Xách chiếc giỏ đệm đi chợ, như mang theo cả bầu trời cổ tích của tuổi ấu thơ thuở nào - Ảnh: M.PHÚC
Lâu lắm rồi, từ khi những chiếc bịch nilông trở thành vật dụng quá phổ biến, người ta quên đi các thứ giỏ đệm, giỏ cói dùng để mang đi chợ. Vì vậy, dường như cái chợ cũng mất đi những người mua duyên dáng. Người ta lễ mễ xách những bịch nhỏ bịch lớn nilông đủ màu đủ kích cỡ.
Không ngờ, cái giỏ đệm đơn sơ của cô lại trở thành chủ đề rộn ràng ở chợ bữa mà cô quyết định xách nó đi. Nhiều chị tiểu thương ngoắc cô lại, chỉ để nói: Ui, xách cái giỏ cưng quá hà! Ui, nhìn cái giỏ làm chị nhớ bà ngoại ghê ta.
Cái hồi đó của năm một ngàn chín trăm hồi đó, bà ngoại cô có cái giỏ cói đựng đồ lề ăn trầu. Cái giỏ làm thủ công khéo léo xinh đẹp, có cái dây thắt nút hoa hồng hẳn hoi để gài miệng giỏ.
Ngoại, trong dáng áo bà ba lụa màu cánh gián, cái quần đen lãnh Mỹ A, đôi dép lưới vàng nhạt, thêm cái khăn vuông xếp tam giác buộc trùm đầu cột chéo dưới cằm, và tất nhiên, xách cái giỏ đồ trầu màu cói đẹp đẽ nữa. Phải là cháu cưng, ngoại mới cho xách cái giỏ đó mỗi lần đi cùng.
Cô là một trong những đứa cháu cưng đó, luôn được ngoại cho xách cái giỏ đẹp, để mê mẩn những cọng cói thắt nút vừa thô, vừa gần gụi, vừa tinh vi khéo léo của món đồ thủ công xưa, mà nhớ cái cảm giác trầm trồ trong lòng cho đến tận bây giờ.
Cũng năm một ngàn chín trăm hồi đó, cái góc nhà cô có treo những chiếc giỏ đệm đi chợ của má. Nhiều kích cỡ giỏ lắm, để cần khi mua nhiều đồ, mua ít đồ, mua vừa đồ đều có thể xách đi cho hợp lý gọn gàng. Nhà vách lá, má móc cọng dây chì, trên treo chiếc nón lá, dưới là những cái giỏ.
Sáng thức giấc, nhìn lên vách nhà thấy vắng vắng thiếu thiếu cái nón cái giỏ, là biết má đã đi chợ rồi. Vậy là ra hiên nắng đợi má về, để phải là người đầu tiên đón cái giỏ từ tay má, rồi sẽ có một cuộc khám phá đầy hấp dẫn những món hàng từ chợ má đem về.
Những gạo, mắm, muối, đường, khoai… nhưng, món đợi chờ nhất của những đứa con nít là những tấm bánh má nhín tiền lại để mua về "cho con nó mừng". Chiếc bánh vòng, bánh cam bọc đường rắc mè ngọt giòn thơm ngất, gói bánh bèo chan nước cốt dừa béo ngậy, miếng bánh da lợn gói trong lá chuối, vốc xôi bắp dẻo quánh…
Đâu chỉ vậy, những ngày giáp tết, có dư chút tiền, giỏ sẽ có xấp vải kate in bông xanh trên nền trắng, còn cứng ngắc hồ. Hay đôi dép nhựa xinh xẻo, cái kẹp tóc, chiếc vòng mã não rẻ tiền, thỉnh thoảng còn có quyển truyện cũ mèm má nói thấy trong đống ve chai…
Giở từng món, rồi ngồi tưởng tượng má mua từng món từng món, thêm bớt giá cả thế nào. Thực ra, cái gì cũng dè sẻn hết, nhưng má có tình thương, nên mỗi thứ một chút trong chiếc giỏ đi chợ, làm thành một kho cổ tích dồi dào.
Cái giỏ đi chợ cũng khiến cho đứa trẻ nhà quê thèm được… đi chợ. Xách cái giỏ đệm, cảm thấy mình đã đủ trưởng thành để có thể quyết định mua món này món kia về cho gia đình (chớ không phải mua theo sự giao việc của ba má).
Và, đi chợ cũng là cách để má dạy cho sự vén khéo, cách má dạy tồn tại thế nào trong nỗi bộn bề chợ búa mà mình vẫn ứng xử có tình có lý. Chẳng hạn, có thứ xứng đáng để mình bỏ tiền ra mua thì không cần mặc cả, nhưng có thứ không cần thì mình cũng đừng tham mà lấy cho nhiều rồi chẳng để làm gì.
Văn hóa đi chợ giờ vẫn còn, bởi vì chợ vẫn còn, nhưng cái giỏ đi chợ như cái giỏ đệm thì thiếu. Bữa xách cái giỏ đệm đi chợ, về soạn đồ ra, cô ngẩn người ít lâu, bởi đó là bữa cô tiết chế được mười mấy cái bịch nilông từ những người bán hàng.
Mười mấy bịch nilông cho một lần đi chợ, cô bàng hoàng, mình vẫn giống như bao nhiêu cô gái khác của thời bây giờ, nơi góc tủ có hàng trăm chiếc túi xách để điệu đàng, còn cái giỏ đi chợ thì lại thiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận