Như bao ngư dân vùng bị ảnh hưởng do cá chết, ngư dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) muốn biết nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố để trở lại ngư trường đánh bắt - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Trước đó, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã lùi vô thời hạn thời điểm hoạt động lò số 1 của khu liên hợp sản xuất thép tại Vũng Áng, thay vì ngày 25-6 như kế hoạch.
Hỗ trợ gạo, tạo việc làm cho ngư dân
“Ngư dân 4 tỉnh miền Trung thiệt hại 6-30% sản lượng hải sản (tùy địa phương)” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám cho biết tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của ngành tổ chức hôm 29-6.
Theo ông Tám, tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung từ tháng 4 và 5 đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác thủy hải sản.
Tại Hà Tĩnh, sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm giảm 16.000 tấn, tương đương 6%; Quảng Bình giảm 23.600 tấn (8,7%); Quảng Trị giảm 16.000 tấn (14,3%); Thừa Thiên - Huế giảm 13.300 tấn (30%).
Về các chính sách hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại, ông Tám cho biết Chính phủ quyết định hỗ trợ gạo cho ngư dân và diêm dân trong 6 tháng và mua tạm trữ hải sản từ ngày 5-5 đến 5-7.
Theo Bộ NN&PTNN, đây là các chính sách hỗ trợ ngắn hạn, tuần tới bộ sẽ trình chính sách hỗ trợ dài hạn hơn như chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng.
Bên cạnh đó, hướng là đề nghị cho ngư dân Bắc Trung bộ trang bị tàu dưới 90 CV sẽ được hỗ trợ vay vốn để đóng tàu đánh bắt xa bờ, đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm cho ngư dân không có điều kiện ra khơi. Trong đó đề nghị mỗi gia đình cần chuyển đổi nghề có một người đi xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, tới đây dự án khôi phục về môi trường, các rạn san hô và hệ sinh thái cần một lực lượng lớn lao động. Khi đó sẽ huy động lực lượng lao động này.
Anh Ngô Văn Cương - trưởng ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn - trao tiền cho ngư dân trẻ phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởng do vụ cá chết - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Đồng hành trong lúc ngặt nghèo
Ở Hà Tĩnh, ngư dân Dương Đình Quỳnh - ở xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà - cho biết: “Thuyền của tôi có công suất 80 CV chuyên đánh bắt gần bờ, được hỗ trợ 5 triệu đồng. Hiện tại tôi vẫn đánh bắt cá bình thường nhưng khó tiêu thụ, dù có đỡ hơn mấy tháng trước”.
Đến nay, nhiều xã như Kỳ Nam, Kỳ Lợi, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) hơn 80% các hộ đánh bắt gần bờ đã được hỗ trợ tiền theo chủ trương, trong đó hộ có thuyền máy dưới 80 CV được hỗ trợ 5 triệu đồng/thuyền, thuyền không máy được 3 triệu đồng/thuyền. Chính phủ sẽ hỗ trợ gạo trong 6 tháng đối với các hộ ngư dân, diêm dân bị thiệt hại.
Ông Phan Văn Nhàn - phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà - cho biết huyện bị ảnh hưởng rất lớn từ vụ cá biển chết. Huyện đã cấp phát gạo cho ngư dân và hơn 315 chủ tàu thuyền với hơn 1,4 tỉ đồng. “Hiện nay việc tiêu thụ hải sản vẫn rất khó khăn, khoảng 500 tấn nghêu không bán được” - ông Nhàn nói.
Ngoài ra, ông Lê Minh Đạo - chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết tỉnh còn tổ chức thu mua, triển khai hệ thống bán cá sạch trên toàn tỉnh theo tinh thần khuyến khích của Chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn cho ngư dân và khuyến khích người dân quay lại tiêu thụ hải sản.
Sở NN&PTNT Hà Tĩnh luôn cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các điểm thu mua để kiểm tra, lấy mẫu và cấp giấy chứng nhận, dán nhãn hải sản khai thác xa bờ. Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã mở 25 gian hàng bán hải sản an toàn.
Tuy nhiên, nhìn toàn diện thì những người bám biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điều họ mong mỏi nhất là chỉ ra được nguyên nhân cùng thủ phạm làm cá tôm chết và được ra khơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận