Phóng to |
Quán cà phê Vườn Kiểng lấn chiếm bến Bạch Đằng ngay sát bờ sông Sài Gòn - Ảnh: Thuận Thắng |
Phóng to |
Bờ sông ở bến Bạch Đằng bị trưng dụng làm điểm giữ xe - Ảnh: Thuận Thắng |
TP.HCM có hệ thống sông rạch chằng chịt nhưng người dân muốn tìm một nơi thông thoáng, thong dong dạo bước lại gần như là điều không dễ khi những bờ sông đang bị “thương mại hóa”, bị lấn chiếm vô tội vạ.
Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) được biết đến như là một khu đô thị mới có cảnh quan thiên nhiên thoáng mát, trữ tình tiêu biểu của TP. Nếu phóng tầm mắt từ đại lộ Nguyễn Văn Linh nhìn xuống thì đây chẳng khác gì một công viên sông nước với hàng thông xanh rì, thẳng tắp, ôm lấy dòng sông Ông Lớn uốn lượn bên những tòa nhà cao tầng.
Tuy nhiên, gần hai năm nay nơi này trở thành nơi kinh doanh của một số người.
Dạo mát cũng phải...trả tiền
Chiều cuối tuần, chúng tôi vừa đến bờ sông Ông Lớn để quan sát thì một thanh niên có mái tóc đuôi ngựa vàng hoe, cởi trần, chân đi tập tễnh bước lại, nói như dọa: “Dẹp ra chỗ khác để tụi tui kê bàn ghế”. “Đây là nơi công cộng để người dân đi dạo mát, sao mấy anh lại bán hàng, chiếm dụng bờ sông?” - chúng tôi hỏi.
“Đất này tụi tui thuê, ai muốn ngồi dạo mát thì phải uống nước, không thì biến” - vừa nói gã thanh niên vừa quắc mắt nhìn như... cảnh cáo. Khá nhiều đôi thanh niên nam nữ vừa tấp xe vào bờ sông định trò chuyện, dạo mát... cũng đều bị hăm he như thế. Nhiều người muốn ngồi lại đành phải gọi một chai nước của “quán” và trả tiền với giá “cắt cổ”, cao gấp 4-5 lần so với giá các nơi khác.
Chúng tôi thử bước qua một “quán” khác cũng bài trí bàn ghế kín cả lối bờ sông, gọi một chai nước và một ly cà phê, nhân viên quán hét: 45.000 đồng. Chỉ riêng một đoạn bờ sông Ông Lớn dài hơn 1km đã có đến 16 quán nước với hơn 200 bộ bàn ghế (loại ghế đôi cho tình nhân), ranh giới được phân biệt bằng màu sắc của dù và kiểu dáng bàn ghế. Cứ từ 17g-23g hằng ngày, đoạn bờ sông này là “địa phận” của các chủ quán.
Ông Nguyễn Văn Lâm, người dân địa phương, bức xúc: “Cứ chiều tối họ lại ngang nhiên bày bán nước, chiếm dụng tất cả bờ sông, chỉ khi nào lực lượng chức năng đi kiểm tra họ mới nháo nhào chạy nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người dân chúng tôi muốn ra hóng gió, ngắm sông thì phải uống nước, giá rất đắt, mà muốn đi dạo, tập thể dục qua đó cũng ngại vì tất cả lối đi ven bờ đã bị chiếm dụng”.
Một khu vực bờ sông khác rất đẹp, lý tưởng nằm ngay trung tâm TP, bên bờ sông Sài Gòn là bến Bạch Đằng cũng bị trưng dụng khá nhiều vào mục đích kinh doanh. Đoạn bờ sông đối diện trụ sở Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã trở thành nơi kinh doanh cà phê của một số người vào buổi tối. Tại đây có ba “quán” với gần 100 bộ bàn ghế kê san sát dọc bờ sông. Nhân viên của quán thay phiên nhau vừa bán hàng vừa đứng ở lề đường chào mời khách.
Với vị thế đắc địa, nằm ngay trung tâm Q.1 nên vào buổi tối rất nhiều người muốn dạo chơi, hóng mát ven bờ sông đành phải chấp nhận ghé vào uống nước dù giá cao hơn bên ngoài 3-4 lần.
Cận kề khu vực này là nơi trưng bày cây kiểng của Hội Sinh vật cảnh TP. Buổi tối, khuôn viên này cũng được tận dụng để bán cà phê, giá cả không thua kém giá tại các tiệm cà phê máy lạnh.
Theo ban quản lý công viên cảng du lịch Bạch Đằng, người dân vẫn được vào khu vực này hóng mát, tập thể dục bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế chẳng người dân nào dám đặt chân vào một chỗ... đã có chủ. Đó là chưa kể hai bãi giữ xe phục vụ khách du lịch tham quan sông Sài Gòn của các tàu du lịch và tàu cánh ngầm kéo dài hàng chục mét cũng chiếm phần lớn diện tích vào công viên.
Do vậy, mặc dù kéo dài khoảng 1km bờ sông nhưng khu vực bến Bạch Đằng chỉ còn chừng 1/3 diện tích là khoảng trống để người dân nghỉ ngơi, thư giãn.
“Sông Sài Gòn đã bị thương mại hóa quá nhiều. Đoạn bờ sông trung tâm TP là nơi lý tưởng nhất cho người dân hóng mát, ngắm cảnh, giải trí thì lại bị chiếm dụng, trưng dụng làm những việc khác. Cuối cùng, người dân chúng tôi bị thiệt” - anh Nam, người dân P.Bến Nghé, Q.1, nói.
Bị cấm vẫn bán
Ngay dưới chân cầu Sài Gòn, đoạn bờ sông Sài Gòn trên đường Trần Não, Q.2, cũng xuất hiện một quán cà phê luôn tận dụng bờ sông để bày biện bàn ghế bán nước. Một đoạn thềm bêtông bên ngoài khuôn viên sát bờ sông bị bảo vệ quán giăng dây làm nơi trông giữ xe gắn máy.
Buổi tối, khu vực sân chơi cầu lông bên cạnh khuôn viên bị những người bán hàng rong tận dụng làm nơi bán cá viên chiên. Khách mang đồ ăn vào quán ngồi uống nước rồi ném luôn cả rác thải, bịch nilông, hộp xốp... xuống sông.
Tương tự, tình trạng sử dụng hành lang bờ sông để kinh doanh cũng xảy ra tại bờ kênh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, Q.7). Mặc dù ngay đoạn ngã tư Trần Xuân Soạn - Lâm Văn Bền có cắm biển “cấm tụ tập, buôn bán” nhưng cấm thì
cứ cấm, bán thì vẫn bán. Buổi tối, hàng dãy bàn ghế nhựa được bày ra bán đủ loại đồ ăn, thức uống. Một đoạn bờ sông có đặt ghế đá dưới hàng cây cho người dân ngồi hóng mát bị một số quán cà phê ven đường tận dụng bày bàn ghế bán hàng. Chỉ khi nào các lực lượng công an, thanh tra đô thị đi kiểm tra thì các “quán” mới nháo nhào dọn, chạy.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều bờ sông đẹp của TP đã được xây dựng bờ kè kiên cố, có khuôn viên cây xanh hầu hết đều bị tận dụng để bán thức ăn, nước uống, đồ nhậu... như kênh Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), rạch Bà Chiêm (Q.7), bờ sông trên đường Trương Đình Hợi (Q.4), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...
Quản lý không xuể?
Về tình trạng lấn chiếm tại bờ sông Ông Lớn, ông Phan Văn Công, phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, cho biết chủ các quán cà phê trên hầu hết là nhân viên bảo vệ khu dân cư Trung Sơn. Trước kia, chủ đầu tư kiến nghị cho phép những người này kinh doanh cà phê dọc bờ sông, dù chính quyền xã không chấp thuận nhưng họ vẫn cứ lén lút kinh doanh. Chính quyền địa phương đã bố trí hai công an viên và thành lập một chốt dân phòng gồm 12 người để gìn giữ an ninh trật tự khu vực này.
“Nhưng khi lực lượng kiểm tra đến thì họ tháo chạy, bỏ lại bàn ghế, dù, lực lượng này vừa quay đi thì họ bày bán trở lại. Chỉ trong trong năm 2010 chúng tôi đã kiểm tra 20 lần, thu gom hơn 100 bộ bàn ghế, dù và hai chiếc xe đẩy nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm. Một số cán bộ đi tuần tra một mình còn bị họ đe dọa, chửi bới” - ông Công nói.
Còn ông Trần Văn Mạnh, trưởng ban quản lý công viên cảng du lịch Bạch Đằng, cho rằng: “Khu vực từ cảng Ba Son tới cà phê vườn kiểng không thuộc quyền quản lý của chúng tôi. Do vậy, ban quản lý không nắm được thông tin gì về việc một số hộ dân tự ý kinh doanh cà phê ở nơi công cộng, cũng như không có thẩm quyền xử lý những trường hợp trên. Còn một số đơn vị như Hội Sinh vật cảnh TP, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, các bến tàu thủy, tàu du lịch... đã hoạt động hợp pháp từ lâu nên chúng tôi chỉ có thể quản lý khu vực này về mặt an ninh trật tự”.
Theo số liệu của Khu đường sông (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), trên địa bàn TP.HCM hiện có đến hơn 180 vị trí ở bờ sông bị lấn chiếm, tập trung rải rác trên 87 tuyến đường thủy nội địa. Không chỉ chiếm dụng bờ sông để kinh doanh, nhiều hộ dân còn tự ý xây bờ kè dọc bờ sông để mở quán nhậu, quán cà phê...
Ông Phan Hoàng Trí, phó giám đốc Khu đường sông, cho biết thời gian gần đây đã xử lý hàng chục vụ xây dựng (chủ yếu là quán nhậu, quán cà phê) lấn chiếm bờ sông. Tuy nhiên, vẫn còn 16 trường hợp lấn chiếm không chấp hành việc tháo dỡ, tập trung trên các tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Thanh Đa, sông Sài Gòn...
Ông Trí cũng cho biết năm 2004, UBND TP đã ban hành quyết định số 150/2004/QĐ-UB về việc nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích nhằm tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc bờ sông, kênh rạch.
Tuy nhiên, một số địa phương hiện còn buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm bờ sông để kinh doanh. “Nếu chính quyền các địa phương không kiên quyết, rất có thể trong tương lai quỹ đất hai bên bờ sông của TP không còn” - ông Trí âu lo.
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn (nguyên ủy viên ban thư ký Hội Kiến trúc sư VN): Hãy đối xử với dòng sông như một không gian văn hóa Chúng ta đang coi các dòng sông như những công cụ để phục vụ sản xuất và giao thông chứ chưa được đối xử như một cảnh quan thiên nhiên, một không gian văn hóa. Điển hình như sông Sài Gòn, cả TP chỉ có một đoạn bờ sông chung trên con sông này, dài 1km từ cột cờ Thủ Ngữ đến tượng Trần Hưng Đạo được sử dụng cho chức năng tạm gọi là công viên cây xanh. Nhưng ngay trên đoạn bờ sông này, một số khu vực đã và đang bị chiếm dụng cho những mục đích khác. Theo tôi, TP không có cảnh quan thiên nhiên nào quan trọng hơn sông Sài Gòn. Sông này chảy theo hướng tây bắc - đông nam là hướng gió mát từ biển thổi vào, nếu khai thác tốt sẽ đón luồng gió mát giải nhiệt cho TP. Nếu khu vực tả ngạn bờ sông, từ cầu Bình Triệu đến cầu Sài Gòn và có thể từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng được quan tâm đúng mức, một diện mạo Sài Gòn sông nước hiện đại, khang trang không phải là một tương lai quá xa. Đáng tiếc, khả năng này đang biến mất và khi đã biến mất việc phục hồi gần như là không thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận