Và đó là cả bức tranh với nhiều gam màu “kịch tính” mà khán giả - những người chỉ đơn giản bỏ tiền ra mua một tấm vé vào rạp - thường rất ít được biết...
Phóng to |
Apphich giới thiệu phim hoạt hình Shrek forever after ở sảnh lớn Megastar, City Plaza trên đường Trường Sơn, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Chuyện đầu tiên để kể là một sự kiện gây chấn động: việc Megastar Việt Nam mang bộ phim bom tấn của Hollywood Mắt đại bàng (Eagle eye) về chiếu cho giới truyền thông vào ngày 25-9-2008, trước một ngày bộ phim công chiếu chính thức tại thị trường Bắc Mỹ (26-9-2008).
Những khán giả của buổi chiếu hôm ấy sống trong cảm giác đầy thú vị khi được xem một tuyệt phẩm trước bao nhiêu triệu người trên thế giới, còn nhà nhập khẩu ghi điểm trong mắt các đơn vị nhập khẩu phim còn lại với ấn tượng của một “người có vị trí”!
Đường đi của phim nhập khẩu
Ngày 7-5, bộ phim Người sắt 2 (Iron man 2) ra mắt ở Việt Nam cùng lúc với thế giới, nhưng thông tin và lịch trình của bộ phim này đã được hãng phim báo cho nhà nhập khẩu từ trước đó ít nhất là một năm, thậm chí có những phim nhà nhập khẩu biết trước gần cả hai năm là bình thường. Ngay như thời điểm này, hầu hết phim sẽ chiếu trong năm 2011 (cùng một số kha khá phim trong năm 2012) đều đã được nhà nhập khẩu nhắm tới dựa trên danh sách phim mà các hãng phim chào hàng.
Thị trường lúc này có bốn “ông lớn” nhập khẩu phim có mối quan hệ với những hãng phim lớn trên thế giới: Megastar hay làm việc với Universal, Walt Disney, Paramount/DreamWorks và 20th Century Fox; Thiên Ngân có Warner Bros (tỉ lệ 50-50 với Megastar), Sony Pictures, Independent, Lions Gate; BHD làm việc với các studio China Film Group Corporation, Media Asia cùng một vài hãng khác như CJ Entertainment, Distribution Workshop; Lotte Cinema chủ yếu cộng tác với CJ Entertainment.
Thật ra các “ông lớn” này hiếm khi nhận phim trực tiếp từ hãng mà thường lấy nguồn từ Thái Lan - nơi có đặt trung tâm phân phối bản phim của hầu hết hãng phim lớn, sau đó phim được chuyển trực tiếp sang Singapore làm phụ đề trước khi đưa về Việt Nam để ra rạp. Khoảng thời gian này mất trung bình 10-15 ngày.
Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà nhập khẩu cũng nhận được những bản phim mới hoàn toàn. Có nhiều trường hợp khi phim chiếu tại Việt Nam bị trễ, hãng phim sẽ gom một số ít bản phim từ các thị trường chiếu sớm để bán cho nhà nhập khẩu Việt Nam với giá rẻ hơn một chút so với bản mới 100%.
Rất nhiều người hiểu lầm mối quan hệ của phần lớn nhà nhập khẩu với các hãng phim là độc quyền, thật ra đó thường chỉ là những thỏa thuận hợp tác ngắn hạn. Do đó không bao giờ có chuyện đơn vị A làm việc với hãng phim này thì đơn vị B “đừng có mơ” việc chen chân vào.
Đơn cử trường hợp gần nhất là “mối ruột” Warner Bros của Thiên Ngân mới vừa bắt tay với Megastar Việt Nam để chiếu bộ phim Cuộc chiến giữa các vị thần (Clash of the Titans) - nguyên nhân bộ phim này về tay Megastar là vì thời điểm thỏa thuận mua phim Thiên Ngân chưa có rạp 3D.
Tất tần tật nhà nhập khẩu phim đều có mối quan hệ với tất cả hãng phim, quan trọng là họ có đủ uy tín (về tiềm lực tài chính, chất lượng cụm rạp, thỏa thuận về định mức số tiền thu về trên mỗi bộ phim...) để hãng phim hợp tác đường dài hay không?
Phóng to |
Khách mua vé xem phim tại Megastar (CT Plaza, TP.HCM) ngày 25-5 - Ảnh: T.T.D. |
Mỗi nhà một cách kinh doanh...
Điểm thú vị của thị trường Việt Nam là nhà nhập khẩu phim cũng chính là những người có rạp phim trong tay, chứ không tách biệt rõ ràng như các thị trường khác trên thế giới. Bởi vậy nên bài toán ăn chia như thế nào là hợp lý với các hãng phim luôn làm nhức đầu những nhà nhập khẩu. Chọn cách cùng thắng cùng thua với hãng phim, Megastar Việt Nam rất có ưu thế trong việc lấy những phim bom tấn, những phim hấp dẫn nhất trên bàn đàm phán.
Thực tế chứng minh hầu hết phim đình đám của Hollywood khoảng bốn năm trở lại đây đều do nơi này mang về. Riêng Thiên Ngân và BHD chọn hướng mua đứt bán đoạn (đó là trước đây, còn hiện nay được biết Thiên Ngân cũng phát hành phim theo cách nhận phim từ các hãng để phát hành tại Việt Nam và ăn chia theo phần trăm chứ không còn mua đứt bán đoạn hoàn toàn nữa).
Hình thức lời ăn lỗ chịu của Thiên Ngân và BHD nói cho đúng cũng không hẳn là mua độc quyền 100%. Một đại diện của nhà nhập khẩu phim BHD cho biết: “Mua độc quyền phim thì giá có khi lên đến vài trăm ngàn USD. Do đó cách tốt nhất là chọn hình thức đặt cọc...”. Số tiền đặt cọc tùy theo tầm vóc của bộ phim mà từ 30.000-40.000 USD hoặc cao hơn một chút.
Phim thắng thì sau khi trừ tiền đặt cọc cùng những chi phí khác, bắt buộc phải chia lại một khoản phần trăm cho hãng phim, còn phim thua lẽ dĩ nhiên mất trắng tiền cọc. Trong thị trường phim nhập khẩu còn có một khái niệm nữa là “hàng bán kèm” theo gói, thông thường cứ một phim lớn sẽ kèm một hoặc hai phim nhỏ của do chính hãng phim sản xuất. “Thương nhau củ ấu cũng tròn”, nhà nhập khẩu phải nhận phim nhỏ về chiếu, dù biết chắc sẽ thất bại về doanh thu.
Đầu tháng 3-2010, sáu doanh nghiệp điện ảnh trong nước: Công ty cổ phần Sài Gòn Điện Ảnh (rạp Cinebox Hòa Bình), Công ty cổ phần Điện ảnh 212 (rạp Cinebox Lý Chính Thắng), Công ty cổ phần truyền thông Điện ảnh Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng 8), Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (cụm rạp Thanh Bình và Sông Phố) đã đồng loạt gửi đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để khiếu kiện Megastar Việt Nam vi phạm Luật cạnh tranh công bằng. Nội dung khiếu kiện có thể tóm tắt: Megastar Việt Nam đã sử dụng quyền lực của một đơn vị thống lĩnh thị trường phim nhập khẩu (theo quy định là có thị phần từ 30% trở lên, hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh) để o ép các đơn vị muốn thuê lại phim. Nói đơn giản, đơn vị nào chiếu phim của Megastar Việt Nam nhập về thì cứ mỗi khán giả vào rạp phải trả cho Megastar Việt Nam 25.000 đồng (bất kể giá vé bao nhiêu), còn nếu giá vé từ 50.000 đồng trở lên thì ăn chia tính theo tỉ lệ 50-50, ngoài ra còn có hình thức chiếu phim nhỏ kèm theo nếu muốn chiếu phim bom tấn... Ngày 12-5, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường đối với Công ty TNHH truyền thông Megastar. |
Còn Fafilm? Suốt thời kỳ trước năm 1995, việc nhập phim ngoại về chiếu ở Việt Nam hoàn toàn do Fafilm thống lĩnh. Trước khi khối XHCN Đông Âu tan rã, trung bình mỗi năm Fafilm nhập hơn 100 phim bao gồm các phim trao đổi văn hóa qua các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô), một số ít phim Ấn Độ hoặc trao đổi trung gian qua Lào. Sau năm 1986, phim nhập khi đó chủ yếu là phim Hong Kong, Đài Loan... nhưng không chính thức. Khủng hoảng thật sự cho Fafilm là sau năm 1998, mỗi năm Fafilm chỉ còn nhập về 10-12 phim, tuy vậy phim Việt Nam khi đó khá mạnh nên Fafilm vẫn có sức mạnh của một doanh nghiệp điều tiết được thị trường chiếu bóng trong cả nước. Hiện tại, thế mạnh của Fafilm nằm ở việc quan hệ chặt chẽ với công ty phát hành phim các địa phương, vùng sâu vùng xa. Những nơi này được hưởng chính sách trợ giá của Nhà nước cho phát triển văn hóa mà Fafilm phải hoạt động như một nhiệm vụ chính thức. Lợi nhuận chính của Fafilm hiện nay là từ nguồn phát hành này. |
__________
Kỳ sau:
Giá vé phim nhập khẩu chiếu rạp ở Việt Nam:
Thuận bán nhưng có... vừa mua?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận