19/08/2016 09:36 GMT+7

Chính sách kinh tế: Trump nói đi Hillary nói lại 

PHẠM ĐỖ CHÍ (tiến sĩ kinh tế, ĐH Pennsylvania, cựu chuyên gia IMF)
PHẠM ĐỖ CHÍ (tiến sĩ kinh tế, ĐH Pennsylvania, cựu chuyên gia IMF)

TTO - Cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang đi vào khúc quanh “chất lượng” khi bắt đầu từ tuần trước hai ứng viên chính thức lên tiếng về chính sách kinh tế.

Ngoài vấn đề kinh tế, bà Clinton và ông Trump còn tranh luận về nhiều lĩnh vực khác - Ảnh: Reuters
Ngoài vấn đề kinh tế, bà Clinton và ông Trump còn tranh luận về nhiều lĩnh vực khác - Ảnh: Reuters

Ngày 8-8, ông Donald Trump có bài diễn văn quan trọng ở thành phố thủ phủ xe hơi Detroit về chính sách kinh tế nếu ông đắc cử.

Chỉ ba ngày sau, bà Hillary Clinton đã phản pháo với bài diễn văn đả kích các chương trình của ông Trump cũng như nêu ra các chính sách kinh tế của mình.

Ông nói đi, bà nói lại

Quý 2-2016, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hẳn lại, GDP chỉ tăng 1,5% do yếu tố tâm lý ngại chi tiêu của dân chúng còn sót lại từ cuộc khủng hoảng 2007-2008, như giải thích mới đây của ông vua đầu tư chứng khoán Warren Buffett.

Nhưng ông Trump lại coi đây như tiền đề cho chính sách phục hồi kinh tế Mỹ. Ông đưa ra chương trình lớn là phục hồi nền sản xuất của Mỹ và đem công ăn việc làm về lại Mỹ, thay vì chính sách đưa sản xuất ra khỏi Mỹ, nhất là sang Trung Quốc, trong gần ba thập niên qua.

Linh hồn của chính sách mà ứng viên của Đảng Cộng hòa đưa ra là cuộc "cách mạng giảm thuế suất", theo đó giảm mạnh thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15% và chỉ áp dụng ba thuế suất thu nhập cá nhân là 12%, 25% và 33%.

Ông Trump hi vọng đây sẽ là biện pháp "vĩ đại" nhất để khuyến khích đầu tư vào Mỹ và chi tiêu cá nhân Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang Trung Quốc.

Ngược lại, trong bài diễn văn chiều 11-8, bà Clinton lại coi chính sách kêu gọi giảm thuế của ông Trump như dựa vào lý thuyết lỗi thời của "trickle-down economics"(chủ thuyết kinh tế có hiệu ứng nhỏ giọt lọt sàng xuống nia, giảm thuế chưa chắc có thể làm tăng trưởng nhanh hơn và tạo công ăn việc làm nhiều hơn).

Ứng viên của Đảng Dân chủ còn cho hay một cố vấn kinh tế của bà đã duyệt lại kỹ và giải thích chiến lược của ông Trump thậm chí có thể "gây suy thoái cho kinh tế Mỹ"(?!), sẽ làm mất đi 3 triệu việc làm trong khi chính sách của bà sẽ giúp tăng 11 triệu việc làm trong nhiệm kỳ tới.

“Bắt mạch” đúng, “chữa bệnh” sai?

Căn bản cho những tuyên bố của bà Clinton là kinh tế Mỹ đang rất tốt đẹp với những thành quả tám năm dưới thời Tổng thống Obama, chứ không "xấu xí" hay bi quan như ông Trump vạch ra.

Do đó, bà Clinton đã không đưa ra một chương trình cải cách "lớn" như ông Trump, mà chỉ đặt trọng tâm vào việc tăng cường phát triển kinh tế bằng việc đầu tư lớn cho hạ tầng để sửa sang lại toàn bộ hệ thống cầu đường đã xuống cấp.

Tuy nhiên, phía bà Clinton lại không nêu rõ sẽ lấy đâu ra tiền cho những chi tiêu thuộc loại "khủng" như vậy bởi ngân sách của Chính phủ Mỹ đang eo hẹp, chưa kể món nợ công khổng lồ còn đó.

Bà cũng không nhắc đến việc tiếp tục hay hỗ trợ chương trình y tế "Obamacare" ra sao dưới chính phủ tương lai nếu bà đắc cử.

Bà Clinton đã không đả động đến chương trình cải cách thuế khóa lớn của ông Trump, như đa số chuyên gia hiểu biết chờ đợi.

Bà chỉ nói vắn tắt là giảm thuế như ông Trump đề nghị có tính cách bảo thủ, chỉ làm lợi cho giới giàu có hay trung lưu với thu nhập cao, tạo thêm bất công trong phân bổ lợi tức quốc gia, trong khi đám đông không được ảnh hưởng.

Do đó chính sách của đảng Dân chủ vẫn tiếp tục đường lối quen thuộc là chú trọng vào dân túy, tạo công việc và phúc lợi kinh tế - xã hội cho đám đông.

Đặc biệt, bà nhấn mạnh đến việc giảm nợ cho khối đông cá nhân như các cựu sinh viên vay mượn thời đi học nay gặp khó khăn khi trả nợ. Bà cũng nhấn mạnh đến việc cấp tín dụng để khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất về chính sách kinh tế cần được nhấn mạnh trong cuộc tranh cử này là tuy cả hai ứng viên "bắt mạch" đúng tâm trạng bất mãn của giới trung lưu và nhu cầu chính trị cần đem lại việc làm cho người Mỹ nhưng phần "chữa bệnh" lại có vẻ chưa ổn.

Việc giảm cạnh tranh thương mại và thay vào đó chủ nghĩa bảo hộ sản xuất - bài học kinh tế học căn bản của mọi thời đại - sẽ làm thương mại quốc tế trì trệ hay sút giảm dẫn tới tăng trưởng kinh tế thụt lùi cho chính Hoa Kỳ và cả thế giới.

Đây là khuynh hướng thế giới đáng lo ngại, thể hiện từ khi ông Trump nổi bật trong các cuộc tranh cử sơ bộ ở Mỹ cũng như hiện tượng Brexit mới đây ở nước Anh.

Điểm tương đồng duy nhất

Điểm tương đồng nổi bật và có lẽ duy nhất của hai chính sách là hướng dần kinh tế Mỹ về chủ nghĩa bảo hộ tương đối, thiên về bảo vệ sản xuất trong nước nhằm kéo lại công ăn việc làm cho người Mỹ, ngăn bớt sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu.

Ông Trump thì đòi xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và coi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thảm họa.

Còn bà Clinton khi còn trên cương vị là ngoại trưởng thì chủ trương đưa ra TPP nay quay lưng lại, cũng đòi xét lại toàn diện TPP nếu không có thể bỏ hẳn.

Những câu hỏi liên quan tới Việt Nam, Trung Quốc

Câu hỏi lớn có ảnh hưởng đến Việt Nam và Trung Quốc là hiệp định TPP chờ Quốc hội Mỹ phê duyệt sẽ có tu bổ các điều khoản đã thỏa thuận hay bỏ hẳn?

Vấn đề nhân quyền sẽ tiếp tục được đặt ra trong các giao dịch thương mại với hai nước này như thế nào và sẽ ảnh hưởng đến chính sách thương mại Mỹ ra sao với hai nước này?

Sau hết nhưng không kém phần quan trọng đối với người Việt, chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông sẽ ra sao và đòn bẩy kinh tế tài chính lên Trung Quốc sẽ như thế nào để ngăn bớt hay chặn hẳn chính sách bành trướng chính trị và quân sự của Trung Quốc?

PHẠM ĐỖ CHÍ (tiến sĩ kinh tế, ĐH Pennsylvania, cựu chuyên gia IMF)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên