22/08/2017 10:20 GMT+7

Chiếc bánh tráng nuôi con đến trường

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Ngày biết tin trúng tuyển ĐH Nông lâm TP.HCM với điểm cao, Võ Trần Bích Huệ vui mừng chạy về khoe với mẹ. Nhưng vừa tới đầu ngõ, niềm vui ấy thoáng vụt tắt khi Huệ thấy hình ảnh quen thuộc của mẹ...

*** Error ***
Ngoài giờ học, Bích Huệ thường giúp mẹ phơi bánh tráng đem bán - Ảnh: THÁI THỊNH

Mẹ của Huệ (thôn Lương Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định) đang oằn mình trên chiếc xe đạp cũ giữa trưa hè, rong ruổi khắp thôn rao bán từng chiếc bánh tráng. Đó là nghề nuôi sống hai mẹ con Huệ từ ngày ba mất.

Bước chân của mẹ

Trong căn nhà tuềnh toàng nằm hun hút cuối con đường đất cát của thôn Lương Quang, khi nói về gia cảnh mình, chị Trần Thị Liêm - mẹ của Huệ - lặng nhìn con gái, đôi mắt đỏ hoe. Chị kể rằng anh Võ Văn Phúc - chồng chị - trong một lần đi làm thuê ở xã bên trở về, khi qua đập nước đến giữa dòng thì không may thuyền chìm và tử nạn.

Ngày anh Phúc mất, chị mới 22 tuổi, Huệ còn nằm trong bụng mẹ chưa đầy năm tháng. Nhìn hai mẹ con côi cút, anh em trong nhà, bà con chòm xóm thương cho mảnh đất, dựng căn nhà nhỏ che nắng mưa.

Năm nay Huệ 18 tuổi là cũng chừng ấy năm chị Liêm bươn chải làm đủ thứ nghề. “Tôi vay tiền mua máy xay bột làm bánh, cứ bán ba ngày lại góp tiền trả dần một lần 200.000-300.000 đồng đến khi hết nợ” - chị Liêm nói.

Sau mỗi buổi học, Huệ nhóm lửa đem bánh tráng ra phơi. Có hôm mẹ không đi giao bánh được, Huệ lại lóc cóc trên chiếc xe đạp để phụ giúp. Tráng bánh bắt đầu từ 6h sáng đến 3h chiều thì phơi xong. Mỗi ngày hai mẹ con làm 250 chiếc bánh, bán 700 đồng/chiếc rồi đi rao bán khắp các quán tạp hóa trong xã.

“Hôm nào lời nhiều được 50.000 đồng, ít thì 30.000 đồng, có hôm không bán được hai mẹ con đành đến từng nhà người dân trong xóm nhờ mua giúp người vài cái cho đỡ lỗ vốn” - chị Liêm chia sẻ.

Nghề làm bánh tráng cũng chỉ làm được mùa nắng, đến mùa mưa chị Liêm nghỉ để đi làm thuê, cuốc cỏ, gặt lúa, trỉa bắp hay thậm chí phụ hồ cho công trình.

Giảng đường cho con

Đối với chị Liêm, Huệ là “tài sản” quý giá nhất. Ngày biết tin Huệ đậu ĐH, chị Liêm thắp nén hương lên bàn thờ chồng mắt nhòe đi vì sung sướng. Rồi chị chạy ra chợ mua thức ăn “thả tay” một lần, nấu một bữa cơm có đầy đủ thịt cá để mừng cho con. “Đời bố mẹ đã cơ cực nhiều, giờ chỉ có học mới mong sung sướng được. Dù nhà có đói khổ đến mấy tôi vẫn sẽ lo được cho Huệ học ĐH” - chị Liêm quyết tâm nói.

Trên bức tường đã úa màu gạch đỏ trong nhà treo đầy giấy khen, Huệ không có điều kiện đi học thêm nên tự học là chủ yếu. Thôn Lương Quang thuộc vùng trũng, người dân ví như một chiếc “lòng chảo” của huyện Tuy Phước, cứ mỗi khi mùa mưa tới, nước lũ kéo về ngập cả cánh đồng, nhà cửa. Học sinh có khi nghỉ học cả tháng trời.

“Đợt mưa bão, lũ lụt năm nay nặng nhất trúng vào thời điểm mình ôn thi. Nước lũ dâng bất ngờ ban đêm và rút vào sáng hôm sau nên cả xóm hầu hết ai cũng phải thức trắng đêm. Mất điện nên những lúc như thế mình thường phải thắp đèn dầu để học bài thi” - Huệ kể. Cô Lê Thị Tám, ngay sát nhà Huệ, kể: “Con bé say mê học, hai ba giờ sáng vẫn thấy chong đèn ngồi học, có hôm sáng dậy qua chơi thấy Huệ mệt ngủ thiếp ngay trên bàn học mà thương”.

Huệ dự định sau khi vào Sài Gòn nhập học sẽ kiếm cho mình một việc làm thêm phụ giúp cho mẹ. “Mình ước mơ sau này trở thành một nhà nghiên cứu về công nghệ thực phẩm. Đã có lúc mình có ý định từ bỏ nhưng mẹ động viên rất nhiều. Bốn năm ĐH sẽ rất khó khăn nhưng mình tin nếu cố gắng hết sức và kiên trì sẽ thực hiện được” - Huệ chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Phượng - giáo viên chủ nhiệm của Huệ - cho biết so với các bạn trong lớp, điều kiện để học tập của Huệ thiệt thòi hơn nhiều khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vừa đi học vừa bán bánh tráng. “Nhưng chưa bao giờ em tự ti hay mặc cảm vì điều đó mà rất hòa đồng, năng nổ trong các hoạt động nên được nhiều bạn bè yêu mến. Có được kết quả thi như năm nay là thành quả xứng đáng cho sự chăm chỉ và miệt mài học tập của Huệ” - cô Phượng nói.

Mong tương lai tươi sáng hơn

Khi biết được chương trình “Tiếp sức đến trường” cho các tân sinh viên của báo Tuổi Trẻ, thầy Lê Xuân Giao - hiệu trưởng Trường THPT số 2 Tuy Phước - cho biết Huệ là một trong rất nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.

Suốt những năm qua, biết những học sinh phải bỏ học vì nhà quá nghèo, thầy cô của trường luôn đau đáu tìm nguồn kinh phí hỗ trợ các học sinh của mình. “Những chương trình như của Tuổi Trẻ thật sự ý nghĩa và thiết thực. Trước năm học mới cận kề, chương trình đã tạo cho các em có một tương lai tươi sáng hơn” - thầy Giao chia sẻ.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên