15/05/2016 14:35 GMT+7

Chính quyền cần chủ động truyền thông để tạo lòng tin

TRẦN KIM ANH ghi
TRẦN KIM ANH ghi

TTO - Những ngày qua, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM tiếp tục tiếp xúc cử tri. Tại các cuộc tiếp xúc này, nhiều cử tri đã bày tỏ ý kiến của mình. Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của một số cử tri.

* Ông Lê Phước Hành (cán bộ hưu trí, cử tri P.4, Q.4):

Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân

Lắng nghe chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND TP.HCM, tôi cảm nhận được sự quyết tâm của các ứng cử viên trong việc đề ra phương án giải quyết các vấn đề cấp bách trên từng địa bàn cũng như những vấn đề lớn lao hơn của đất nước.

* Ông Lê Phước Hành (cán bộ hưu trí, cử tri P.4, Q.4)
Ông Lê Phước Hành (cán bộ hưu trí, cử tri P.4, Q.4) - Ảnh: Quang Định

Tôi mong nếu trúng cử, các ĐB sẽ không ngừng nâng cao trình độ để có thể cùng thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia trong mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại…

Tôi cũng mong các cử tri khác sẽ cùng tôi lựa chọn những đại biểu ưu tú về năng lực, trình độ, đạo đức, tận tâm tận lực vì người dân.

Thời gian qua có rất nhiều sự kiện khiến lòng dân lo lắng, bất an. Trước khi bầu chọn được người đại diện cho tiếng nói của chúng tôi thì có số ít đã tự nói lên tiếng nói của họ.

Về vấn đề này, đối với những người cùng là cử tri như tôi, tôi mong bà con sẽ bày tỏ ý kiến trong dịp một thích hợp hơn. Về phía chính quyền, tôi nghĩ nhà nước có thể cử cán bộ hoặc những người có uy tín trong xóm đến nhà trò chuyện, vận động. Dù vô tình hay cố ý cũng không nên để xảy ra xô xát.

Tôi hi vọng an ninh sẽ được bảo đảm tuyệt đối để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.  

* Ông Nguyễn Hồng Tư (P.8, Q.Tân Bình):

Hãy dành thời gian đối thoại với người dân

Tôi hi vọng các ứng cử viên Quốc hội nếu trúng cử, hãy dành nhiều sự quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng cuộc sống của người dân có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào hai vấn đề này.

Ông Nguyễn Hồng Tư (P.8, Q.Tân Bình):
Ông Nguyễn Hồng Tư (P.8, Q.Tân Bình) - Ảnh: Quang Định

Mong các vị hãy kiến nghị Quốc hội đề ra các biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Giám sát, đôn đốc các bộ ngành, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất thực phẩm, quy trình xử lý rác thải ở từng doanh nghiệp. Đừng để xảy ra những sự việc như vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung khiến người dân hoang mang.

Bên cạnh đó, ứng cử viên phải là cầu nối giữa dân với Quốc hội. Hãy dành thời gian đối thoại với người dân để chúng tôi thấy mình được lắng nghe, chứ đừng để người dân không muốn nói nữa hoặc phải thể hiện tiếng nói của mình bằng cách khác. 

Cử tri Mai Đăng Khôi (P.10, Q. Phú Nhuận):

Mong có giải pháp hiệu quả hơn trong huy động

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn trong việc lập pháp, giám sát tối cao, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Cử tri Mai Đăng Khôi (P.10, Q. Phú Nhuận)

Ngoài việc các ĐB thường xuyên gắn bó chặt chẽ với cử tri, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân; các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã đóng góp không nhỏ trong việc chuyển tải các vấn đề thời sự cấp bách đến Quốc hội, cũng như thông tin đến người dân kết quả thảo luận, quyết định và thực thi của Quốc hội. 

Là một cử tri ở tuổi 30, tôi mong muốn cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV sẽ lựa chọn được những đại biểu ưu tú về năng lực, trình độ, đạo đức và điều quan trọng là sẵn sàng tận lực hành động vì nhân dân. Điều tôi quan tâm trong từng chương trình hành động là sự quyết liệt của các ứng viên trong việc nắm bắt các vấn đề cấp bách trên địa bàn, khả năng diễn đạt hiệu quả các định hướng hoạt động sắp tới.

Theo dõi diễn biến Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua cho thấy Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế bền vững là động lực quan trọng của đất nước. Là một người làm việc trong lĩnh vực tài chính, tôi cũng thật sự vui mừng khi thấy đã có nhiều ứng viên là những nhà quản lý doanh nghiệp ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chắc chắn những ứng viên này, dù trúng cử hay không, cũng sẽ vẫn đóng góp những tiếng nói tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đề xuất những cơ chế phát triển kinh tế phù hợp, bền vững; từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng chung của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Trong những năm qua, các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn TP.HCM đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu vốn đầu tư, chậm triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng. Là một người dân thành phố, tôi nhận thấy cơ sở hạ tầng là tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và nâng cao rõ rệt chất lượng cuốc sống người dân.

Vì vậy, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội và các cấp, các ngành liên quan sẽ có nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả hơn trong việc huy động vốn và ưu tiên đầu tư nhiều dự án hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông vận tải một cách có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

* Ông Trần Nam (thạc sĩ xã hội học, cử tri P.14, Q.Phú Nhuận):

Cần hết sức sâu sát đến đời sống người dân

Với tư cách là một đại biểu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới các ĐBQH Khóa XIV sẽ góp ý, giám sát và thực hiện một cách bài bản hơn, quyết liệt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển giáo dục – đặc biệt là giáo dục Đại học.

Ông Trần Nam (thạc sĩ xã hội học, cử tri P.14, Q.Phú Nhuận):

Bởi lẽ hiện nay chất lượng giáo dục ĐH còn nhiều bất cập và khả năng thích ứng, kỹ năng làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp thực sự chưa đồng đều. Nên tôi mong bằng nhiều cách Quốc hội sẽ cho ý kiến, đồng thời luật hóa các quy định về giáo dục để làm sao trong vòng một, hai nhiệm kỳ tới, giáo dục Việt Nam phải bắt kịp các nước trong khu vực.

Quốc hội cũng cần xem xét lại mức lương cho giáo viên, giảng viên. Mức thu nhập của cán bộ viên chức giảng dạy đại học hiện nay so với mặt bằng xã hội là không cao và so với thông lệ quốc tế trong thang bảng lương chung thì một giáo sư  ở Việt Nam quá vất vả để có mức sống vừa cho gia đình.

Giáo sư ở một quốc gia phải được xem trọng, không chỉ trong việc đối xử tinh thần mà còn bằng những giá trị mang tính chất vật chất. Tất nhiên không thể đòi hỏi cao vượt hẳn lên nhưng phải tạo điều kiện để giảng viên an tâm lo cho gia đình. Có như vậy, họ mới có thể tập trung sáng tạo ra các công trình khoa học áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và họ không cần phải bận lòng việc vợ con phải đi kinh doanh gì để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, Quốc hội cần hết sức sâu sát đến đời sống người dân. Ngày 31-12-2015, cộng đồng ASEAN chính thức ra đời đã mang đến nhiều cơ hội lớn cho người dân các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, xu thế toàn cầu hóa đang tạo ra nhóm yếu thế và nhóm này đang phải đối mặt với nguy cơ đứng bên lề sự phát triển của xã hội. Quốc hội phải làm sao để nhóm yếu thế không cảm thấy mình cô độc và tạo mọi điều kiện để nhóm này vươn lên.

TRẦN KIM ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên