14/12/2010 09:49 GMT+7

Chia "lô" bờ sông Sài Gòn

PHÚC HUY - D.NGỌC HÀ
PHÚC HUY - D.NGỌC HÀ

TT - Các dự án nhà ở mọc ven sông Sài Gòn (TP.HCM) đang chia cắt hai bờ sông này thành từng đoạn và biến thành của riêng.

iURpvUhS.jpgPhóng to
Khu biệt thự cao cấp Thảo Điền 2 (P.Thảo Điền, Q.2) một mặt giáp đường Nguyễn Văn Hưởng, mặt còn lại giáp sông Sài Gòn - Ảnh: P.P.H.

Những bờ sông bị “đánh cắp”

Theo thống kê của cơ quan chức năng quận Thủ Đức, chỉ riêng đoạn bờ sông Sài Gòn thuộc phường Hiệp Bình Chánh hiện có đến mười dự án nhà ở.

Công viên tư nhân

Chạy suốt tuyến thuộc quận Bình Thạnh thỉnh thoảng mới bắt gặp một bờ sông có công viên cây xanh tương đối rộng và chỉn chu như khu vực của dự án Sai Gòn Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22). Tuy nhiên khu công viên này không kết nối với không gian công cộng bên ngoài nên chỉ có người dân sống trong dự án mới có cơ hội hít thở không khí trong lành từ dòng sông mang lại.

Tranh nhau mặt tiền sông

Từ đường Kha Vạn Cân rẽ vào đường số 25 khoảng vài trăm mét là đụng dự án nhà ở do Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất quận 10 làm chủ đầu tư. Được cơ quan chức năng giao đất từ năm 2000 với quy mô gần 5,4ha, chạy dọc sông Sài Gòn hàng trăm mét, đây là một trong những dự án quy mô lớn và chiếm nhiều mặt tiền sông so với những dự án khác trong phường.

Người dân ở đây nói tất cả những căn biệt thự ven sông đều xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt, cách mép sông 20m. Năm 2004, UBND TP.HCM ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch thuộc địa bàn TP. Theo đó, đoạn hành lang bờ sông thuộc dự án rộng 50m, như vậy “ăn” vào dự án khoảng 30m. Từ đó đến nay tất cả hộ dân có nền biệt thự ven sông phải ngưng xây nhà.

Theo thông tin từ UBND quận Thủ Đức, hiện TP đã điều chỉnh hành lang bờ sông đoạn này xuống còn 30m nhưng vẫn còn nhiều nền biệt thự “dính” trong quy hoạch và bị “treo”.

Tại khu phố 3, 4, 5... các dự án nhà ở, chung cư bên bờ sông Sài Gòn chỉ cách nhau vài chục mét, thế mà muốn đi từ dự án này qua dự án kia phải đi trở ra đường Kha Vạn Cân, sau đó mới vòng trở lại, mất đến vài cây số do bị chia cắt bởi những hàng rào.

Các đoạn còn lại chạy dọc bờ sông tất cả đều đã có chủ. Không là xưởng, xí nghiệp thì cũng là dự án khu dân cư hoặc đất của tư nhân. Chúng tôi dò hỏi một người môi giới nhà đất tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh ngỏ ý muốn tìm một nền đất dọc bờ sông thì nhận cái lắc đầu: “Muốn mua đất đâu cũng có nhưng bờ sông thì không còn, dù giá không dưới 35 triệu đồng/m2”.

Tại phường Hiệp Bình Phước cũng thuộc Q.Thủ Đức có khu biệt thự cao cấp Thủ Đức Garden Homes của liên doanh K.Endo Ltd - Viet Quoc Co. Ltd rộng trên 10ha dọc bờ sông Sài Gòn đã thành hình. Một dải đất đẹp khác giống bán đảo Thủ Thiêm thu nhỏ cũng được Công ty TNHH Vạn Phúc nhanh chân đăng ký làm dự án, rộng gần 200ha và hiện đang bồi thường. Gần đó, dự án nhà cao tầng của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà rộng 2,8 ha, với năm block chung cư vươn cao đến 25 tầng tận dụng triệt để vị thế bờ sông... Một cán bộ UBND phường Hiệp Bình Phước cho biết phường đã hết đất dự trữ dọc bờ sông.

Ngược về thượng nguồn sông Sài Gòn, quận 12 hiện có một khu biệt thự khoảng 3,7ha tại phường An Phú Đông đã hoàn thành. Sắp tới tại đây sẽ có thêm hàng loạt khu biệt thự ven sông khác với tổng diện tích lên đến 250ha. Riêng các khu đất nằm ven sông Sài Gòn tại phường Thạnh Lộc, theo UBND quận 12, đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Đất “vàng”

Quận 2 đã có hơn 40 dự án nhà ở đã, đang mọc lên tại đây và hiện là quận có nhiều dự án bờ sông nhất trong số các quận huyện có đất ven sông Sài Gòn. Địa danh Thảo Điền từ lâu đã nổi tiếng ở TP.HCM với những khu biệt thự cao cấp có giá hàng chục tỉ đồng/căn mà yếu tố góp phần tăng thêm giá trị cho khu Thảo Điền là do nằm ven sông Sài Gòn. Các con đường ở đây như Nguyễn Văn Hưởng, Xuân Thủy, Quốc Hương dài hàng cây số có những khu biệt thự nằm san sát nhau, kéo dài từ mặt tiền đường ra tận bờ sông. Biệt thự càng sát sông giá càng đắt.

Một kiến trúc sư cho hay khu vực này trước đây quy hoạch hành lang bờ sông là 20m. Nhưng một số chủ đầu tư được tạm giao luôn phần đất này để rào chắn khuôn viên, khi cơ quan chức năng thực hiện quy hoạch sẽ bàn giao lại. Chưa biết bao giờ sẽ bàn giao lại nhưng thực tế đất hành lang ven sông ở khu Thảo Điền đang trở thành “của riêng” của một số công ty.

Theo quy hoạch của hàng chục dự án ven sông Sài Gòn thuộc địa phận quận 2, đoạn bờ sông nào cũng có công viên cây xanh, đường ven sông và một số khu thể dục thể thao. Còn theo những văn bản do kiến trúc sư trưởng TP.HCM duyệt trước đây thì gần 8km bờ sông Sài Gòn (tính từ ngã ba sông Rạch Chiếc đến ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm) sẽ là một dải công viên công cộng nối dài.

Người dân có thể bách bộ trên con đường ven bờ sông hưởng gió mát, ngắm tàu bè đi lại trên sông. Nhưng trên thực tế, trừ một vài dự án có công viên dọc bờ sông dành cho công cộng như dự án của Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, khu nhà ở Hải quân..., đa số bờ sông bị “nhốt” trong ba bức tường rào, lọt thỏm trong khuôn viên của các ngôi biệt thự...

Khó kết nối công cộng

Tại đường 30 (phường Bình An, quận 2), có một cổng sắt rộng chắn ngang đường gắn bảng nội quy khu dân cư Đông Á, cạnh bên có chốt bảo vệ, bên trong là một khu biệt thự. Bảo vệ chặn tất cả người và xe đi ngang cổng và chỉ cho những người ở trong khu biệt thự đi qua. Người ngoài muốn vào phải xưng danh tánh, tên người cần gặp trong khu dân cư. Ai muốn ra bờ sông thì phải đi vòng đường khác, công viên ở đây chỉ dành cho người sống trong khu dân cư này.

Theo bản đồ giao đất, dự án nhà ở trên của Công ty xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận. Nó trồi ra phía dòng sông nhiều hơn những dự án kế cận, khiến đoạn bờ sông này thành đường gấp khúc vuông góc.

Chạy trên những con đường cong của khu vực này dễ nhận thấy sự đứt khúc của các dự án nhà ở nơi đây. Các dự án đều cách nhau bởi một dãy nhà kín. Sự chia cắt này càng lộ rõ khi các dự án ngăn cách với bên ngoài hoặc với dự án khác bằng cổng sắt, có bảo vệ canh gác.

Sau mỗi hàng rào, cổng sắt ấy, phần diện tích công cộng được thiết kế riêng cho mỗi dự án nhưng đều có một đặc điểm chung là bị chia thành những khoảng không gian bé xíu của riêng cư dân mỗi dự án chứ không như trong quy hoạch được phê duyệt. Các dự án ven sông của phường Bình An phần lớn đều được Nhà nước giao đất trước năm 2004. Nhiều dự án được giao đất sát bờ sông, chủ đầu tư phải bỏ tiền bồi thường và đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước nên mặc nhiên đất công ven sông Sài Gòn đã trở thành đất riêng của dự án.

Giữa năm 2007, cơ quan chức năng TP từng phát hiện tại đoạn sông Sài Gòn thuộc phường Bình An, một số công ty kinh doanh địa ốc đã xây bờ kè sát mép sông Sài Gòn để san lấp, làm dự án với chiều rộng hàng chục mét và kéo dài hàng trăm mét. Vụ việc lùm xùm một thời gian sau đó rơi vào im lặng. Theo thông tin từ cơ quan chức năng quận 2, phần san lấp trên nằm trong ranh đất được cơ quan thẩm quyền giao cho các chủ dự án.

Hiện tại, khu vực phường Bình An giáp sông Sài Gòn đang được quy hoạch chỉnh trang theo hướng kết nối khu công viên công cộng và đường ven sông, kết nối giao thông giữa các dự án nhà ở. Tuy nhiên, một cán bộ quản lý đô thị quận 2 cho biết quy hoạch này khó thực hiện vì sẽ tốn rất nhiều tiền. Hiện nay, đồ án quy hoạch của khu vực này cũng chưa hoàn thành vì đang thiếu tiền.

PHÚC HUY - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên