07/03/2017 12:56 GMT+7

Chiều nay 7-3, Chính phủ họp bàn xử lý nạn 'cát tặc'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc đến loạt bài “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” trên báo Tuổi Trẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm sáng nay 7-3.

Chiều nay phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý nạn khai thác cát trái phép - ảnh: Lê Kiên
Chiều nay phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý nạn khai thác cát trái phép - ảnh: Lê Kiên

Chiều nay, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng sẽ chủ trì cuộc họp riêng về tình hình khai thác cát trái phép. Tuổi Trẻ sẽ thông tin kịp thời đến bạn đọc.

“Gần đây nổi lên sự phức tạp của các loại vi phạm mà báo chí gọi là “tặc” như lâm tặc, cát tặc… Báo Tuổi Trẻ vừa có loạt phóng sự nhiều kỳ về đường đi của cát".

"Bơm hút, khai thác một hồi rồi chở đi lòng vòng đến đâu không rõ, có cả xuất khẩu ra nước ngoài. Quản lý tài nguyên ở đây như thế nào?” - phó thủ tướng nói.

Trong buổi sáng, trình bày báo cáo tại cuộc họp, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết: năm 2016 xảy ra hơn 54.000 vụ phạm pháp hình sự (giảm hơn 4% so với năm trước), nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn.

Nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận.

Tội phạm ma túy cũng gia tăng, tiếp tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Tội phạm, vi phạm về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Đặc biệt, năm 2016 liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên biển, song, kênh rạch; nổi cộm nhất là việc xả thải, xử lý chất thải công nghiệp ra biển gây hậu quả nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền Trung.

Vẫn theo tướng Tuyến, năm 2016 đã điều tra, phám phá hơn 42.500 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hơn 80.200 đối tượng; phát hiện hơn 16.800 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham nhũng; xử lý hơn 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; đấu tranh triệt phá hơn 18.700 vụ, gần 29.000 đối tượng phạm tội về ma túy…

Đề cập đến những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu ở một số nơi còn chưa thực sự quan tâm lĩnh vực này.

Ông phê bình: “ngay tại cuộc họp này, nhiều lãnh đạo địa phương vắng mặt, giao khoán cho cấp sở ngồi dự”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Nơi nào để các băng nhóm xã hội đen lộng hành thì người đứng đầu các địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Việc truy nã tội phạm phải kiên quyết, kể cả các đối tượng đang trốn tránh ở trong nước cũng như trốn tránh ra nước ngoài”. 

Đề nghị kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí

Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan cung cấp thông tin kịp thời, đặc biệt là các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng cho báo chí.

Ông Bảo đề cập đến tình trạng là báo chí chính thống không được cung cấp thông tin kịp thời, trong khi dư luận xã hội, trên mạng internet thì lại đồn thổi rất nhiều.

Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, báo chí không đề cập kịp thời vì không có thông tin chính thống, nhưng trên mạng xã hội xôn xao. 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên