Phóng to |
TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn trong một buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ Online |
Năm 1997, anh tốt nghiệp thêm Cử nhân Anh văn. Năm 1999, tốt nghiệp thủ khoa Cao học Tâm lí học và nhận bằng thạc sĩ Tâm lý học, anh làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ Tâm lý học vào cuối năm 2003. TS Sơn đã tham gia một số tớp tập huấn về giáo dục giới tính, tư vấn - kỹ thuật và nguyên tắc... của các tổ chức thuộc Singapore, Úc, Đan Mạch...
Hiện anh là trưởng bộ môn tâm lý học, khoa Tâm lý Giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ngoài ra, anh là cộng tác viên và chuyên gia tư vấn của các chương trình và chuyên mục: "Alô! Chúng tôi nghe" (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM), "Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình" (Đài PT-TH Bình Dương), "Tình yêu - Lối sống" (báo Tuổi Trẻ điện tử - TTO), “Ngày chủ nhật của em" (Đài Truyền hình TP.HCM), chương trình “Mi show” (Đài Truyền hình Bình Dương).
* Nghiên cứu, dạy học, viết báo, cộng tác với các đài trực tiếp tư vấn tâm lý quả là rất nhiều việc. Anh có thấy mình đa mang quá không? Trong những công việc ấy, anh thấy hứng thú nhiều nhất với công việc nào?
- Tiến sĩ Tâm tý học Huỳnh Văn: Một vài đồng nghiệp cũng nói rằng tôi tham, tự đánh bóng tên tuổi của mình nhưng tôi nghĩ đấy là nhiệm vụ. Nếu từ chối trách nhiệm của một người có chuyên môn và một người có học vị thì mình chưa đúng tầm. Tôi làm tốt những việc tôi đã chọn và những việc đã chọn tôi vì tôi thực sự yêu nó. Tôi không thực sự "ăn đèn" khi lên hình nhưng tôi học được nhiều thứ khi thu hình. Giọng tôi không "ăn điện" lắm, nhưng tôi học được cách chia sẻ và cách phát âm.
Tập viết báo vì tôi muốn truyền thông những gì mình đã nghiên cứu, tích lũy. Làm tư vấn trực tiếp vì tôi không muốn mình trở nên nói suông mà thiếu những kinh nghiệm "lâm sàng". Tôi dạy học bởi vì tôi là giảng viên và tôi rất yêu thích nghề dạy học. Tôi thực sự muốn có nhiều đồng nghiệp cũng "say" nghề...
* Đời sống vật chất được nâng cao nhưng con người lại không hạnh phúc hơn mà những cuộc hôn nhân lại trục trặc nhiều hơn, đổ vỡ nhiều hơn, những vụ ly hôn ngày càng gia tăng… Anh có thể lý giải vấn đề này?
- Hạnh phúc là gì? Một câu hỏi giản đơn nhưng nhiều người vẫn khó có thể trả lời một cách chính xác. Cuộc sống càng hiện đại thì nhu cầu của con người càng đa dạng. Nhu cầu của mỗi người lại tiếp tục nảy sinh những điều thật “lạ”, thật “nóng”, thật "độc" nên yêu cầu của họ đối với người yêu, người bạn đời sẽ thay đổi, sẽ khác đi so với lúc mới yêu, mới cưới. Từ đó, những rạn nứt trong cuộc sống chung càng dễ xảy ra. Mặt trái của xã hội cũng là những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến những cuộc ly hôn.
Các dịch vụ nhạy cảm được xem là những liều thuốc độc giết mòn tình yêu gia đình, làm cho cuộc chung sống tan vỡ. Guồng máy quay đều của cuộc sống hiện đại cũng làm cho một số ông chồng, bà vợ chỉ biết đến công việc mà quên đi những nhiệm vụ tối thiểu cần phải có để chărn sóc hạnh phúc gia đình…
* Có phải, trong thời buổi kinh tế thị trường thì giềng mối gia đình khó giữ hơn và việc giáo dục con cái cũng khó khăn hơn so với những thời kỳ trước? Tâm lý trẻ em ngày nay cũng phức tạp hơn xưa, nhiều khi chính cha mẹ cũng không hiểu nổi con mình…?
- Giữa bố mẹ và con cái bao giờ cũng có khoảng cách. Khoảng cách này là khoảng cách của lứa tuổi, khoảng cách của thời đại. Cách nhìn, cách nghĩ của trẻ em không thể giống với người lớn nên bất kỳ sự áp đặt nào của người lớn cũng làm cho trẻ em bị ức chế. Sự hiện đại của cuộc sống đã “phả" vào suy nghĩ của trẻ những luồng sinh khí mới trong nếp nghĩ, trong cách sống nhưng bố mẹ thì không muốn chấp nhận.
Một số bậc bố mẹ cũng như "xe không phanh" lao vào cuộc mưu sinh thì thời gian đâu, điều kiện đâu để có thể hiểu con mình. Nó giống như việc tìm mà không chịu hiểu. Rõ ràng việc giáo dục con cái từ đó dẫn đến những khó khăn nhất định. Cơ hội càng mở cho đứa trẻ càng làm cho đứa trẻ thêm phần nhanh nhạy nhưng cũng khá mạnh mẽ nên việc giáo dục không phải là đơn giản.
* Càng ngày càng có nhiều người tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý để nhờ các chuyên viên tư vấn gỡ rối. Theo anh, đó là điều đáng mừng hay đáng lo ngại?
- Có thể nhận thấy đây là điều đáng mừng, nhưng cũng đáng lo ngại. Đáng lo ngại vì điều này cho thấy cuộc sống gia đình và đời sống tình cảm con người càng lúc càng phức tạp. “Thật giả khôn lường" nên đời sống tinh thần của người trong cuộc càng thêm rối rắm... Tuy nhiên, cái mừng tại nhiều hơn cái lo, vì đây là một nhu cầu rất thật về tâm hồn - nhu cầu được giãi bày, được lắng nghe, được chia sẻ, nhu cầu chăm sóc tinh thần... Thói quen được chia sẻ bởi chuyên viên tư vấn là một thói quen tốt để tránh stress, để tăng sự tự tin và sáng suốt trong ứng xử... Những mâu thuẫn, những xung đột được giải tỏa thì đời sống càng nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn.
* Trong những ca tư vấn tâm lý mà anh đã từng giải quyết, ca nào gây ấn tượng mạnh nhất đối với anh?
- Mỗi ca tư vấn đều gây ấn tượng rất riêng theo những sắc thái khác nhau nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là ca tư vấn dậy thì sớm ở một bé gái là học sinh lớp 3. Chính bố mẹ ly thân đã tạo nên cho em những ức chế tâm lý rất sâu sắc. Không chỉ thế, khi bố thường xuyên dẫn người tình về nhà thì chính em phải làm nhiệm vụ theo dõi để báo tin cho mẹ nên em bị kích thích quá sớm những chức năng sinh lý, tâm lý dẫn đến tình trạng dậy thì sớm... Vẻ non nớt, ngây thơ, vô tội của em được đặt bên cạnh gánh nặng của những "chiếc trứng" non nớt bị rụng làm cho tôi thực sự day dứt. Tội ai, ai tội? Tôi thật sự xúc động và trăn trở…
* Có khi nào anh cảm thấy bế tắc, không tìm được phương hướng để tư vấn tâm Iý cho khách hàng?
- Thật may mắn tà tôi vẫn chưa gặp phải những tình huống quá mức chịu đựng. Có lẽ nhờ chuẩn bị tâm lý kỹ càng và được trang bị một số kỹ năng tư vấn nên phương hướng tư vấn tâm lý của tôi luôn luôn khả thi, ít nhất là đến thời điểm này. Cũng có một vài trường hợp không thể thỏa mãn nhu cầu của khách hàng khi khách hàng cứ muốn tìm cách để người ấy bỏ vợ, bỏ chồng hoặc không thể đáp ứng yêu cầu của một bà mẹ cứ muốn ép con bà không được là người có giới tính thứ ba trong khi cậu ấy vốn thực sự như thế...
* Các trung tâm tư vấn tâm lý được mở ra ngày càng nhiều, lực lượng các nhà tư vấn tâm lý cũng ngày càng tăng nhưng hình như số lượng các nhà tư vấn tâm lý thực sự đạt chuẩn lại không nhiều. Anh nghĩ gì về điều này?
- Ở VN, chuẩn của nhà tư vấn tâm lý chưa có. Thử khắc họa chân dung chính mình, tôi cũng không dám nói mình đạt chuẩn. Chỉ tâm niệm rằng mình làm nghề, làm chuyên ngành nên phải dốc sức, tận tâm, tận sức. Thú thật rằng tư vấn tâm lý là một nghề rất được các quốc gia khác quan tâm và đào tạo. Đó là một nghề có mã nghề hẳn hoi, có chế độ chính sách thực sự rất “nặng cân". Thật sai lầm khi ai đó cho rằng mở trung tâm tư vấn tâm lý để kinh doanh, để làm giàu... Càng sai lầm hơn khi "xâm mình" làm chuyên viên tư vấn tâm lý chỉ để kiếm sống, để có thêm thu nhập. Đây là một công việc thực sự khó khăn và áp lực cao.
* Anh thấy tâm lý phụ nữ phức tạp hơn hay tâm lý đàn ông phức tạp hơn?
- Tâm lý phụ nữ và tâm lý đàn ông đều phức tạp. Đừng tưởng rằng đàn ông không bị áp lực và căng thẳng tột độ. Tôi đã từng nghe một người đàn ông cứ hét vang trong điện thoại là anh ta muốn tự tử vì vợ sắp cưới của anh ấy đã bị tai nạn giao thông qua đời: "Thiệp vẫn còn đây, trang phục cưới vẫn còn đấy, nhưng em đã đi đâu? Anh sẽ phải theo em!..". Nếu nghe như vậy mà chuyên viên tư vấn tâm lý không "lạnh" thì có nghĩa là đang bị "lạnh" rồi đấy!
* Nhiều người cho rằng chuyên viên tư vấn tâm lý phải sống nhiều, từng trải, bản thân phải đi qua nhiều ngọt ngào, cay đắng, hạnh phúc, đau khổ... thì mới có thể làm tốt công tác tư vấn được? Anh có đồng tình với quan niệm này?
- Nếu nói như vậy thì đâu cần phải đào tạo. Cứ nhờ những người thật cao tuổi là có thể tư vấn tất tần tật; sinh, lão, bệnh, tử đều đã qua hết thì nói được tất... Hãy hiểu thật đúng về sự trải nghiệm. Trải nghiệm đúng nghĩa không phải là “đã từng” mà là biết đặt mình vào vị trí ấy, biết quan sát, biết lắng nghe và biết sống. Không phải người bị bệnh lao mới có thể khám phá vi trùng lao, không phải bị nhiễm HIV thì mới chữa AIDS tốt! Trải qua nhiều mối tình đầu hẳn giúp cho người tư vấn có thể tư vấn hay về tình yêu? Cũng không phải người chỉ có một mối tình, một người vợ sẽ là nhà tư vấn giỏi. Biết đâu những kinh nghiệm thất bại lại là những hành trang đáng quý nhất cho con người...
* Bản thân anh có khi nào gặp phải những trục trặc, vướng mắc về tâm lý? Nếu có, thì lúc đó anh giải tỏa, tháo gỡ bằng cách nào?
- Một ca tư vấn làm cho chính mình băn khoăn dựa trên nguyên tắc đồng cảm thì nó đã trở thành nỗi lo của mình. Những lúc tôi vướng mắc về tâm lý thì bạn bè, đồng nghiệp và những người rất bình thường trong cuộc sống hoàn toàn có thể sẻ chia. Đặc biệt chính mẹ tôi khi ấy lại trở thành một "nhà tư vấn tâm lý” hỗ trợ tôi trị liệu cho chính mình bằng cách đưa ra những lời khuyên bổ ích.
* Nhịp sống căng thẳng như hiện nay khiến con người rất dễ bị stress. Theo anh, biện pháp tốt nhất để người ta có thế giảm stress là gì?
- Sống phải có mục tiêu và biết đặt mục tiêu thích hợp là một trong những biện pháp giảm stress. Ngoài ra, sự can đảm đối diện sự thật, biết chấp nhận sự thật và biết nuôi dưỡng niềm tin là những thủ thuật giảm stress khá hiệu quả.
* Là một chuyên gia tâm lý anh có tin rằng anh sẽ luôn làm cho người bạn đời của mình vui, hạnh phúc…?
- Với tôi người bạn đời chỉ cần là người đồng cảm, biết chia sẻ, chấp nhận và thống nhất quan điểm về hạnh phúc, là có thể đi cùng nhau suốt đời được rồi... Chắc chắn tôi không thể hoàn hảo được trong mắt mỗi người, kể cả người thân. Tuy nhiên, tôi cũng khá tự tin rằng tôi thực sự luôn có ý hướng hoàn thiện mình trong mắt người thân yêu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận