạp chiếu, đối tác phát hành phim sẽ có nhiều quyền hơn các doanh nghiệp khác khi áp đặt giá hoặc đặt điều kiện với việc chiếu phim, từ đó sự thiệt hại nằm về phía khán giả?
- VN mới thực hiện cơ chế thị trường. Các nước phát triển như Mỹ có cả trăm năm theo cơ chế thị trường. Lúc đầu, họ giống ta bây giờ, doanh nghiệp phát hành, sản xuất có cả rạp chiếu phim, rồi cũng xuất hiện cạnh tranh (không lành mạnh), độc quyền... Sau đó luật của họ điều chỉnh: sản xuất là sản xuất, phát hành là phát hành, rạp chiếu phim là rạp chiếu phim và vai trò của các hội nghề nghiệp rất lớn. Tư duy khép kín từ sản xuất, phát hành đến phổ biến phim không phù hợp với kinh tế thị trường.
* Nếu đứng về phía khán giả, theo ông, Nhà nước cần có những chính sách hoặc quy định hay sự đầu tư nào để quyền được hưởng thụ văn hóa của người dân được công bằng hơn?
- VN đã gia nhập WTO, rồi Luật điện ảnh đã đi vào cuộc sống, phim ngoại nhập tràn ngập màn ảnh. Người xem (những người có thu nhập khá giả) được lợi. Nhưng thực tế phim VN bị lép vế, nguy cơ bị “xâm lăng” văn hóa là có thật.
Chúng ta có hàng rào kỹ thuật là tỉ lệ buổi chiếu phim VN phải đạt 20% so với phim nước ngoài. Tức là anh chiếu 20 buổi phim Việt thì chỉ được chiếu 80 buổi phim nước ngoài. Nếu làm đúng, đương nhiên phim ngoại nhập sẽ giảm. Nhưng thực hiện lại là một vấn đề. Kiểm tra, xử phạt thế nào và có đủ phim VN một cách tương đối không? Đầu tư xây rạp hay thuê mặt bằng làm rạp rất tốn kém. Rạp không thể chết vì thiếu phim VN.
Còn đối với số đông khán giả là học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, đồng bào ở thị xã, thị trấn (chưa dám nói người dân vùng nông thôn chiếm 70% dân số), việc áp đặt giá vé xem phim ngoại chắc chắn là làm họ bị thiệt, bởi vì tấm vé xem phim giá cao (30.000-40.000 đồng) vẫn là xa xỉ trong vòng nhiều năm nữa!
Trở lại với phim VN, theo chúng tôi, vẫn cần sự trợ giá, đặt hàng của Nhà nước nhắm tới thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa rộng lớn. Phim VN của tư nhân phải tính đến chuyện thu hồi vốn nên phần lớn nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên ở thành thị với những bối cảnh biệt thự, xe hơi, nhà hàng sang trọng... Những dự án phim tư nhân như Cánh đồng bất tận là rất hiếm.
* Ông Lê Ngọc Minh (cục phó Cục Điện ảnh): Cần làm nhiều phim Việt Có thể nói rằng nhiều năm gần đây chưa có tác phẩm điện ảnh xuất sắc nào của nhân loại bị cấm phổ biến tại Việt Nam. Việt Nam đã gia nhập WTO và trong thỏa thuận với tổ chức này không có hạn ngạch nhập phim nước ngoài, nên Luật điện ảnh không quy định tỉ lệ nhập phim ngoại với số lượng phim sản xuất trong nước. Vì thế muốn có tỉ lệ phim nhập và phim sản xuất trong nước ngang nhau chỉ còn cách các nhà điện ảnh Việt Nam phải tạo vốn, tạo điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo đội ngũ làm nghề để làm ra nhiều phim và quan trọng hơn là các phim đó phải cạnh tranh được với phim ngoại nhập. Đây là công việc mà không ít đơn vị, cá nhân sản xuất, phổ biến phim ở nước ta đã và đang hướng tới một cách tích cực. * Ông Nguyễn Danh Dương (giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia): Nên tham khảo luật Mỹ Trung tâm Chiếu phim quốc gia có hơn 900 ghế, mỗi năm vừa hoạt động chiếu phim kinh doanh vừa phải trực tiếp phục vụ các tuần phim kỷ niệm, các hoạt động đối ngoại văn hóa (chiếm khoảng 15% công suất hoạt động). Khó khăn nhất của chúng tôi là không chủ động tiếp cận được nguồn phim, trước đây còn có thể lấy phim từ Megastar (tỉ lệ ăn chia là 40/60 cho hai tuần đầu, sang tuần 3 là 45/55, nếu có tuần 4 thì mới là 50/50), nhưng hiện tại nguồn phim ấy đã tạm ngưng trước giá vé trần mà Megastar yêu cầu trong khi chúng tôi chỉ có thể bán vé 30.000-40.000 đồng. Tôi ủng hộ việc mỗi tỉnh, huyện phải có một rạp chiếu phim hiện đại (nguồn vốn nhà nước hoặc tìm kiếm nhiều nguồn khác nhau), chỉ khi có rạp thì nguồn thu từ phim mới tăng lên, dân trí được nâng cấp và quan trọng hơn là động lực kích thích làm phim. Tôi ủng hộ việc tham khảo luật Mỹ trong ứng dụng hoạt động điện ảnh ở Việt Nam vì quả thật nếu vừa nhập phim, vừa phát hành, vừa kinh doanh rạp thì sẽ khó mà cân bằng trong điều tiết thị trường phim ảnh. |
Tin bài liên quan:
Phim chiếu rạp: Bức tranh toàn cảnh không hấp dẫnThị trường phim nhập khẩu chiếu rạp: Bánh đã chia phần?Megastar bị "kiện" vì ép khách hàngĐiều tra sơ bộ vụ MegastarGia tăng các vụ kiện về cạnh tranhVụ Megastar ép khách hàng: Có “kiện” mới thấy luật còn kẽ hởGiá vé chênh nhau chục lần
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận