09/10/2017 10:43 GMT+7

'Chim cánh cụt cũng phải làm một chú chim đẹp cho đời'

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Hơn 30 thành viên quần những chiếc xe lăn tạo thành vòng tròn. Họ cùng bàn luận sôi nổi về chủ đề: người khuyết tật có nên sinh con hay không. Và, họ là đã khẳng định: "Chim cánh cụt cũng phải làm một chú chim làm đẹp cho đời"!

Chim cánh cụt cũng phải làm một chú chim đẹp cho đời - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt của CLB "Sống độc lập" - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Buổi sáng chủ nhật, căn phòng nhỏ ở Sở lao động - thương binh và xã hội Đà Nẵng bỗng rộn rã tiếng nói cười. Một nhóm những người có đôi chân tật nguyền mượn căn phòng nhỏ nơi đây để tổ chức buổi sinh hoạt, chia sẻ giữa các thành viên. 

Dù việc đến buổi họp gặp không ít trở ngại trong di chuyển song các thành viên đều có mặt đông đủ trong buổi sinh hoạt để cùng nhau "sống độc lập" như chính tên gọi của nhóm.

Cùng vượt qua mặc cảm

Không phải riêng tôi, mà các bạn thấy đấy, ở đây hơn ba mươi con người, vẫn có nhiều gia đình hạnh phúc, đầm ấm khi cả hai đều là người khuyết tật nặng, con cái họ vẫn học hành đàng hoàng. Vậy nên những bạn trẻ dù chưa yêu hay đang yêu, hãy cứ tin một điều, cuộc sống của chúng ta sẽ như bao người bình thường khác, nếu các bạn thật sự quyết tâm".

Anh Nguyễn Xuân Hóa

Khi nghe anh Trần Văn Sơn, một thành viên của nhóm đặt ra câu hỏi để mở đầu vấn đề thảo luận, anh Nguyễn Xuân Hóa (47 tuổi) đưa cánh tay mạnh dạn ý kiến: "Theo tôi, việc người khuyết tật sinh và giáo dục con tốt là hoàn toàn có thể. Nhưng chúng ta phải biết tính toán bài bản, có cơ sở về kinh tế và đặc biệt là bản thân mình và người bạn đời của mình phải thực sự quyết tâm."

Anh Hóa lấy dẫn chứng từ ngay chính câu chuyện của bản thân anh. Anh là một người khuyết tật vận động từ bé. Với tâm lí mặc cảm, chưa bao giờ bản thân có ý định lập gia đìnhchứ chưa nói nghĩ đến việc sinh con. 

Nhưng rồi, cơ duyên đưa anh gặp chị Lê Thu Diễm, một người cũng bệnh tật, đau ốm triền miên. Hai phận người tưởng như là gánh nặng của xã hội ấy lại dìu nhau bước qua mặc cảm. Họ cùng kiếm việc làm và xây dựng nên một gia đình nhỏ. Đến nay, họ có với nhau 3 người con, đều đang ăn học. 

Anh Hóa vui mừng khoe con trai đầu của anh vừa nhập học trường Trung cấp cơ khí Bà Rịa Vũng Tàu để thực hiện ước mơ nghề của nó. Đó cũng nhờ một phần lớn từ việc anh thay đổi suy nghĩ ngay khi tham gia CLB Sống độc lập này.

Sau lời động viên và câu chuyện của anh Hóa, nhiều cô gái tuổi chỉ vừa đôi mươi bấy giờ mới rụt rè nói lên những thắc mắc, quan điểm của mình với vấn đề hôn nhân. Họ cùng nhau cởi mở những nỗi lòng thầm kín nhất trước những người bạn của mình. Và câu chuyện chỉ dừng lại khi ai nấy đều có cho mình một niềm tin vững chắc và định hướng đúng đắn.

Mỗi tháng, CLB Sống độc lập lại tổ chức một buổi tập huấn như thế. Mỗi lần là một chủ đề khác nhau về các mối quan tâm của những người khuyết tật. Và suốt bốn năm nay, Sống độc lập đã vực dậy, định hướng cho biết bao con người từ khiếm khuyết, dựa dẫm vào gia đình trở nên độc lập đúng nghĩa.

Đồng cảnh sẽ dễ hiểu nhau

Ông Đặng Thiện Tùng (55 tuổi) chủ nhiệm CLB Sống độc lập cho biết, những buổi sinh hoạt mỗi tháng một lần là một phần trong mục tiêu của nhóm nhằm giúp định hướng cuộc sống cho những người khuyết tật nặng.

Trước đó, khi tham gia CLB, bản thân mỗi thành viên trong nhóm đều có những nỗi đau, mặc cảm của riêng họ. Nhiều người tự biến mình thành người cô độc, không bước ra xã hội chỉ vì tự ti về đôi chân tật nguyền. 

"Những khi như thế, chính chúng tôi, những người cùng chung cảnh ngộ mới dễ dàng thấu hiểu và sẻ chia với họ được" - ông Tùng nói. 

Bản thân ông Tùng cũng là người khuyết tật đôi chân từ năm 3 tuổi. Cũng từng dày xé, đau khổ nhưng rồi ông nhận ra, là chim cánh cụt cũng phải làm một chú chim đẹp cho đời, cho những chú chim khác. Bản thân mỗi người khuyết tật phải sống độc lập trước rồi mới đủ bản lĩnh, tự tin có được hạnh phúc trọn vẹn.

Và thế là ông và một số người cùng cảnh, đến tận nhà, động viên, nâng cánh những chú chim với đôi chân yếu ớt ấy ra xã hội. Đó là chương trình tham vấn đồng cảnh của nhóm. Ông Tùng cho biết thêm, để đạt hiệu quả, nhóm sẽ lựa chọn những người bạn tham vấn có cùng hoàn cảnh, lứa tuổi, giới tính… để họ dễ thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn.

Câu chuyện tham vấn đồng cảnh giữa anh Trần Văn Sơn với Nguyễn Văn Quốc (24 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là một trong nhiều câu chuyện như thế. Quốc chia sẻ, sau ngày bị tai nạn giao thông, anh nằm liệt giường suốt hai năm trời.

"Tôi đã gần như phó mặc số phận mình cho người thân cho đến khi gặp anh Sơn. Tôi thấy anh còn khổ hơn mình khi bản thân bị liệt từ nhỏ. Thế nhưng anh đã nghị lực vượt qua trở thành một lập trình viên giỏi, tạo dựng cơ ngơi cho mình. Vậy không có lí gì tôi không làm được" - Quốc nói. 

Và, Sơn đã dìu quốc bước ra khỏi lớp vỏ bọc ấy, trở thành người lạc quan, yêu đời như hôm nay.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên