01/05/2022 08:08 GMT+7

Chiến tranh rồi sẽ qua thôi

Truyện ngắn HUỲNH TRỌNG KHANG
Truyện ngắn HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Những khu vườn ở lữ quán Chechnya bây giờ thế nào? Hải đường đã trổ bông? Khóm phúc bồn tử đã thu hoạch hết hay còn chờ ít hôm? Cúc đã vào mùa? Và lũ sâu bướm đã kịp kết kén?

Chiến tranh rồi sẽ qua thôi - Ảnh 1.

Từ tháng ba, những tấm khăn trải bàn trắng trong phòng ăn đã được thay bằng khăn carô xanh hoặc đỏ tùy theo tuần. Diệu nói rằng mùa đông đã hết từ lâu, đừng giữ lại sắc trắng ảm đạm nọ làm gì.

Mấy ngày qua nàng vui lạ, không hiểu chuyện gì mà lâu lâu gò má lại ửng đỏ, nàng cười một mình. Nhân viên bảo nàng đang yêu. “Có khi năm nay cổ lấy chồng cũng nên”, Vú Năm nói. Từng cho nàng uống sữa từ ngực mình nên đôi khi bà tự cho cái quyền là người hiểu nàng nhất trên đời. Và bà đúng. 

Diệu yêu, ở tuổi ba mươi hai tình yêu đâu đáng ngại, nhất là nàng đã yêu một người mười sáu năm, nghĩa là đã bỏ nửa thời gian hiện diện trên cõi đời để hướng về một con người. Khi mang tình yêu như thế, người ta dễ dàng quên đi nhiều thứ, như chuyện đã hơn mười năm họ không gặp nhau, như chuyện nàng đã quên cảm giác được nắm bàn tay của anh, hay cách anh xấu hổ, cả cảm giác môi anh nữa, nàng cũng không còn đọng lại chút gì ngoài nụ hôn đó mang vị phúc bồn tử. 

Nàng nhớ, và nhớ rất rõ đó là mùa hè năm mười ba tuổi dưới chân bức tượng Quang Trung đặt ở sau trường, anh đặt hương phúc bồn tử lên môi nàng rồi chạy đi mất. 

Nếu thời gian chưa trôi quá nhanh chắc nàng còn nhớ khi ấy cậu nhóc dạn dĩ phải nhón chân để hôn nàng. Con gái thường lớn trước. Ba năm sau thì thằng nhỏ cao hơn nàng cái đầu. Nhưng đó là chuyện của ba năm sau, còn lúc nhận được nụ hôn nàng chỉ thấy ấm ức, bực bội. 

Cô bé về méc mẹ, mẹ đi nói chuyện với ba thằng nhóc, một trận đòn diễn ra và trong ba năm hai đứa không đứng gần nhau lần nào nữa. 

Nụ hôn của những đứa trẻ không tạo ra tình yêu nhưng nàng vẫn nhớ. Thỉnh thoảng nàng nhắc lại, khi hai người bên nhau. 

“Anh bị đánh có đau không?”.

“Không nhớ nữa, chuyện hồi nhỏ xíu”.

“Em xin lỗi”.

“Chuyện hồi nhỏ xíu mà!”, anh lặp lại.

Hai tuần sau anh nhập ngũ, kế đến là rất nhiều năm họ không gặp nhau. 

“Em sợ”, nàng nép vào ngực anh thủ thỉ. 

“Sợ gì?”.

“Không biết… đủ thứ”.

“Như là cái gì mới được”.

Nàng ngước lên, mắt ươn ướt nhìn anh. “Hứa nhe. Anh sẽ không tham gia mấy vụ ẩu đả nhe”.

“Anh đi nghĩa vụ mà, làm gì có chuyện…”.

Nàng ngắt lời. “Tai bay vạ gió, cả đám con trai ở với nhau thế nào cũng sinh chuyện, rồi tai nạn trong lúc tập luyện, rồi chiến tranh, lỡ người ta cử anh ra chiến trường thì sao?”.

Anh xoa đầu nàng: “Sẽ không có chuyện đó đâu”.

“Nhưng ngộ nhỡ…”.

“Không. Hòa bình rồi, không chiến tranh, sẽ không có chiến tranh…”.

Anh cứ lặp đi lặp lại như hát ru, lời ru không có giấc mơ cũng không có bạo lực. 

Khác xa với những gì nàng đang thấy trên màn hình, thành phố sau mưa bom tan hoang, có tiếng dương cầm vang giữa lòng đổ nát… “Chiến tranh”, nàng thầm thì và rơi nước mắt, sực nhớ chuyện gì lại nhìn đồng hồ treo tường. Vú già liếc mắt, nói: “Còn hai tiếng nữa xe mới tới”. 

Nàng cười một mình, chợt đứng bật dậy, chạy vào bếp xem nồi bò kho đang liu riu. Diệu nhớ anh thích món này, nhưng rồi lại lo qua bao nhiêu năm, không biết khẩu vị anh có thay đổi không? Vú phát bực trước vẻ bồn chồn của Diệu, rồi tự thấy xấu hổ vì tính cả ghen. 

“Con mới làm tóc đó hả?”, vú hỏi. Diệu chạm lên mái tóc uốn bồng bềnh của mình, mở điện thoại ra ngắm nghía khuôn mặt, xoay vòng khoe bộ váy hoa xòe với vú để nhận lại cái tặc lưỡi của bà: “Con có phải mới mười bảy đâu”.

Nàng ngồi xuống ghế nhìn ra khu vườn vắng. Những bông hoa gục gặc ngủ trưa. Bình thường vào mùa này trong năm, khu vườn được những khách du lịch lấp đầy, buổi tiệc trà với bánh ngọt Tây phương lẫn với những bánh gai, bánh ít Việt Nam. 

Diệu thường thích thú ngắm những mệnh phụ Tây dương đưa bánh rán bên tai, lúc lắc để nghe tiếng nhân bánh như chiếc chuông nhỏ rung rinh. 

Trong bộ áo dài thêu hoa sặc sỡ, nàng kiên nhẫn giải thích sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, sự khác nhau giữa sườn xám và áo dài, rằng chả giò là đặc sản của Việt Nam, dẫu du khách từng ăn chúng ở Philippines hay Chinatown nào đó. 

Nàng sẽ kể chuyện cười cho họ, vận dụng hết vốn liếng học được từ sách của Gogol để nói chuyện. Tiếng Nga và tiếng Ba Lan của nàng ổn, dù thi thoảng quên, vú Năm bảo rằng đó là di chứng hậu covid. 

Vú Năm đổ mọi thứ cho covid. Bà dạo này cũng hay quên, không nhớ đã lấy bánh khỏi lò hay chưa, lẫn lộn giữa thứ tư và thứ năm, cứ thấp thỏm chờ xe chở rau tới. Hay chứng đau thắt lưng, tai ù, giờ bà phải ngồi sát tivi khi xem tin tức, không chỉ để nghe cho rõ mà mắt cũng đã kèm nhem, không phân biệt được cờ Ukraine hay cờ Nga phất phơ trên phố. 

“Tổ cha, từ nhỏ tới lớn, tao đi đâu cũng gặp chiến tranh” - bà lèm bèm. 

“Nhưng vú ơi, đây là Ba Lan mà, ở đây hòa bình”, Diệu phì cười trước sự lẫn đáng yêu của vú. 

“Thế à… Vậy nhập nhiều lương thực vào, rau củ, bánh mì, trứng, sữa, rượu nữa, khách sạn Chechnya sẽ tiếp đón những người lính. Ờ… bà con tị nạn chiến tranh nữa”.

Vú xổ một tràng, không để nàng kịp trả lời, vội vã đứng dậy, bắt đầu la ó chỉ đạo nhân viên trong lữ quán. Nàng nhớ nhiều năm trước cũng đã từng thấy cảnh này, vú Năm lúc đó hãy còn trẻ và nhanh nhẹn, cùng mẹ nàng cũng như các nhân viên chuẩn bị nấu bánh tét để quyên tiền ủng hộ người nhập cư. 

Thậm chí trong một thời gian dài, có một quân nhân từng tham gia chiến sự ở Chechnya, trở thành bếp chính của lữ quán. Còn cha nàng, dạo đó hay ngồi ở quán Sừng Hươu dưới phố, cùng các ông các chú bàn tán tình hình thời sự thế giới. 

Sau một lần quá chén, ông quyết định đổi tên lữ quán Thảo Nguyên thành lữ quán Chechnya như cách bày tỏ sự ngưỡng mộ với người đầu bếp đã nấu cho ông những món không thể quên được. 

Vậy là giữa Ba Lan mọc lên lữ quán mang cái tên dễ gây hiểu lầm, khiến sau này Diệu phải giải thích đi giải thích lại, đây là lữ quán do những người gốc Việt sáng lập và điều hành. Dù vậy, cô vẫn quyết không đổi tên như giữ lại kỷ niệm với cha mẹ. Sau khi họ gặp tai nạn leo núi, Diệu đơn độc trở thành bà chủ lữ quán nơi thôn trang hẻo lánh này. 

Những buổi tiệc vườn cuối tuần làm không khí yên tĩnh ở lữ quán Chechnya rung lên, rũ bỏ cái ủ ê thường lệ. Hai năm dịch bệnh khiến tình hình kinh doanh bi đát. Cô bắt đầu mượn nợ ngân hàng để không phải đuổi nhân viên nào. Khu vườn được cơi nới, họ trồng đủ thứ hoa cỏ rau củ, nuôi ong, nuôi gà lấy trứng. Tháng tới, họ sẽ nuôi thêm bò sữa. 

Diệu hình dung cảnh mỗi sáng sẽ nấu sữa bò mới vắt, chuẩn bị bánh mì mới nướng và mứt nàng mới làm, đặt lên khay đem tận phòng cho anh. Nàng tưởng tượng khuôn mặt hạnh phúc của anh, nụ cười hiền, lúc nào cũng hiền. 

Ngoài trời, từng cụm mây mỏng trôi thành đàn tựa hồ những con cừu lông trắng trên thảo nguyên xanh. Cô tự hỏi, con cừu nào trong đàn cừu sẽ mang theo mình mưa dông sấm chớp? 

Tối qua trên đài dự báo sắp tới sẽ có mưa, thậm chí dông bão, làm nàng nhớ đến chương trình thời tiết ở Việt Nam, lúc nào biên tập viên cũng bảo sẽ có mưa rào và dông vài nơi, nhưng nơi nào thì không rõ, không rào chỗ này thì rào chỗ khác…

Trong khi thả hồn theo thời tiết và những đám mây, chiếc xe hơi nàng mong mỏi từ từ chạy vào sân rồi dừng lại trước cửa chính lữ quán. Bác tài xế trung tuổi đô con người Ba Lan vội bước xuống, mở cốp, xách ra một chiếc xe lăn điện, đặt cạnh xe. 

Bác kéo cửa, nửa người khom vào trong xe, hai cánh tay lực lưỡng bế một thanh niên da vàng gầy gầy ra ngoài. Anh chàng ngoan ngoãn vòng tay qua cổ ông, hai chân đung đưa trên thinh không một lát thì êm ắng xếp trên chân gác của xe lăn. 

Từ cửa sổ, Diệu bụm miệng cố ngăn mình kêu lên hạnh phúc. Hai chân cuống cuồng chạy xuống vườn, ôm chầm lấy người thanh niên ngồi trên xe lăn, gục mặt vào ngực anh, nức nở. 

“Nín nào”, anh nói, vuốt tóc cô. 

Diệu ủ khuôn mặt anh bằng hai tay, ngắm nghía. Anh gầy hơn trên ảnh, già hơn, tóc đã có nhiều sợi bạc. 

“Mình vào trong đi”, anh nói, gạt cần điều khiển cho xe lăn tiến về trước, nàng phải chạy đuổi theo. 

Tuần trước, nàng cho sửa lại một phần bậc thang thành dốc thoải để đón anh. Chiếc xe lăn bần thần dừng trước con dốc. Nàng đứng sau anh, kiên nhẫn đẩy chiếc xe tựa hồ Sisyphus lăn hòn đá lên dốc. 

Luôn là vậy, lúc nào Diệu cũng ở sau anh. Chiếc xe lao nhanh xuống con dốc. Diệu sợ hãi ôm chặt eo anh, chiếc sơmi cộc tay, mồ hôi ướt đẫm lưng. 

Xe mất phanh và anh gần như hét lên: Anh yêu em. Lời anh cuộn vào gió và nàng cũng hét lớn: Em yêu anh, trong khi chiếc xe đứt thắng vẫn lao xuống trên con dốc về nhà, đến khi hai người chỉ còn là một bóng hình của gió chẳng thấy gì ngoài sắc trắng tà áo dài của Diệu phất phơ…

Đoạn hồi ức cũ lướt qua tâm trí, bất giác, anh mỉm cười, thì thầm: Anh yêu em. “Hả anh?”, Diệu hỏi lại. “Không có gì”, anh đáp. Chiếc xe lăn từ từ khuất vào trong nhà, để lại nỗi băn khoăn của Diệu ngoài cửa. 

Anh đi đường có mệt không? Anh đói bụng chưa? Anh có bị thương ở đâu không?... Diệu tung vào anh một tràng câu hỏi như hoa giấy chào mừng. 

Anh định kể cho nàng nghe hành trình tị nạn của mình, nhưng lại thôi. Diệu sẽ lo, như bao lần, như khi ở Việt Nam, như cái lần anh chuẩn bị nhập ngũ. “Anh không sao cả… À, em có một khu vườn xinh xắn”. Anh đánh trống lảng, còn nàng thì mắc bẫy. Nàng say sưa giới thiệu hoa cỏ trong vườn, về những buổi tiệc, họ sẽ tổ chức một tiệc quyên góp vào tuần tới, cô hỏi anh có muốn phát biểu…  

“Chiến tranh. Phải nói gì về chiến tranh?”. Anh trầm tư, phóng tầm mắt về phía những khóm phúc bồn tử. À, phúc bồn tử. Anh đã quên nụ hôn đầu tiên anh đặt lên môi nàng có vị phúc bồn tử. Những trái phúc bồn tử đựng trong hộp bánh thiếc cha anh đem từ Nga về. 

Dạo ấy, cha vẫn quen gọi đất nước đó là Liên Xô. Nga và Liên Xô. Rất nhiều năm sau đó, anh đã đến nơi từng là Liên Xô để học nghệ thuật, để tìm cha, người cha kể từ khi tặng anh hộp phúc bồn tử thì không lần nào trở về nữa. 

Trước khi đến lữ quán Chechnya anh đã nhiều lần thấy khu vườn của Diệu qua ảnh. Anh thích những bông hoa ở đây, chúng chẳng bao giờ nở rực rỡ cả, anh yêu cái vẻ đẹp đại trà của chúng, cứ giản dị như những thôn nữ chưa bao giờ lên phố. 

“Chiến tranh… - Anh thì thầm - Cái ngày anh nghe âm vang một cuộc chiến, anh đã trượt chân ngã khỏi giàn giáo công trình. Anh đã ở đó sáu tháng để phục chế bức tranh trên mái vòm nhà thờ và chỉ còn một chút nữa thôi vậy mà đành dang dở. Chỉ còn một chút nữa thôi anh có thể ngồi tàu để đến gặp em… Và kết hôn… Thay vào đó là tám năm, tám năm anh gắn với chiếc xe lăn này, như số phận những kẻ tầm thường chúng mình phải gắn với lịch sử”.

“Giờ anh có em”, Diệu nói, ngồi xuống sàn, vòng tay ôm lấy đôi chân bất lực của anh. Đầu nàng tựa vào gối anh và anh cứ để yên như thế, chăm chú nhìn vào những chỗ tóc thưa của nàng, không hay rằng, vừa nhỏ nước mắt lên đấy. 

“Sau đó là những ngày trong bệnh viện ở Yalta. Đêm đêm, anh để linh hồn tự do mình lang thang trên phố, để nó lết qua nơi Chekhov lìa trần hay hình dung cái vẻ u buồn của người đàn bà và con chó nhỏ. Linh hồn anh cũng giống con chó nhỏ, con chó tha hương và giờ đây bên bờ biển Đen anh thấy mình lạc lối. 

Tuyệt vọng. Nhiều tháng sau anh đoàn tụ gia đình chị gái ở Kiev, và giờ đây anh chạy nạn đến tìm em ở xứ Ba Lan. Anh cảm tưởng mình đi đâu không thoát khỏi thân phận là những con người nhỏ bé bị lịch sử truy đuổi”.

“Chiến tranh… Chiến tranh rồi sẽ qua thôi. Anh nhìn kìa, chẳng phải hoa trong vườn lại nở đấy. Nếu không có cuộc chiến này, có lẽ cả đời anh sẽ trốn chạy em. Anh thật ngốc, mất đôi chân thì anh còn đôi tay, còn khối óc. Ta đã yêu nhau nửa cuộc đời”.

“Mình nói chuyện cứ như hai nhân vật trong tiểu thuyết cũ”. Anh cười. 

“Ừ… thì cũ cũng có sao. Mình là những người cũ, yêu và sống giống ông bà cha mẹ mình. Sẽ sinh con, những đứa con sẽ lớn…”.

“Rồi chúng cũng sẽ chịu đựng chiến tranh…”.

“Thì có sao”. Nàng đẩy cửa sổ. Cơn gió lạnh ùa vào. Có thể nghe ra trong không khí hơi ẩm. Sắp mưa rồi chăng? 

Anh xoa xoa đầu gối. Sắp mưa rồi! Anh rõ. Từ hồi bị liệt, không hiểu sao đầu gối anh cứ như phong vũ biểu, chỉ cần trời sắp chuyển mưa lại nhói lên. 

Diệu đặt tay lên vai anh, im lặng. Anh nhớ một đoạn trong Con đường đau khổ của Alexey Tolstoy nhưng nhất thời không thể hình dung được trọn vẹn. Anh không biết những ngày sắp tới ở lữ quán sẽ thế nào. Có lẽ anh sẽ vẽ lại. Có thể họ sẽ kết hôn và có con như nàng nói. 

Bàn tay nàng đặt lên vai anh nhẹ như bông, cái sức nặng của tương lai xa xôi nàng đang đặt ở đâu, anh không rõ. Nhẫn nại và đầy hy vọng, Diệu kiên định nhìn vào những đám mây dông. 

Dưới sân, vú Năm đang chỉ huy nhân viên thu dọn quần áo, chăn drap đang oằn mình trước gió như tơ liễu. Bà như vị tướng trên mặt trận mà địch thủ là cuộc đời này. Một cuộc đời tầm thường vẫn diễn ra, trôi đi, như thể nó không hay gì khác ngoài chính bản thân nó. 

Những cuộc đời bình thường vẫn tiếp tục bình thường giữa hồi thế giới đang có chiến tranh. À, chiến tranh và có cả hòa bình nữa. Chiến tranh và hòa bình, tội ác và hình phạt và tình yêu… và tình yêu!

Truyện ngắn: Son môi Truyện ngắn: Son môi

TTO - Nghe nói hồi đầu thế kỷ 20 son môi đỏ là biểu tượng của liên minh phái đẹp đấu tranh vì nữ quyền. Chị Hai tôi không biết điều đó. Chị thậm chí không biết nữ quyền là gì. Chị chỉ đơn giản không biết màu son nào khác ngoài màu son đỏ.

Truyện ngắn HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên