17/06/2016 08:59 GMT+7

​Chi vượt là phải cắt ngay!

TS TRẦN DU LỊCH
TS TRẦN DU LỊCH

TTO - Dù lý do gì đi nữa, “tay làm không đủ hàm nhai” chỉ ra một thực tế kỷ luật ngân sách nhà nước của chúng ta đang rất lỏng lẻo, chi trước rồi mới tính đến nguồn thu thế nào.

Đáng ra thu được gì thì mới tính chi ra sao, thu gặp khó, chưa biết kiếm được bao nhiêu mà vẫn cứ chi tiêu xả láng. Đây là quy trình ngược, như thế sao không thâm hụt túi tiền được!

Nhiều người hiện nay rõ ràng rất sốt ruột về tình hình chi tiêu ngân sách, chuyện này còn liên quan đến an ninh tài chính quốc gia.

Trong việc bội chi ngân sách của chúng ta, tăng mạnh nhất rơi vào chi thường xuyên, trong đó tập trung chi cho khu vực hành chính sự nghiệp, chi an sinh xã hội, y tế, giáo dục. Đáng lý ra chúng ta càng xã hội hóa y tế, giáo dục thì phần chi của Nhà nước càng giảm đi, trong khi dân càng góp thì chi Nhà nước càng tăng. Cần xem lại chi thường xuyên vì sao tăng, phải giảm chi thường xuyên trong tỉ trọng cơ cấu chi mới có thể dành phần trả nợ và đầu tư lớn hơn.

Gánh nợ hiện đến từ một phần bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Năm 1995, chúng ta có 400 cơ quan cấp quận, huyện và khoảng 6.000 phường, xã thì sau 20 năm, giao thông tốt hơn, việc đi lại thuận lợi hơn, cơ sở hạ tầng truyền thông cũng hiện đại hơn, liên lạc dễ dàng hơn nhưng số lượng bộ máy lại tăng gần gấp đôi.

Tính xem, cứ tăng một cấp thì đẻ ra thêm một bộ máy. Trong khi chi cho bộ máy hành chính hoàn toàn có thể kiểm soát được, chúng ta sẽ không tính giảm biên chế bao nhiêu người mà cắt trực tiếp vào quỹ lương. Chẳng hạn phải tính rõ tổng quỹ lương cho cấp xã là bao nhiêu tiền, tính theo quy mô xã đó chứ không tính theo số lượng người. Tương tự, muốn tăng lương, tăng thu nhập thì phải giảm số người, không giảm thì không cho tăng.

Trong khi đó, tính chặt chẽ kỷ cương trong ngân sách nhà nước của VN rất yếu. Ngân sách VN hiện nay đang tồn tại tình trạng xin - cho, ban phát một cách tùy tiện, lãng phí. Cơ chế phân quyền ngân sách cho địa phương không hề có, nhưng chúng ta lại duy trì một chế độ ngân sách lồng ghép giữa trung ương và địa phương theo cơ chế kinh tế chỉ huy.

Nếu không sửa được điều này thì không bao giờ giải quyết đến cùng vấn đề thâm hụt ngân sách hiện nay. Quốc hội là cơ quan quyết định ngân sách chi tiêu của quốc gia, nhưng năm nào Chính phủ báo lên bội chi ngân sách nhà nước cũng tăng, đặt các đại biểu Quốc hội vào chuyện đã rồi.

Nhiều lần Quốc hội bàn việc chi tiêu vung tay quá trán của Chính phủ, nếu chi quá thì cắt ngay, cần cắt trước rồi để địa phương tự tính, tất nhiên sau khi trừ phần an sinh xã hội ra. Địa phương phải thấy trách nhiệm của mình mà tự xử lý, cho nên phải mạnh dạn cắt, chi vượt là phải cắt ngay!

Trong khi chưa có cơ chế xử phạt nghiêm minh, không còn cách nào khác phải minh bạch và mạnh dạn cắt ngay số chi vượt dự toán.

Bởi chi thường xuyên cao còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, chỉ quyết liệt giảm dần mức chi thường xuyên trên tổng chi mới kiểm soát được nợ công. Chúng ta cần có một chính sách tài chính công lành mạnh hơn nếu không muốn ngập trong nợ nần, trì trệ, không phát triển được.

TS TRẦN DU LỊCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên