28/06/2008 08:03 GMT+7

"Chiếc phao" cho người làm muối

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Giá muối đang ở mức cao và có khả năng tiếp tục tăng. Người dân làm muối ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang sống trong niềm vui "được mùa được giá” sau không biết bao nhiêu năm rồi mới có được. Thế nhưng, những nụ cười, nét rạng rỡ trên những khuôn mặt khắc khổ vì nắng gió nay lại có nguy cơ tắt lịm trước chủ trương nhập khẩu muối.

Thoạt nhìn các số liệu liên quan, dễ cảm nhận rằng chủ trương này rất hợp lý: cả nước cần gần 1 triệu tấn muối ăn, nhưng sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được một nửa. Hơn nữa, theo ngành công thương, giá muối ở VN hiện đang khá cao so với các nước trong khu vực, thậm chí cao hơn so với Lào, một nước không có biển(!?). Nhập khẩu muối là giải pháp cho bài toán cân đối cung cầu và bình ổn giá.

Vấn đề là trong thời kỳ dài, khi sản xuất muối vượt quá nhu cầu xã hội và muối thương phẩm rớt giá thảm hại, không có ai đứng ra chia sẻ thiệt hại với người nông dân làm muối; cũng không có ai tư vấn, giúp đỡ họ tìm hướng đi đúng giữa lúc họ thấy bế tắc, bất lực trong việc giải quyết bài toán sinh kế.

Một cách tự phát, nhiều nông dân đã bỏ ruộng muối ra thành thị tìm việc; một số khác cải tạo ruộng muối thành ao, đầm để nuôi tôm, diện tích đất làm muối giảm sút. Điều này cùng với một số tác nhân khác, đã khiến một đất nước có hơn 3.000km bờ biển rơi vào tình trạng không tự làm ra đủ muối để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Hầu hết nông dân làm muối trong bối cảnh hiện tại thuộc một trong hai loại: hoặc là những người đã kiên trì bám lấy nghề làm muối nhọc nhằn và chịu nhiều thua thiệt một cách chung thủy; hoặc họ phải chấp nhận công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", lấy hạt muối làm phương tiện mưu sinh vì không có sự lựa chọn nào khác. Cả hai đều cần và đều xứng đáng có được sự hỗ trợ của xã hội, nhất là của nhà chức trách, để nếu không đứng vững được trên đôi chân nghề nghiệp của mình thì ít nhất cũng không bị xô nghiêng đẩy ngã bởi những biến động trong đời sống kinh tế.

Đáng lý nhà chức trách phải can thiệp để một mặt bảo đảm đáp ứng nhu cầu bình thường của xã hội về muối ăn, bằng cách tổ chức việc nhập khẩu muối; mặt khác bảo đảm người nông dân làm muối được hưởng lợi từ hạt muối, có được nhờ kết quả lao động cực nhọc của mình, bằng cách cam kết tiêu thụ sản phẩm của bà con với giá cả thỏa đáng. Việc này hoàn toàn có thể được thực hiện trên căn bản tự nguyện và mang tính chất quan hệ kết ước bình đẳng, sòng phẳng thông qua cơ chế bảo hiểm giá cả.

Có thể giá bảo hiểm sẽ không cao so với giá thị trường ở thời điểm thương phẩm khan hiếm; nhưng giá này thật sự là chiếc phao cứu hộ dành cho người làm muối một khi thị trường lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa. Trên hết, cơ chế bảo hiểm giá có thể giúp người sản xuất nhỏ, ít vốn băng qua các thời kỳ biến động, mất cân đối cung cầu một cách an toàn, giúp họ cảm thấy được bảo vệ và từ đó yên tâm với công việc sản xuất.

Suy cho cùng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm giá cả trong nông nghiệp, như một mảng của hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội, chính là một phần nội dung sứ mạng của một nhà nước gọi là của dân, do dân và vì dân.

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên