11/10/2024 16:05 GMT+7

Chiêu trò môi giới nhà đất mua gấp giá cao, bán gấp giá rẻ để dụ khách vào bẫy

Mới mua căn hộ 2,1 tỉ đồng ở TP Thủ Đức (TP.HCM), tôi nhận được cuộc gọi có người cần 'mua gấp giá cao' chốt ngay 2,6 tỉ, lời 500 triệu đồng. Nghe quá hấp dẫn, tôi đồng ý bán ngay nhưng sự thật thì...

Bất động sản 'mua gấp giá cao' chỉ có ở chiêu trò lừa đảo - Ảnh 1.

Tranh minh họa: DAD

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của bạn đọc Phương Phương và chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Chốt giao dịch "trong một nốt nhạc"

Cách đây không lâu, tôi mua một căn hộ ở TP Thủ Đức với giá 2,1 tỉ đồng. Chưa dọn vào ở, bất ngờ tôi nhận được cuộc gọi từ nhân viên môi giới bất động sản báo có người cần mua gấp lại căn hộ với giá 2,6 tỉ đồng. Vậy là lời 500 triệu đồng.

Nghe quá hấp dẫn, tôi đồng ý ngay.

Theo nhân viên môi giới, người mua là một gia đình từ Lâm Đồng. Họ rất mừng vì đã tìm được căn hộ ưng ý cho con họ vừa vào đại học ở TP.HCM.

Sau khi tôi đồng ý bán, bên mua dự định xuất phát lúc 22h từ Lâm Đồng và sáng sớm hôm sau sẽ có mặt tại TP.HCM để chốt giao dịch, sẵn sàng cọc ngay 100 triệu.

Nhân viên này liên tục gọi điện nhắc tôi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, hẹn gặp vào 7h sáng mai tại đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh.

Tôi đến sớm theo đúng hẹn, nhưng khi tới nơi thấy khu vực hoàn toàn vắng vẻ, chưa có văn phòng công ty nào mở cửa. Cảm giác bất an bắt đầu trỗi dậy, tôi gọi cho bạn môi giới để hỏi thăm.

Đầu dây bên kia, trả lời với giọng điệu lấp lửng: "Công ty em gần đó thôi, chị đợi một lát, em đến dẫn chị đi". Câu trả lời khiến tôi thêm nghi ngại.

Tôi lăn tăn rồi quyết định gọi cho người em sống ở gần đó để hỏi thăm. Chính nhờ cuộc gọi này mới phát hiện sự thật: Đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp như vậy.

Sau khi nghe chuyện, tôi thử gọi lại và nói mình bận công việc, đề nghị hẹn lại lúc 9h hoặc mời đến thẳng căn hộ để chốt giao dịch.

Ngay lập tức, người môi giới đáp khách mua bận và chỉ có thể hẹn lại đúng 7h sáng hôm sau. Phản ứng này càng làm tôi thêm nghi ngờ về tính chân thực của giao dịch.

Kịch bản quen thuộc, nhiều người vẫn "sập bẫy"

Qua tìm hiểu, không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng từng nhận được lời chào mời "mua gấp với giá cao". Và tất cả đều bị dẫn dắt vào kịch bản lừa đảo quen thuộc: Một khách hàng tiềm năng xuất hiện, tỏ vẻ muốn mua căn hộ nhanh chóng với giá cao, sau đó dụ dỗ người bán đi xem dự án để chốt giao dịch.

Những khách hàng nhẹ dạ cả tin thường bị dụ lên xe để "xem dự án". Sau khi bị đưa đi xa đến một địa điểm không rõ ràng, phải trải qua buổi thuyết phục tâm lý mệt mỏi.

Một số người thậm chí còn bị đe dọa, bị đặt vào thế không thể phản kháng và buộc phải đặt cọc tiền để "không bỏ lỡ cơ hội". Chỉ sau khi mất tiền mới được cho về.

Một số nạn nhân đã mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng chỉ vì tin vào những lời hứa hẹn như vậy.

Biến tướng với đủ hình thức, chiêu trò mới

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thịnh cho biết những kiểu "bẫy" nhà đất liên tục biến tướng với đủ hình thức, chiêu trò mới.

Vị chuyên gia cảnh báo người dân cần hết sức cẩn trọng, bởi nếu có nhu cầu mua bất động sản thực sự, thông thường ai cũng sẽ tìm hiểu kỹ về mặt bằng giá cả.

"Không ai thừa tiền tới mức trả chênh so với thị trường vài trăm hay cả tỉ đồng", ông Thịnh lưu ý.

Người mua nhà thực sự ai cũng muốn đến tận nơi xem nhà cửa ra sao, sổ đỏ như thế nào, gặp chính chủ để tìm hiểu, trao đổi.

Ông Thịnh cũng cho biết ngoài việc dụ dỗ đi xem dự án, chiêu thức "mua gấp giá cao" còn được một số đối tượng áp dụng để "thổi giá". Theo đó, các đối tượng kẻ mua và người bán "tung hứng" giá cao để dụ dỗ người môi giới hoặc bên thứ ba nào đó.

"Người bán nói muốn bán gấp nhưng cần tiền ngay, còn người mua thì sẵn sàng trả giá rất hời nhưng chưa thu xếp được nguồn tiền, nếu bên thứ ba như môi giới hoặc ai đó thấy vậy đứng ra "ôm" hàng sẽ dính bẫy liền", ông Thịnh cảnh báo.

Đặc biệt, khi bất động sản đang trong cơn sốt giá, thị trường nóng "hầm hập" là môi trường lý tưởng cho các hình thức lừa đảo, chiêu trò phát triển, bủa vây những người nhẹ dạ, cả tin.

Ông Thịnh khuyến cáo người mua đừng vội đưa ra quyết định khi giao dịch bất động sản, tìm hiểu kỹ về tình trạng thửa đất như ai là người chủ sử dụng hợp pháp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ai…

Trước nay một chiêu thức lừa đảo rất quen thuộc trên thị trường bất động sản, đó là rao "bán gấp giá rẻ". Nhưng gần đây xuất hiện thêm những chiêu trò, biến tướng khác nhằm dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin như "mua gấp giá cao".

Với trường hợp bất ngờ có người liền trả giá bất động sản quá cao so với mặt bằng thị trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý người dân cần hết sức tỉnh táo, hẹn người mua và môi giới tới một địa điểm giao dịch mà mình có thể chủ động, an tâm…

Ngoài ra, cần lưu ý có rất nhiều chiêu trò hướng tới họ như: đánh tráo giấy tờ, lừa đi xem đất…

Bất động sản 'mua gấp giá cao' chỉ có ở chiêu trò lừa đảo - Ảnh 3.Xác minh vụ người phụ nữ ngồi xe lăn bị lừa 200.000 đồng và 80 tờ vé số ở Củ Chi

Công an đang xác minh sự việc một phụ nữ ngồi xe lăn bán vé số dạo thuê trọ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) trình báo bị kẻ gian lừa lấy 200.000 đồng cùng 80 tờ vé số.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên