31/01/2013 10:35 GMT+7

Chiếc bàn thờ lạ

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Mấy chục năm rồi, tại căn nhà số 100/100 bis Cô Giang, Q.1, TP.HCM, bên cạnh bàn thờ gia tiên, chủ nhà đặt trang trọng thêm một bàn thờ nữa. Bàn thờ không có di ảnh, không có bài vị, chỉ có bát hương.

Trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 cách đây 45 năm, có một đơn vị “đặc biệt” tham gia chiến đấu trên đường phố Sài Gòn: tiểu đoàn Lê Thị Riêng (tiền thân là tiểu đoàn nữ biệt động Sài Gòn). Biết bao câu chuyện xúc động vẫn còn ghi trong ký ức người lính và cả những người dân giúp đỡ, cưu mang tiểu đoàn này.

oXe8XWJ8.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Phú thắp nhang lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Quang - Ảnh: Mai Hương

Trước khi mất chủ nhà dặn người thân: dù nhà có bị di dời, giải tỏa đi đâu cũng phải mang theo chiếc bàn thờ. Mấy chục năm rồi, bát hương trên đó chưa lúc nào thôi đầy, tình cảm của những người thờ phụng chưa bao giờ hết ấm!

Thờ cúng người dưng

Nằm gần khu chung cư Cô Giang, khoảng không gian 2,5x7m của căn nhà dường như càng chật hẹp hơn với vô số đồ dùng, dụng cụ làm nghề xây dựng của chủ nhà. Căn nhà nhỏ đó trước đây còn là tiệm tạp hóa. Từng khoảng trống nhỏ trong nhà hầu như đều được tận dụng để đóng kệ để đồ, đóng móc treo quần áo. Hai bên vách nhà là hai trang thờ đối diện nhau, đóng bằng ván ép. Trang thờ bên phải, ngoài bát cắm nhang có thêm bộ lư đồng nhỏ, bình cắm hoa. Tuyệt nhiên không có hình ảnh gì. Trang thờ này được lập từ giữa năm 1968, cũng chính ở vị trí này. Từ lúc đó cho mãi đến tháng 12-2012, trên trang thờ vẫn không có một dòng tên tuổi, địa chỉ. Hoàn toàn vô danh!

Người lập trang thờ bên phải giờ đã ở trong trang thờ bên trái. Từ ngoài cửa nhà nhìn vô, trang thờ bên trái có di ảnh một người phụ nữ mặc bộ áo dài màu trắng, gương mặt phúc hậu: bà Nguyễn Hồng Hoa, cũng là chủ căn nhà.

Ông Nguyễn Văn Phú, chồng bà Hồng Hoa, bộc bạch: “Nói thiệt, hồi đó tui đi làm thợ suốt ngày, bả ở nhà bán bánh bông lan, vừa đi làm cho cách mạng. Tui biết vậy thôi chứ không hỏi thêm bả làm gì, với ai vì tui hiểu nguyên tắc bí mật của hoạt động nội thành. Nhà này là cơ sở cách mạng. Cậu Quang từng ở đây. Sau đợt hai Mậu Thân, Quang bị bắt rồi hi sinh. Một hôm, tôi trở về nhà thì đã thấy có cái bàn thờ rồi. Hỏi thì bà nhà tui nói để thờ Quang. Quang bị bắt, bị đánh đến chết mà vẫn không khai báo câu nào. Từ đó, cả nhà tôi thờ Quang. Mình thờ cúng Quang, thứ nhất vì cái nghĩa đồng bào, thứ nhì vì cảm phục tấm lòng kiên trung, bất khuất. Năm hi sinh nghe đâu Quang chưa tròn 16 tuổi”.

Bao nhiêu năm nay khách khứa, bạn bè, hàng xóm tới nhà ông Phú chơi, không ai biết cái trang thờ luôn đều đặn hai cữ nhang sáng chiều đó dành để thờ ai. Chỉ có vợ chồng, con cái nhà ông là ngầm hiểu với nhau. “Hồi nào giờ không có hình, không có tên nhưng hễ bàn thờ của bả sao thì bàn thờ của Quang vậy. Tui với sắp nhỏ cúng bả cái gì cũng cúng Quang cái đó. Tới mức cả nhà quên luôn Quang với chúng tôi không phải họ hàng thân thích, cũng chưa kịp thân quen”.

F1VnDZK4.jpgPhóng to

Tổ quốc ghi công

Cậu thiếu niên gan dạ phi thường mà ông Phú thờ phụng bấy nhiêu năm tên là Nguyễn Văn Quang, một Việt kiều Lào, đã cùng nhiều anh em về nước tham gia chiến đấu. Là người trực tiếp dìu dắt, kết nạp anh Nguyễn Văn Quang vào Đoàn, cũng là chỉ huy trực tiếp của anh trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, cô Lê Hồng Quân, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lê Thị Riêng, vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp gỡ: “Khi tôi gặp Quang thì em đang bị sốt. Vậy mà mới 2g sáng em đã phải ra chợ Bến Thành nấu nước lèo phụ hàng hủ tiếu bán sớm. Quang kể ba mẹ em còn ở Lào nhưng em thích về chiến đấu ở quê nội”.

Cô Hồng Quân kể tiếp: “Tuy còn nhỏ nhưng Quang rất sáng dạ và chịu khó. Dáng người gầy nhỏ, trắng trẻo, thư sinh nhưng Quang không từ nan bất cứ việc gì. Làm công việc tiếp phẩm, em tập gánh gạo, đồ ăn, nước tương, nước mắm. Nhận nhiệm vụ mở thêm đường đưa đón cán bộ cơ sở ra vào nội thành Sài Gòn, cứ 2-3 giờ sáng Quang đi theo những chị em mua hàng sớm để lần dò thêm nhiều đường tắt, đường vòng. Tập bắn súng, từ chỗ mỗi lần bắn là “gửi đạn về trời”, Quang luyện đến mức thành thục hai tay hai súng, bắn trúng mục tiêu di động.

Đợt 2 xuân Mậu Thân, Quang nhận nhiệm vụ xung kích ém quân tại địa bàn trọng điểm. Ngày 5-5-1968, ngày mở đầu cho đợt tổng tiến công chống phản kích, Quang cùng bộ phận chỉ huy sở tiểu đoàn đánh trả nhiều đợt bao vây phản kích của đối phương. Cuộc chiến đấu không cân sức. Trước tình hình đó, tôi làm nhiệm vụ hút hỏa lực cho đơn vị rút đi. Súng hết đạn, tôi đập vỡ khẩu súng của mình. Còn Quang bị thương vẫn không rời vị trí. Em thì thầm bên tai tôi: “Em ngồi đây với chị. Em sẽ hi sinh bên cạnh chị!”. Mảnh đạn đan chéo cày xới quanh chỗ chúng tôi ngồi. Khi bị lôi ra xe giải về ty cảnh sát, tôi vẫn còn nghe tiếng Quang hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Trong phòng giam trại số 5 Bệnh viện Chợ Quán, tôi gặp lại Quang. Các vết thương trên người em rất nặng, nhất là vết thương chạm phổi chỉ được băng sơ sài. Cuộc tra tấn người đồng đội nhỏ tuổi diễn ra ngay trước mắt tôi: bốn tay mật vụ vây quanh em, ra sức vừa đánh vừa hỏi đi hỏi lại ba câu:

- “Người chỉ huy là ai?”. Quang trả lời: “Các ông hãy đến trận địa sẽ rõ”.

- “Địa điểm đơn vị ở đâu?”. Quang đáp: “Chắc các ông đã nghe thấy, đồng đội tôi đang ở những nơi có tiếng súng”.

- “Nhà ém quân, chỗ giấu vũ khí, cơ sở bí mật nội thành ở đâu”. Quang lắc đầu.

Đang tra khảo, họ thì thầm hội ý với nhau bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Đột nhiên, Quang nói với họ cũng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp rồi bảo: “Ở đây toàn là người Việt, các ông nói tiếng mẹ đẻ hay hơn”. Mấy tay mật vụ sững người. Mấy phút trôi qua, gian phòng im phăng phắc. Sau đó, họ chuyển sang ngon ngọt dỗ dành, hứa hẹn với Quang về một tương lai huy hoàng, được chữa vết thương, được đi du học ở Mỹ. Vẫn không có kết quả.

Đến ngày thứ năm, lại một trận tra tấn khốc liệt. Đầu cây ma trắc thụt vào vết thương trên ngực Quang, máu tuôn tràn. Quang vĩnh viễn ra đi ở tuổi 16”.

Kiếm hộp quẹt đốt cây nhang, ông Nguyễn Văn Phú đến bên bàn thờ, kính cẩn cúi đầu xá mấy cái. Ông nói: “27-7, 30-4, 2-9 cúng lớn. Tết nhứt thì cúng cơm canh. Còn trái cây thì cách ít ngày là có, nhà gần chợ mà. Nhà này nằm trong khu giải tỏa. Cách đây tám năm, trước khi mất bả dặn tui dù có bán nhà hay bị giải tỏa di dời đi đâu cũng phải đem bàn thờ Quang theo. Lời bả dặn, lúc nào tui cũng nhớ. Tới chừng tui nằm xuống thì có mấy đứa nhỏ nó nhớ...”.

Sau ngày giải phóng, các đồng đội ở tiểu đoàn Lê Thị Riêng, Ban phụ vận T4 và Thành hội Phụ nữ TP.HCM đã cố gắng lần tìm tin tức gia đình chiến sĩ Quang bằng nhiều cách, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối.

Ngày 20-7-2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho tám liệt sĩ thuộc tiểu đoàn Lê Thị Riêng, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Quang. Ngày 21-11-2012, tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM đã truy điệu tám liệt sĩ tiểu đoàn Lê Thị Riêng anh dũng hi sinh trong đợt 2 cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968.

Ngay sau khi nhận bằng Tổ quốc ghi công, cô Lê Hồng Quân đã photo thêm một bản trên giấy in màu, cẩn trọng lồng vào khung kính, mang đến đặt trên bàn thờ ở nhà ông Phú. Sau 44 năm, cuối cùng chiếc bàn thờ đã chính thức có họ tên người đã khuất.

___________

Kỳ tới: Cao thủ vùng Khánh Hội

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên