28/05/2010 02:50 GMT+7

Phim chiếu rạp: Bức tranh toàn cảnh không hấp dẫn

CHẤN HƯNG
CHẤN HƯNG

TT - Khó mà tin rằng ở nước ta, việc chiếu bóng lưu động với vài cây tre, phông màn và một nhóm người mang phim đi phục vụ các huyện, xã... tồn tại từ những năm 1980 lại vẫn tiến vào thế kỷ 21.

QWh7DUyf.jpgPhóng to
Xem phim video qua màn ảnh nhỏ ở miền núi Quảng Bình - Ảnh: Lam GIang

Thị trường phim nhập khẩu chiếu rạp: Bánh đã chia phần?Megastar bị "kiện" vì ép khách hàngĐiều tra sơ bộ vụ MegastarGia tăng các vụ kiện về cạnh tranhVụ Megastar ép khách hàng: Có “kiện” mới thấy luật còn kẽ hởGiá vé chênh nhau chục lần

Nếu như ở thành phố khán giả ít nhiều được quyền lựa chọn sở thích với từng phim, từng loại rạp thì ở nông thôn cơ hội ấy không có. Trước năm 2002, khi công ty nhập khẩu và phát hành phim nhà nước là Fafilm còn giữ vị trí độc tôn trong việc nhập phim ngoại, phân phối và điều tiết thị trường chiếu phim ở Việt Nam, khán giả cả nước còn có cơ hội khá ngang nhau trong việc thưởng thức nghệ thuật điện ảnh thứ bảy. Có khác chút là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa phim đến thường chậm trễ hơn thành phố, nhưng bù lại giá vé rẻ hơn và đôi khi miễn phí.

Khoảng 100 rạp phim/86 triệu người

Gần 86 triệu người mà chưa có đến 100 rạp phim trong cả nước là con số đáng để suy nghĩ với những người quản lý điện ảnh Việt Nam, nếu chỉ cần so sánh với hơn 500 rạp phim ở đất nước láng giềng Thái Lan. Các rạp chiếu phim Việt chủ yếu nằm ở các thành phố lớn mà gần như vắng bóng ở các tỉnh thành khác, dù nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân như nhau.

Phim bom tấn chỉ dành cho... người thành phố

Có một số lượng không nhỏ khán giả trẻ hôm nay ở các thành phố lớn từng là những đứa trẻ không lớn lên ở thành thị. Và chắc chắn trong ký ức của họ lưu giữ một thời đi học với mỗi tháng có những buổi được đi xem phim tập thể, những bộ phim thiếu nhi của Liên Xô cùng các nước XHCN khác.

Những rạp chiếu phim ở các tỉnh lỵ khi ấy không sang trọng đẹp đẽ, không tối tân để khán giả được thật sự sống trong không khí bộ phim mà các tác giả đã mất nhiều công sức chăm chút từng khuôn hình hay làn âm thanh tinh tế. Phim không đa dạng, không phải phim bom tấn, bom tạ, thường chỉ là các phim thiếu nhi nhẹ nhàng, phim hoạt hình hoặc dăm ba phim Việt Nam. Dù ít ỏi và nghèo nàn nhưng chính những buổi xem phim đó đã góp phần không nhỏ nuôi dưỡng ước mơ và hình thành thói quen hưởng thụ văn hóa tốt đẹp của nhiều người khi trưởng thành...

Rồi đến một thời kỳ mà ngay cả các rạp phim ở Hà Nội cũng biến thành chỗ bán hàng, kinh doanh cà phê, ăn uống... Rạp ở các tỉnh lỵ thì thê thảm hơn, không có phim chiếu, không kinh doanh, mặt bằng bị cho thuê để nuôi bộ máy cán bộ công nhân viên rồi dần dần mất hẳn.

Và đến thời điểm này phải thừa nhận phim bom tấn chỉ dành cho người thành phố, ngay cả khi nhìn vào doanh thu khủng nhất của phim chiếu rạp ở Việt Nam là Avatar với hơn 1 triệu USD tiền vé (chia trung bình có khoảng hơn 200.000 lượt người được xem phim). Với dân số trên 85 triệu người của nước ta, số người dân may mắn được hưởng thụ điện ảnh phải chăng đang như muối bỏ biển?

Có cần bàn tay nhà nước?

Có thể nhìn thấy khoảng cách hưởng thụ văn hóa của người dân theo sự phát triển của kinh tế và đời sống ngày càng lớn. Ông Lưu Danh Hùng (nguyên giám đốc Fafilm) đưa ra một sự so sánh dung dị: chợ có thì hàng hóa mới đến chứ! Không có rạp thì làm phim chiếu thế nào? Chẳng lẽ ngoài mấy thành phố lớn, phim ảnh vẫn cứ theo các đội chiếu bóng lưu động dựng đâu đó nơi bãi hoang, sân vận động tỉnh lỵ thôn quê ư?

Đúng là hệ thống rạp của Nhà nước từ lâu không còn hoạt động tốt hoặc đủ sức cạnh tranh vì không được đầu tư, không được quản lý phù hợp với sự phát triển của văn hóa và dân trí. Việc quy hoạch các thiết chế văn hóa cũng gặp nhiều trở ngại. Bài toán đơn giản là một cộng đồng dân cư sẽ cần bao nhiêu nhà thuốc, nhà trẻ, trường học, siêu thị, bệnh viện... thì tương tự như thế là bao nhiêu thư viện, nhà sách, nhà hát và rạp chiếu phim.

Trong khi các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán chấn hưng điện ảnh và hằng năm sẵn sàng cho ra đời những dự án phim tốn kém (mà ngay từ lúc làm, số phận đắp chiếu nằm kho của nó được định đoạt xong) thì lại “bỏ quên” việc đầu tư, nâng cấp “chợ” cho hàng hóa đến. Đứng bên ngoài dòng chảy thị trường phải chăng là lựa chọn của các nhà quản lý?

Còn nhiều phi lý

Luật điện ảnh điều 30 có một số khoản quy định với nhập khẩu phim đáng chú ý như sau: doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim; doanh nghiệp sản xuất phim được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim và mỗi năm số lượng phim nhập khẩu không được vượt quá hai lần số lượng phim do doanh nghiệp sản xuất.

Dù những điều này có nhiều phi lý, thậm chí khác với luật bảo hộ điện ảnh Mỹ (phim Mỹ hiện đang chiếm khoảng 80% phim nhập chiếu rạp ở nước ta, và từ những năm 1940 Mỹ đã có quy định các công ty sản xuất phim, phát hành phim không được kinh doanh rạp để đảm bảo công bằng cho sự cạnh tranh giữa các phim ngoài rạp) thì luật của ta cũng chưa được thực thi đúng với hiện trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam. Cả một năm chúng ta mới chỉ có chừng 10 phim (bằng 1/10-1/20 số phim nhập), trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất hai phim mà số phim nhập về gấp đến 10 lần chứ không phải tối đa hai lần như Luật điện ảnh đã đề ra.

Trở lại vụ sáu doanh nghiệp điện ảnh kiện MegaStar, đây là lúc dễ dàng hình dung một bức tranh thị trường khá đơn giản. Khi MegaStar đã nắm được số ghế nhiều nhất, có nguồn phim nhập khẩu tốt nhất với hạ tầng rạp chiếu sang trọng và giá vé bán ra luôn cao nhất, thì cách mà MegaStar áp đặt giá vé chính là biện pháp gián tiếp nhanh nhất để kéo thêm khán giả cho mình.

Bởi khi giá vé tăng lên một mức gần như ngang bằng nhau giữa các rạp thì đương nhiên rạp nào có cơ sở vật chất tốt hơn sẽ được người xem lựa chọn nhiều hơn. Và chắc chắn đến một mức độ nào đó, sự lựa chọn của người xem không nhiều tiền sẽ là... mua DVD lậu về xem ở nhà!

Bức tranh toàn cảnh diện mạo điện ảnh Việt Nam ở mảng phát hành và chiếu phim rõ ràng đang không dễ chịu. Nhà không thể làm từ nóc. Hạ tầng rạp chiếu chưa có thì không thể ảo tưởng phim Việt đến được với người dân (trừ truyền hình). Không biết đến bao giờ các tỉnh lỵ, vùng sâu vùng xa mới được cấp quản lý điện ảnh của Nhà nước nhìn đến trong việc chấn hưng các rạp chiếu phim dù nhỏ, dù còn chưa tối tân như ở thành phố?

Không thể nói thị trường phân phối phát hành phim để ngỏ cho tư nhân thống lĩnh là sai. Nhưng nếu không có những chính sách và sự đầu tư cụ thể với chiến lược rõ ràng mà phim ảnh đến với người dân vùng sâu vùng xa vẫn là sự còm cõi của những nhóm chiếu bóng lưu động, thì khó lòng góp phần thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm tới.

CHẤN HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên