Bìa một số tập trong bộ truyện Chie - cô bé hạt tiêu
Riêng ở Việt Nam, từ năm 1998, tác phẩm đã được dịch và giới thiệu, sau đó được tái bản vào các năm 2003 và 2014. Điều gì khiến câu chuyện lấy bối cảnh thành phố Osaka, Nhật Bản mấy mươi năm trước lại có sức hút đến tận thế kỷ XXI?
Cô bé Chie lại không phải là một nhân vật "dễ thương" theo cái nghĩa thông thường của từ này.
Cha mẹ ly hôn sớm (nhưng sau lại tái hợp), cô bé trưởng thành cùng người cha thô lỗ - một "đầu gấu" suốt ngày gây chuyện.
Em buộc phải trở thành trụ cột chính của gia đình, mưu sinh bằng cách trông coi một quán rượu.
Khách đến quán cũng không khá gì hơn, chỉ toàn những tay bợm nhậu. Sống trong môi trường như thế, Chie trở nên xù xì, gọi ba cộc lốc là Tetsu, học toán rất dở nhưng chạy thi thì vô địch.
Cái làm nên sức sống bền bỉ của tác phẩm này chính là bởi: dù được bọc trong một bầu không khí người lớn đầy những sóng gió, Chie vẫn giữ được sự ngây thơ trẻ con của mình, dù đôi khi cố làm bà cụ non thế nào, cô bé vẫn là cô bé hạt tiêu, vẫn nhìn thế giới qua đôi mắt trẻ thơ.
Có lẽ Etsumi Haruki tin vào câu "nhân chi sơ tính bản thiện", dù hoàn cảnh thế nào thì trong sâu thẳm mỗi con người vẫn luôn giữ một mầm thiện lương.
Cho nên, các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm dù là đầu trộm đuôi cướp, vào tù ra khám hay mang trong mình một tật xấu nào thì họ cũng không làm ta khinh sợ.
Etsumi Haruki đã khắc họa những nhân vật anh chị trái nết, bặm trợn nhưng lại rất trẻ con. Sau cuộc đời vẫy vùng là một cuộc sống bình yên với gia đình, với công việc lương thiện, như ông chú bán bánh xèo hay như anh em nhà bán kẹo caramel.
Đời sống trong Chie - cô bé hạt tiêu ngồn ngộn như hiện thực xã hội lúc bấy giờ, ta có thể bắt gặp đủ hạng người với đủ kiểu tình cảm - tình cha con, tình bè bạn, tình thầy trò, cả cái tình hàng xóm của khu phố buôn bán đảo điên mà không thiếu tình người.
Người lớn có thể cau mày với những lời thiếu kính ngữ của Chie, hoặc sẽ thắc mắc tại sao có quá nhiều thành phần bất hảo trong một tác phẩm thiếu nhi.
Ấy là vì đôi mắt người lớn đã quen nhìn mọi sự bằng định kiến mà không nhớ rằng cuộc đời vốn dĩ bất toàn, quan trọng là ta có chấp nhận cái bất toàn của người khác và chính bản thân mình để nhìn nhận nhau bằng tấm lòng hòa ái.
Đời sống của Chie có thể muôn trùng khó khăn, nhưng cô bé hạt tiêu không cần một cánh cửa thần kỳ để chạy trốn.
Chie phải đối diện với cuộc đời, đồng hành cùng những người thân trong gia đình - dẫu họ có kỳ cục đến đâu thì mãi họ vẫn là gia đình của ta, cùng ta sẻ chia, cùng ta gánh vác, cùng ta tận hưởng mọi khoảnh khắc vui buồn của đời sống.
Một đời sống có những bài kiểm tra nhưng cũng có bè bạn, có cãi vã nhưng cũng có yêu thương.
Không có những cuộc phiêu lưu trên một hành tinh xa xôi, không có chuyến thám hiểm hàng vạn dặm dưới đáy biển, không trở về quá khứ hay đến tương lai, cũng không có một vùng đất thần tiên cho trẻ nhỏ vui chơi, ấy vậy mà sức hấp dẫn của tác phẩm không mất đi.
Bởi lẽ, Chie - cô bé hạt tiêu như là cuốn nhật ký khắc họa cái khoảnh đời sống thường ngày với tất cả những gì bình dị của nó, để rồi trong tất cả những điều nhàm chán ấy, người ta tìm thấy cái lẽ giản đơn của hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận