25/07/2006 05:02 GMT+7

"Chiếc lược ngà" ở thôn Luân Phượng

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Ngồi trước mặt chúng tôi là người phụ nữ bé nhỏ, tóc bạc trắng ở tuổi 62. Đôi mắt mà thời son trẻ bà đã từng khóc đến khô cạn vẫn ánh lên vẻ sáng trong và đôn hậu lạ thường.

npEXmCXE.jpgPhóng to
Bà Minh, chị Tuyết Mai và bé Hiếu

Và rồi, đôi mắt ấy lại nhạt nhòa khi quá khứ xa xưa hiện về từ những dòng chữ trong một lá thư đã ố vàng...người khao khát được nghe con gọi một tiếng “cha”.

1. Ngày ấy, Lê Thị Minh là một trong những thiếu nữ đẹp nhất thôn Luân Phượng (Thanh Chương, Nghệ An). Đang học phổ thông trường làng, cô lấy một anh bộ đội 28 tuổi, bạn thân của anh trai.

Chồng đi biền biệt, chỉ có những lá thư. Sinh con được một năm, cha chồng mất. Gánh nặng đè lên đôi vai người vợ trẻ: vừa chăm sóc mẹ chồng đau ốm triền miên vừa lo cho ba đứa em chồng ăn học, lại con thơ! Cánh rừng ở bên kia sông Lam cách nhà hơn chục cây số đã in đầy dấu chân của cô, cả những lúc máy bay gầm thét trên đầu. Rồi tờ giấy báo nhập học (sư phạm) đến với cô đúng ngày mẹ chồng mất!

Năm 1968, tin báo tử gửi về khi cô đang đứng lớp. Đất trời chao đảo, sụp đổ dưới chân cô! Năm đó Minh mới 22 tuổi! Đứa con gái đầu lòng - Nguyễn Thị Tuyết Mai chưa tròn 5 tuổi!

Nhiều đêm nằm nghe hơi thở của con, nước mắt cô lại ứa ra. Tội nghiệp, con bé chưa từng gặp cha. Nó vẫn hay hỏi mẹ: “Mẹ, khi mô cha về? Sao lâu quá không thấy cha về?”. Từ lâu, “cha Phước” của nó là một người đàn ông trẻ đẹp, hiền từ trong bức ảnh mà mẹ giữ hơn chục năm trời.

Trong tác phẩm Những lá thư thời chiến VN (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Quĩ mãi mãi tuổi hai mươi) có giới thiệu lá thư của người lính Nguyễn Trí Phước (Lá thư của một người cha bị từ chối)... Tuổi Trẻ đã gặp gỡ những con người liên quan đến lá thư cảm động này.

2. Chiều tháng 7-1973, có người bộ đội còn trẻ nhưng lưng còng rạp, chống gậy đi trên đường làng Luân Phượng. Đó là người lính bị thương tật đã phải rời chiến trường trở về. Anh gặp một ông lão và đám trẻ đang câu cá bên mương.

- Cha, cha có nhận ra con không?

- Nỏ... nỏ biết mi là ai mô...

Người bộ đội bật khóc: “Cha! Con là Phước đây!”. Ông lão ngỡ ngàng, cố mở to đôi mắt lèm nhèm... Rồi cả hai ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào. Ông chỉ vào đám trẻ đang nô đùa, bảo: “Con coi trong nớ Tuyết Mai con của con là đứa mô?”. Linh cảm của một người cha, anh chạy tới ôm chầm lấy cô bé cột tóc, mặc quần áo hoa. Con bé hét toáng lên, vùng ra, bỏ chạy. Anh ngơ ngác, hụt hẫng, thẫn thờ nhìn đứa con gái sau mười năm trời mới gặp, vụt khỏi vòng tay...

...Vừa về đến đầu ngõ, thấy người bộ đội ngồi trước thềm nhà, Minh sững sờ. Chiếc xe đạp trong tay đổ sập xuống đường. Cô dúi dụi vào bụi chè tàu, ngất lịm...

Minh chết lặng nhìn chồng. Nguyễn Trí Phước của cô bằng xương bằng thịt vẫn còn sống. Nhưng sao lại là một hình hài thế này: khuôn mặt biến dạng, tấm lưng rắn chắc nay đã còng rạp, hàm răng trên bị cày nát...? Đó là kết quả sau gần năm năm bị giặc tra tấn, biệt giam ở nhà tù Phú Quốc!

Ngày sum họp cũng là ngày nỗi đau không ai ngờ ập đến: đứa con gái nhất quyết không chịu nhận cha. Nó nói với mẹ: “Mẹ ơi, chú bộ đội lừa để lấy mẹ đấy. Cha Phước trên ảnh đẹp cơ”. Bữa cơm đoàn tụ đầu tiên, bé Tuyết Mai chẳng chào hỏi một tiếng, cắm cúi ăn. Tối, nó ngúng nguẩy bỏ lên nhà ngoại.

Những bữa cơm mong ước sau bao năm xa cách giữa bom đạn, đối với cha - con như cực hình, chan đầy vị mặn của nước mắt và vị đắng của nỗi đau. Đêm, anh trằn trọc không ngủ, cứ thở dài rồi khóc với vợ: “Tưởng gặp lại sẽ được con yêu thương quấn quýt. Không ngờ...”. Chị lặng người, nước mắt lại chảy.

Chiều nào bé Tuyết Mai cũng giành nấu cơm nhưng chị không chịu, bắt nó ra ngồi chơi với cha, nghe cha kể chuyện. Cái ghế gỗ dài, hai cha con ở hai đầu! Anh xích lại gần, nó lại xê ra. Anh cầm bàn tay nhỏ xíu của con, nó gạt ra phũ phàng. Suốt một tháng trời nó không chịu mở miệng gọi anh một tiếng “cha”, mặt lúc nào cũng rầu rầu cau có.

3. Anh trở lại đơn vị. Đứa con gái mắt khô veo, bình thản như không hề có cuộc chia ly. Về đến đơn vị, anh gửi cho vợ một lá thư dài 16 trang, thư đã lem nhòa vì nước mắt người viết (và của người giữ nó suốt 33 năm).

“Mỗi lần ngồi chuyện trò với bầu bạn, họ kể chuỵên tình cảm về con cái của họ, em có biết anh nghĩ gì và làm gì lúc đó không? Anh đã quay mặt gạt nước mắt khi nghĩ đến con mình đối xử với mình trong những ngày qua, rồi lặng lẽ bỏ đi. Mỗi lần anh nhìn tấm ảnh của con chụp chung với các chú bộ đội mà lòng anh phải phát ghen lên vì tình cảm ấy”.

Đã hai lần anh cố gắng muốn có được cái niềm vui bình dị là chụp chung với con một tấm hình. Vậy mà cho đến tận cuối đời, đó vẫn chỉ là ước mơ!

Anh cố tỏ ra bình thản, chấp nhận sự thật phũ phàng kia. “...Nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha, thì anh sẽ vui lòng cho con gọi anh bằng “chú bộ đội”. Để “chú bộ đội” được phép gần gũi bên “cháu Tuyết Mai” dăm ba phút cho đỡ tủi lòng”. “...Cứ nói nhiều về chuyện này, e rằng anh không cầm được nước mắt nữa rồi...

Anh đã nhận được của em hai lần thư và cả hai lần anh cũng chưa nhận được của con một chữ nào. Có lẽ con lo bận học, bận nuôi gà, chăm lợn, bận nấu ăn và cả bận chơi nữa nên nó không có thời gian để gửi thư cho cha nó. Em nói với con là cha nó đang ở xa nhà lắm. Cha nó bây giờ không như trong trí tưởng tượng của nó đâu”.

Năm 1974, anh chuyển về làm ở huyện đội Thanh Chương. Cứ thứ bảy, chủ nhật chị lại chở con ra ở với anh. Tuyết Mai vẫn không chịu nói với anh một lời. Chị có thai, nó đấm vô lưng chị: “Để đẩy em bé không phải con cha Phước ra!”. Chị dọa nó: “Không chịu gọi cha, mẹ đẻ em bé ra bắt Mai phải nghỉ học trông em rồi đi chăn dê”. Nó sợ, những lúc không có ai mới gọi “cha” lí nhí. Thế cũng đủ làm anh sung sướng, tươi cười.

Nhưng rồi một lần vì câu nói đùa vô tình của anh, nó thình lình hất đổ mâm cơm văng tung tóe, mắt loang loáng nước: “Răng không phải cha Phước mà cứ bắt gọi bằng cha?!”. Anh tủi thân, ứa nước mắt.

Anh ít nói hẳn. Vết thương cũ tái phát, anh nhập viện khi chị vừa sinh con mới ba ngày! Tháng 11-1975, anh ra đi khi vừa đoàn tụ với gia đình gần hai năm, mang theo nỗi đau suốt đời của người khao khát được nghe con gọi một tiếng “cha”.

33 tuổi, chị lại “chết” một lần nữa! Người thiếu phụ trải qua thời xuân xanh đầy truân chuyên ấy quyết thờ chồng nuôi con đến tận bây giờ, khi tóc đã nhuốm màu sóng bạc...

4. Câu chuyện trên không phải trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhưng trong tác phẩm kết thúc vẫn có chút thanh thản, nhẹ nhàng. Còn cái hiện thực ở thôn Luân Phượng thì đầy sự đau đớn. Một sự thật nghiệt ngã trong thời chiến, tồn tại không chỉ trong quá khứ mà còn ám ảnh, dữ dội đến tận ngày hôm nay.

Nhắc lại chuyện năm xưa, im lặng... Đôi mắt Tuyết Mai thấp thoáng buồn, nỗi buồn sâu thẳm, chất chứa những ăn năn muộn màng chẳng thể phai nhạt qua năm tháng, dù đó không phải lỗi của Mai. “Nghĩ lại hồi đó thấy mình dại quá, cứng đầu quá... để giờ đây lần nào dạy đến bài Chiếc lược ngà mình cũng không đạt, cứ chạy ra mà khóc.

Học trò ngạc nhiên hỏi, mình chỉ nói được mỗi câu “Nhân vật trong tác phẩm giống cô lắm...” rồi nghẹn lại...”. Nỗi day dứt khôn nguôi vẫn ám ảnh trong tâm khảm của một Tuyết Mai 42 tuổi, nay là phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thịnh (Thanh Chương).

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên