Vân Anh với sản phẩm túi vải được thiết kế giống kiểu dáng túi nilông - Ảnh: HÀ THANH
Gần một năm trước, Nguyễn Thị Vân Anh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội) quyết tâm khởi nghiệp từ trên ghế nhà trường với sản phẩm túi vải thay thế túi nilông.
Thời trang và thay thế
"Tôi hướng đến sản phẩm vừa mang tính thời trang vừa có thể thay thế những sản phẩm nhựa, túi nilông dùng một lần" - Vân Anh chia sẻ mục đích theo đuổi đam mê may vá. Lên ý tưởng vào mùa hè năm 2018, cô gái trẻ khéo tay hay làm bắt tay vào thăm dò thị trường online.
Ba tháng sau, cô ngỏ ý với gia đình xin mở cửa hàng kinh doanh túi vải thay thế túi nilông thân thiện môi trường.
Ở cửa hàng bày bán chủ yếu là các sản phẩm túi vải do chính Vân Anh thiết kế. Cô giới thiệu sản phẩm chủ đạo là túi vải thiết kế theo kiểu dáng túi nilông, túi vải rút, vải lưới có thể mang vào siêu thị mua rau củ mà không cần sử dụng túi nilông.
Mới đây, cô mày mò thiết kế thêm túi vải với kiểu dáng thời trang, khăn vải có thể gói quà, khăn trải bàn... Ngoài ra, kết hợp bán ống hút inox, ống hút thủy tinh thay thế ống hút nhựa.
"Túi vải nhẹ có thể gấp gọn, giúp mọi người mang đi theo xe hay balô để đỡ quên. Khi ra ngoài, nếu mình chủ động mang túi vải, sử dụng túi vải của mình thì sẽ không dùng túi nilông từ cửa hàng nữa" - Vân Anh chia sẻ.
Điểm đặc biệt theo cô nàng là sản phẩm túi làm từ chất liệu vải thô nhưng không phải vải mới, mà do cô đến tận xưởng may hay chợ vải xin mua chỗ vải vụn. Cô "bật mí": "Thường thì đống vải vụn đó sẽ bị vứt đi nhưng mình đi gom lại, may thành túi vải để tái sử dụng nhiều lần thành món đồ có ích".
Cô cho biết cũng nhờ tận dụng vải vụn mà giá thành sản phẩm giảm, giá các mặt hàng túi vải tại cửa hàng dao động 40.000 - 250.000 đồng. Nhờ bán sản phẩm này mà cô không còn xin tiền ba mẹ, tự trang trải học phí, sinh hoạt phí.
Hướng đến người trẻ, cộng đồng sống xanh
Vân Anh nhớ lại một ngày đọc một bài viết về lối sống tối giản, cô bắt tay vào dọn dẹp đồ đạc. Có tài lẻ may vá, cô tận dụng quần áo cũ để may túi vải, may hộp bút hay các sản phẩm hằng ngày phục vụ bản thân.
"Tôi có niềm thích thú đặc biệt với các loại vải họa tiết, tự tìm đến các xưởng may mua vải vụn về thiết kế sản phẩm phục vụ bản thân. Dần dần thấy sản phẩm đẹp mắt, mọi người bắt đầu đặt hàng" - Vân Anh nói.
Đang là sinh viên, vừa học vừa khởi nghiệp khiến Vân Anh gặp không ít khó khăn vì phải cân đối giữa thời gian học và làm. Nhưng cô nói có đam mê thì cứ đi, cứ làm. Theo cô, khó nhất là những sản phẩm này khi tung ra thị trường rất kén khách hàng.
Do đó, mới đây cô bắt tay làm cùng với một người bạn cùng lớp, cả hai cô gái trẻ tìm đến các hội chợ, gõ cửa cộng đồng đang theo đuổi lối "sống xanh" để quảng bá sản phẩm rộng rãi đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
"Giới trẻ mới là đối tượng cần biết đến lối sống xanh nhiều hơn vì đây là thế hệ tương lai. Tôi chọn cách đi hội chợ để giới thiệu mặt hàng đến mọi người, sau đó qua truyền miệng người này đến người kia, các bạn trẻ bắt đầu có nhận biết về sản phẩm này. Có thể chưa hạn chế hết mức rác thải, nhưng khi có ý thức với việc này sẽ bắt đầu có sự thay đổi" - Vân Anh bày tỏ.
Muốn giảm bớt rác thải, phải chấp nhận không tiện lợi
Gần một năm gặp gỡ khách hàng giới thiệu các sản phẩm "sống xanh", Vân Anh nhận thấy vấn đề lớn nhất của các bạn trẻ là "lười" vì sử dụng túi vải phải giặt, phơi khô, mang theo bên người.
Cô mong muốn chỉ cần mỗi người tập hình thành thói quen cẩn thận, mua sắm có tính toán hơn, muốn giảm bớt rác thải phải chấp nhận giảm sự không tiện lợi xuống một chút, dùng túi vải thay thế túi nilông để tránh xả rác ra môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận