Ngư dân Nguyễn Bá Lựu (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể về nỗi khổ phải cắm thuyền vì không còn ai mua cá - Ảnh: Tấn Vũ |
Dãy nhà hàng ở làng bè xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chạy dọc xuống cảng Vũng Áng đóng im ỉm. Những dãy nhà hàng hải sản không một bóng người. Những xóm chợ nhỏ trên quốc lộ vắng tanh không một con cá, con tôm, mực... Tất cả gần như tuyệt giao với hải sản.
Cắm thuyền, treo lưới
Làng bè - nơi mỗi sáng có hàng trăm thuyền câu lớn nhỏ tấp nập cập cảng, kẻ bán người mua xôm tụ - sáng 27-4 vắng lặng người. Bà Mai Thị Hương, vợ một ngư dân, lót nón lá ngồi thở dài: “Chừ có cá cho họ cũng không lấy, bán ai mua”.
Bà Hương cho biết cả nhà bà có 6 người, tất cả phụ thuộc chiếc thuyền câu hằng đêm nhưng gần 20 ngày nay phải treo lưới, kéo thuyền cắm bãi. Người dân sợ cá chẳng ai dám ăn nên việc đánh cá gần như đóng băng toàn bộ.
Chạy ngược về phía nam, chiều trên bãi biển Ba Đồng (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) gió thổi ràn rạt. Hơn 30 chiếc thuyền nhỏ đánh bãi ngang của ngư dân được kéo hẳn lên bờ. Khoảng 6-7 ngư dân đang xếp mành lưới cũ sau 4 ngày đi biển về. Một ít cá lưỡi trâu, hơn chục ký cá chai chất chồng trong một thùng xốp nhưng tuyệt nhiên không một bóng người mua.
Bà Mai Thị Thảo mím môi nói như trút giận lên chúng tôi: “Các anh vào xem. Thùng cá này trước đây bán ít nhất cũng hơn 1 triệu đồng. Ký cá chai bán 150.000 đồng, giờ đi đánh về không ai mua, lại mang ra biển đổ. Tại sao?”.
Cầm hai con cá chai trên tay, bà Thảo nước mắt ngắn dài bảo rằng chiếc thuyền nhỏ này là vật dụng nuôi sống vợ chồng bà và 6 đứa con đang độ tuổi ăn học, bây giờ thì tắt ngúm. “Hai đứa lớn học ở TP.HCM, mấy đứa nhỏ học phổ thông ở đây. Vợ chồng tôi tối đi kéo lưới về bán cá nuôi nó. Mấy ngày nay nó gọi điện về hỏi tiền. Tôi chỉ biết khóc” - bà Thảo nghèn nghẹn.
Lão ngư Lê Luyến (78 tuổi, người xã Kỳ Nam) gỡ ra từ tấm lưới mắt nguyên cái xương cá to bằng ngón tay, lắc đầu bảo: “Tình trạng này kéo dài thì ngư dân đánh bắt ven bờ chỉ biết chết đói”.
Ông Luyến kể lúc trước ở cái làng cũ xã Kỳ Lợi còn có ruộng vườn, hết cá hay mùa biển động còn có thứ sinh nhai. Nay tái định cư lên xã Kỳ Nam, nhường đất cho xây dựng nhà máy Formosa để đi sống trên đất phân nền như thành phố, không đánh cá không biết làm sao sinh sống.
Quay về làng Kỳ Hà, gặp ngư dân Nguyễn Bá Lựu đang chếnh choáng, ngồi thừ trên bờ đê. Ông Lựu bảo để có cái sinh nhai, ông bỏ tay chèo đi phụ hồ gần nửa tháng nay. Chưa quen việc mới, bàn tay ông rách bươm, rướm máu.
Ngồi cùng những ngư dân, chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện cho biết: “Toàn xã có hơn 200 tàu thuyền, trên 500 lao động nghề biển, bây giờ gần như gác chèo toàn bộ. Ra biển cá ít, đánh cá được về bán cũng không được nên chẳng còn ai tha thiết. Chính quyền xã đang chờ cấp trên hỗ trợ”.
Nghêu cá chết, người lâm nợ
Bì bõm dưới dòng sông nơi chiếc lồng cá nuôi trống trơn, lão ngư Mai Khuyến (67 tuổi, thôn Tấn Thắng, xã Kỳ Hà) nói không nên lời. Ông Khuyến bảo bao nhiêu vốn liếng trút hết vào bè cá, bất ngờ trắng tay chỉ sau một đêm.
“Chưa kể tiền đóng bè, chỉ tiền cá giống, tiền công chăm sóc đã hơn 50 triệu đồng. Vậy mà bè cá gần 4.000 con chết gần hết, nay chỉ còn lưa thưa vài mống” - ông Khuyến than vãn. Ông nói hàng chục bè cá ở xóm Cửa Khẩu này đều chết sạch như vậy. Ai cũng buồn như nhau, không ai còn than vãn cùng ai.
Người nuôi nghêu cũng lâm vào cảnh nợ nần. Chị Trần Thị Mại (28 tuổi, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh) ngồi thừ trên đê nhìn ra biển thẫn thờ.
Cánh đồng nghêu 1ha của chị cùng bà con chòm xóm chết trắng. Kéo vạt áo lau dòng nước mắt, chị Mại bảo: “Cả gia đình hi vọng vào cánh đồng nghêu, chuẩn bị thu hoạch bán dịp 30-4, ai ngờ nó chết vùi trong bùn đất lúc nào không hay. Chưa kịp mừng vì nghêu được mùa thì đống nợ vay nuôi nghêu 100 triệu đồng từ ngân hàng bỗng dưng ập xuống”.
Bà Mai Thị Nhạn có 1,5ha nghêu, dự kiến thu hoạch 18-20 tấn nghêu nay bỗng dưng trắng tay và thành con nợ trong chốc lát. “Nếu bị dịch chỉ mất 20-30% là cùng, năm nay đột nhiên nó chết sạch. 200 triệu tiền vay ngân hàng tôi chưa biết làm sao” - bà Nhạn thẫn thờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận