31/07/2016 10:26 GMT+7

Chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn: khi nào có hướng dẫn?

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

TTO - Hiện nay các cơ quan tố tụng ở nhiều địa phương tỏ ra lúng túng không biết xử lý thế nào đối với những vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (thường là giật hụi).

Công an đã phải đến can thiệp, ngăn không cho các con hụi đập phá nhà bà Tư - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Công an đã phải đến can thiệp, ngăn cản con hụi đập phá nhà một chủ hụi tại Tiền Giang

Lý do cơ quan tố tụng lúng túng khi xử lý hành vi trên bởi Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 đã thay đổi điều luật quy định về tội phạm này.

Tại Kiên Giang có vụ giật hụi rồi bỏ trốn để chiếm đoạt, cơ quan điều tra phải ra lệnh truy nã mới bắt được người giật hụi.

Kết thúc điều tra, viện kiểm sát truy tố người giật hụi ra TAND tỉnh để xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi thụ lý vụ án, tòa án cho rằng căn cứ vào điều 175 BLHS 2015 thì không xử được hành vi “bỏ trốn để chiếm đoạt” vì điều luật đã bỏ dấu hiệu này trong cấu thành tội phạm.

Khi Quốc hội có nghị quyết tạm hoãn thi hành BLHS 2015, tòa án đưa vụ án ra xét xử nhưng lại bị kẹt vì nghị quyết 144 của Quốc hội lại quy định “những quy định có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng từ 1-7-2015”.

Trước đây, theo điều 140 BLHS 1999 quy định về “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đều bị xem là hành vi phạm tội.

Nay điều 175 BLHS 2015 quy định về tội phạm này đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt”. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố, truy tố hay xét xử những vụ án có tình tiết như trên đã gây ra nhiều hệ lụy và hậu quả phi vật chất khác.

Đã có trường hợp người dân kéo đến trụ sở các cơ quan tố tụng “chất vấn” vì sao không khởi tố, truy tố và xét xử người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau đó bỏ trốn?

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng điều 175 BLHS 2015 bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” là thiếu sót và đề nghị Quốc hội nên phục hồi tình tiết này trong điều 175 BLHS năm 2015.

Còn từ nay đến khi BLHS 2015 được đưa ra thi hành, Quốc hội nên có sửa đổi, bổ sung theo hướng vẫn thi hành nghị quyết 144 trừ điều 175 và có hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với loại tội phạm này. Có như vậy các cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ pháp lý để xử lý các vụ án đang bị tắc.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên