01/01/2017 09:49 GMT+7

Chính phủ làm gì dân đều biết

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TTO - Trong cuộc trò chuyện cuối năm dành cho báo giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc lại lời nhắn nhủ nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Chính phủ.

Các bạn trẻ chụp ảnh đón năm mới 2017 trước một trung tâm mua sắm ở quận 1, TP.HCM chiều 31-12-Ảnh: HỮU KHOA
Các bạn trẻ chụp ảnh đón năm mới 2017 trước một trung tâm mua sắm ở quận 1, TP.HCM chiều 31-12-Ảnh: HỮU KHOA

Ông nói: “Mục tiêu của Chính phủ là làm sao để có thông tin nhanh nhất đến người dân, đồng thời tiếp nhận ngay được thông tin từ người dân, doanh nghiệp, báo chí. Thông tin phải hai chiều, chứ nếu Chính phủ chỉ biết đưa thông tin mà không biết cách tiếp nhận thông tin thì không ổn.

Công khai, minh bạch sẽ thúc đẩy Chính phủ hành động, nói phải đi đôi với làm, bởi lời nói và việc làm của các thành viên Chính phủ được người dân, báo chí giám sát. Thủ tướng luôn nhắc nhở chúng tôi rằng: chúng ta làm gì dân đều biết hết”.

* Thưa Bộ trưởng, có lẽ cái được lớn nhất trong năm 2016, như Thủ tướng vừa đề cập tại phiên họp cuối năm, là niềm tin thị trường và niềm tin xã hội tăng lên. Đây là khởi động tốt, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về bộ máy khó giữ được nhịp độ chuyển động đều hoặc chuyển động nhanh dần đều, bởi trong quá khứ chúng ta không thiếu những ví dụ về tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, “trên bảo dưới không nghe”?

- Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh thành vừa kết thúc, Thủ tướng khẳng định những kết quả đạt được trong năm qua là quan trọng, nhưng Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá “sự chuyển động đã có bước tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu, chỗ này chỗ khác còn nhiều bất cập”.

Thủ tướng hối thúc không chỉ các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành, huyện thị cho đến xã phường, mà yêu cầu mọi vị trí trong bộ máy đều phải chuyển động nhanh hơn. Tinh thần của Thủ tướng rất quyết liệt, khi kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc vừa qua Thủ tướng đã đưa ra 30 nội dung, nhiệm vụ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện trong năm 2017.

Tôi hiểu ý câu hỏi của bạn là sự chuyển động của bộ máy vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Nhưng Chính phủ nhiệm kỳ mới hoạt động hơn tám tháng, để xây dựng được một chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển là cả một quá trình chứ không phải nói làm một năm, hai năm mà xong.

Tôi lấy một ví dụ: Thủ tướng đã nhắc nhiều lần là lãnh đạo các địa phương không phải ra Hà Nội chúc tết Thủ tướng, các phó thủ tướng. Từ những việc ban đầu như vậy sẽ tạo ra nền nếp, hình thành văn hóa ứng xử về sau. Cho nên, chúng ta cần có thời gian, có sự quyết liệt, tạo nên thay đổi căn bản trong tư duy thì việc xây dựng chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển mới chuyển biến và lan tỏa cả hệ thống chính quyền.

Để hệ thống chính quyền chuyển động, các giải pháp đưa ra rất quan trọng. Ngay sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu xây dựng nghị định của Chính phủ về văn hóa từ chức.

Những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, không đảm bảo sức khỏe, trì trệ, mất đoàn kết... cần phải thay thế, việc đầu tiên là để cho họ có thể từ chức. Thủ tướng luôn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó làm gương, tạo ra sự chuyển động, chuyển biến trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tôi tin rằng tinh thần và chuyển động mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ sẽ có sức lan tỏa lớn đối với bộ máy hành chính các cấp.

Bộ trưởng  Mai Tiến Dũng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngay sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu xây dựng nghị định của Chính phủ về văn hóa từ chức. Những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, không đảm bảo sức khỏe, trì trệ, mất đoàn kết... cần phải thay thế, việc đầu tiên là để cho họ có thể từ chức

* Ông là người được Thủ tướng phân công làm tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng nhằm kiểm tra, đôn đốc các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao. Ông có thể nói rõ hơn vai trò và hoạt động của tổ công tác này?

- Thành lập tổ công tác là một sáng tạo của Thủ tướng trong điều hành công việc của Chính phủ, nhằm kiểm soát, đôn đốc, nắm tình hình các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng giao chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng, có thêm các thành viên là thứ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ... Tổ công tác giúp Thủ tướng nắm toàn bộ tình hình, nhiệm vụ Thủ tướng và Chính phủ giao cho bộ ngành, địa phương.

Sau một thời gian hoạt động của tổ công tác (từ cuối tháng 8 đến nay), có thể thấy những chuyển biến rất tích cực từ phía các bộ ngành, địa phương, trong số tổng cộng hơn 10.000 nhiệm vụ được giao, tỉ lệ quá hạn giảm rất nhanh (thời điểm cuối tháng 7 số nhiệm vụ tồn đọng quá hạn là 17%, đến tháng 10 tồn đọng còn 3,56%, tháng 11 còn có 3,2% và tính đến ngày 25-12 chỉ còn tồn đọng quá hạn 2,8%).

* Ông gặp sức ép gì khi làm tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, ví dụ như khi đi kiểm tra các bộ, ông cũng ngang hàng các bộ trưởng thì có “khó ăn khó nói” không?

- Tôi xin nói luôn là sức ép đầu tiên khi tôi thực hiện nhiệm vụ này là công khai, minh bạch các cuộc làm việc, bởi ngay từ đầu tôi đã báo cáo Thủ tướng là cho phép tôi được mời báo chí tham dự các cuộc làm việc.

Lúc đầu các bộ trưởng cũng hỏi tôi là sao có nhiều phóng viên dự họp thế, tôi trả lời ngay rằng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải công khai, minh bạch, tức là phải có báo chí tham dự, chứ mình đi kiểm tra mà đóng cửa thì thầm với nhau thì còn gì là kiểm tra nữa, mình cứ sòng phẳng cái gì tốt nói là tốt, cái gì khuyết điểm thì phải nhận và sửa chữa, khắc phục. Nếu báo chí tham dự mà đưa tin không chuẩn mực thì mình phê bình báo chí, còn nếu mình nói cái gì đó không chuẩn cũng phải xin lỗi các phóng viên chứ.

Sức ép thứ hai, như bạn đề cập, đó là mình cũng là bộ trưởng, đến kiểm tra các bộ, người làm việc với mình cũng là bộ trưởng. Nếu mình nói cái gì đó có nội dung phê bình, đôn đốc người ta cũng không phải là chuyện đơn giản.

Cho nên tinh thần của tôi là phải nghiêm túc, chuẩn mực, nghiên cứu kỹ vấn đề. Tổ công tác họp hằng tháng, đánh giá tình hình các lĩnh vực, vấn đề, lựa chọn những “địa chỉ” cần phải đến, sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.

Và khi đến đâu làm việc, tôi luôn nói rõ là chúng tôi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, đề nghị bộ trưởng phải giải trình với tổ công tác để báo cáo Thủ tướng, khi làm việc xong đều có thông báo kết luận, nêu rõ những yêu cầu bộ phải có kế hoạch thực hiện để báo cáo Thủ tướng. Tôi từng nói với một vị bộ trưởng khác rằng “đây là việc chung chúng ta phải làm, còn cá nhân tôi với ông tình cảm vẫn quý trọng như thế, có rượu vẫn mời nhau bình thường”.

* Đã kiểm tra, đôn đốc, phê bình thì không thể tránh khỏi va chạm. Mà có va chạm dễ gây mếch lòng, có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ tín nhiệm mà Quốc hội sẽ đánh giá vào giữa nhiệm kỳ. Ông có lo phải làm hình ảnh cho tốt để được tín nhiệm cao không?

- Cũng có một số người gợi ý tôi nên làm hình ảnh, làm truyền thông này nọ, tôi trả lời vừa vui vừa thật là hình ảnh tôi bố mẹ sinh ra đã thế, quá trình công tác hun đúc nên tính cách như vậy, bây giờ mà làm hình ảnh mới thì mất hình ảnh của chính mình đi à.

Đúng như bạn nói, đã làm việc phải có đụng chạm. Nhưng nếu làm việc mà chỉ nghĩ đến lá phiếu thì không ai dám làm gì cả. Mình cứ vô tư làm, vì cái tâm, ai chưa hiểu dần sẽ hiểu. Dân tinh lắm, dù có hình thức thế nào, đánh bóng thế nào mà thực tâm không tốt họ cũng biết hết. Với tôi, cứ sống và làm việc bằng cái tâm của mình là tốt nhất, không nên đánh võng.

Muốn bền vững phải sống thực tâm, tâm huyết và khát vọng; nếu cứ xuôi chèo mát mái, hết ngày dài lại đến đêm thâu thì không giải quyết được gì cả. Quan điểm của tôi là đã vào vị trí thì cứ đúng chức năng, nhiệm vụ của mình mà làm, không né tránh, không thoái lui, như vậy công việc mới tiến triển được. Có những người cứ lấy lý do phải giữ ổn định để né tránh việc này việc nọ, tôi nói rằng mục tiêu của chúng ta là phát triển đất nước, ổn định chỉ là tiền đề để phát triển chứ ổn định không phải là mục tiêu.

Phải nói đúng, nói đủ

* Trong vai trò người phát ngôn Chính phủ, ông lựa chọn cách tiếp cận với báo chí như thế nào?

- Ai ngồi vào vị trí phát ngôn chắc là đều rất sợ báo chí. Với mình cũng đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ địa phương, tốt nhất vẫn là chủ động, cởi mở với cơ quan báo chí. Có lẽ cũng là cá tính của tôi nữa, cái gì cần thì nói thẳng, cái gì chưa biết thì bảo chưa biết, nếu nói sai xin lỗi, chuyện đó bình thường.

Mình tốt thì không ai nỡ lòng nào kéo mình xuống, chứ đã dốt rồi mà cứ đánh võng lượn lờ, chỗ cần nói không nói, chỗ không bảo có, có bảo không, bao bao đậy đậy thì không ổn.

Hơn nữa, mình là người phát ngôn thay mặt Chính phủ, nói phải đúng, nói đủ, phải thể hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ đảm bảo kịp thời, trung thực, đầy đủ.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên