30/10/2018 16:58 GMT+7

Chi phí sản xuất cao, giá xe hơi ở Việt Nam vẫn khó giảm

N.AN
N.AN

TTO - Chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam cao hơn xe nhập khẩu 15-30%, nhưng do quy mô thị trường nhỏ nên các nhà đầu tư không mặn mà thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô.

Chi phí sản xuất cao, giá xe hơi ở Việt Nam vẫn khó giảm - Ảnh 1.

Xe hơi nhập khẩu cập cảng tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ BÌNH

Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 30-10 đã chỉ ra thực trạng như vậy.

Theo ông Shinjiro Kajikawa - Phó Giám đốc Giám đốc Khối Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam, quy mô thị trường Việt Nam vẫn nhỏ, năm 2017 chỉ khoảng 300.000 xe.

Theo vị này, chỉ khi quy mô thị trường lớn thì sản xuất càng nhiều linh kiện càng thuận lợi cho việc giảm chi phí, còn ở quy mô nhỏ thì chi phí sản xuất cao.

"Sản xuất xe tại Việt Nam cao hơn xe nhập khẩu 15-30%, tính cả chi phí vận chuyển vẫn đắt hơn 10-20%, trong khi năm 2017 vẫn được hưởng thuế nhập khẩu" - đại diện Toyota nói.

Theo ông Shinjiro Kajikawa, chất lượng và quản lý giao hàng của doanh nghiệp nội địa chưa tốt, chưa kể chi phí đang là một rào cản cho ngành công nghiệp này.

Lấy dẫn chứng nếu sản lượng là 40.000 xe, chi phí cắt giảm được là 48 USD cho 1 bộ linh kiện, ông Shinjiro Kajikawa tính rằng mỗi năm tiết kiệm được 1,9 triệu USD, nhưng chưa đạt được mục tiêu thu hồi vốn sớm, trong khi với sản lượng 60.000 xe/năm thì đầu tư sản xuất linh kiện có tính có thể thu hồi vốn trong vòng 4 năm.

"Điều này cho thấy tầm quan trọng của sản lượng khi nhà sản xuất cân nhắc đầu tư vào sản xuất. Nhưng cũng chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy sản lượng. Đây là vấn đề cốt lõi" - ông Shinjiro Kajikawa nói.

Theo ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp - Bộ Công thương), hiện có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ngành xe hơi, quá ít nếu so với 2.500 doanh nghiệp Thái Lan.

Theo ông Toàn, phụ tùng linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI, tỉ lệ đặt hàng phụ tùng, linh kiện từ doanh nghiệp nội địa cung cấp rất thấp.

Thực tế, trong số các doanh nghiệp cung cấp hiện có, hơn 90% là doanh nghiệp FDI, chỉ có số ít doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô ở Việt Nam.

Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, dù đã có chương trình nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đầu tư một dây chuyền sản xuất linh kiện ô tô mất tới chục triệu USD, nên khó thu xếp vốn.

Chưa kể, các doanh nghiệp gia công hợp đồng cho đối tác Nhật Bản thì tương đối yên tâm vì có tính cam kết cao, nhưng gia công cho các DN FDI nước khác thì tính cam kết không cao.

"Cứ nói doanh nghiệp không gia công nổi con ốc, nhưng vấn đề này không quá phức tạp nữa vì có thể mua thiết bị để làm. Nhưng vấn đề là thị trường có ổn định không, bởi doanh nghiệp nói phải khấu hao mất 5 năm thì mới đủ đầu tư" - vị này cho hay.

Bộ Công thương tính dồn sức cho đại gia xe hơi trong nước Bộ Công thương tính dồn sức cho đại gia xe hơi trong nước

TTO - Bộ Công thương tính nghiên cứu đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của xe hơi nhằm giảm giá xe, tạo động lực cho các nhà sản xuất trong nước.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên