Người dân thành phố Aleppo dọn dẹp sau một vụ không kích - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, chính quyền Syria cho biết sẽ ngừng các chiến dịch quân sự chống các nhóm nổi dậy, tuy nhiên sẽ tiếp tục tấn công các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận A-Nusra (chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria) cũng như các nhóm có liên quan.
Mới đây ông Assad cũng ra sắc lệnh tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày 13-4 tới. Cuộc bầu cử cuối cùng ở Syria diễn ra vào tháng 5-2012.
Trước đó, Mỹ và Nga kêu gọi lực lượng của ông Assad và các nhóm đối lập ngừng giao tranh từ trưa 26-2. Thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực từ lúc 0g ngày 27-2.
Lực lượng đối lập tuyên bố đồng ý với điều kiện các đồng minh của chính quyền Syria là Nga và Iran ngừng tấn công họ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon mô tả thỏa thuận ngừng bắn là “tín hiệu của hi vọng”.
Tuy nhiên giới phân tích dự báo nhiều khả năng thỏa thuận sẽ sụp đổ trong những ngày tới do tình hình trên chiến trường Syria quá phức tạp.
Nguyên nhân đầu tiên là trong khi IS kiểm soát một vùng lãnh thổ tách biệt ở Syria, Mặt trận Al-Nusra hợp tác với khá nhiều nhóm nổi dậy. Việc thỏa thuận ngừng bắn cho phép tiếp tục tấn công Al-Nusra đồng nghĩa với việc quân chính phủ và máy bay Nga có thể bắn phá vị trí của các nhóm nổi dậy và khẳng định đó là Al-Nusra.
Chuyên gia Noah Bonsey của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Mỹ và Nga cần xác định rõ ràng đâu là các khu vực do Al-Nusra kiểm soát. Chỉ có cách này mới có thể đảm bảo thỏa thuận thật sự có hiệu quả.
Thỏa thuận ngừng bắn mở đường cho việc nối lại đàm phán hòa bình Syria vào ngày 25-2. Tuy nhiên, đại sứ Liên Hiệp Quốc ở Syria cho rằng thời điểm đó là quá sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận