25/09/2008 02:31 GMT+7

Chị dâu tôi

ĐỖ HOÀI THANH (Đồng Tháp)
ĐỖ HOÀI THANH (Đồng Tháp)

TT - Sinh tôi, mẹ nằm “ổ” một lúc với chị dâu cả, ở hai đầu buồng của một căn nhà. Mẹ đã ngoài năm mươi, lại chạy chợ luôn, đôi ba ngày mới đảo qua nhà nên thường tôi phải bú chực chị dâu.

Đứa con thứ hai của chị mới mấy tháng tuổi thì bị sốt cao, làm kinh, không bú được. Chị ôm bộ ngực căng cứng lăn lộn trên giường. Cả nhà nhốn nháo. Nắn cho sữa ra thì đau lắm. Con bé cả một hai không chịu bú giúp mẹ vì xấu hổ (bởi đã đi học ai còn bú mẹ). Nhưng “ông chú” thì sẵn lòng (vì là trai út nên tôi vẫn thường được mẹ dấm dúi cho nhay bầu vú đã cạn sữa, mỗi khi người đi chợ xa về). Sữa vơi đến đâu, chị thở ra anh ạch đến đấy. Rồi, nói như là tôi vừa lập được kỳ tích: “Không có chú út, hôm nay chắc tôi chết”...

Đám lít nhít chúng tôi, một hôm nghe được các anh lớn thì thào: “Thích nhất là bóp vú đàn bà”. Khều cả đám theo mình, tôi hãnh diện tuyên bố: “Đi, về bóp vú chị tao”. Tôi biết giờ đó, sau cả buổi luật quật ngoài đồng, bao giờ chị cũng ngả lưng trong buồng, cho đứa nhỏ bú và chợp mắt mà không kịp khép yếm. Cả đám, dù sao cũng e ngại, tôi phải làm mẫu. Chị choàng dậy, thấy thằng em và cả một lũ quỷ con lố nhố sau lưng, chị la lớn: “Sao chú lại dẫn bọn nó vào buồng”.

Các “chiến hữu” của tôi bỏ “trận địa” lủi sạch. Còn trơ lại một mình tôi đành kể hết sự thật. Chị hốt hoảng: “Chết, chớ nghe lời bọn mất dạy đó. Lần sau thì chị đét vào đít thật đấy”. Nhìn tôi đứng tần ngần chị hạ giọng: “Này, lại đây bú chung với cháu cho vui”. Vậy là cháu ngồi trên, chú đứng dưới, cùng đua nhau... Còn chị, vừa xoa xoa đầu cả hai vừa chọc tôi: “Lêu lêu, lớn tướng còn bú tí”.

Cha và anh cả tôi đi công tác xa, kẻ rừng người biển lâu mới về. Mẹ đi chợ hoài nên khoán trắng gia đình cho chị một tay quán xuyến. Công điểm ở hợp tác xã, chị gấp hai, ba lần những người cùng lứa, việc nhà thì đâu ra đấy. Các anh tôi đã choai choai nên dễ bảo. Chỉ có tôi, con gà nhép cùng lứa với đám gà con của chị, là khó dạy. Đến bữa, tôi giành hết đồ ăn của mâm cơm, vốn chỉ có cá tạp, tép nhỏ rang mặn là sang nhất. Đến độ đứa cháu đầu bằng tuổi tôi phải cầu viện bà nội.

Tôi hay bắt nạt các cháu, tính lại hung dữ, bạ vớ được gì là quật. Bữa nọ, con bé cả ôm cái đầu lõa máu, chạy về mách mẹ. Chị la con: “Tại mày dám hỗn với chú”. Rồi ôm tôi rủ rỉ: “Có đánh cháu thì chú chịu khó kiếm cái roi, cứ lưng với mông mà quất thẳng cánh, chớ lấy gạch đánh vào đầu, vào mặt. Mặt cháu chú có sẹo, xấu đi thì còn ai hỏi mà làm đám cưới. Chú lấy đâu kẹo mà nhai, thuốc lá mà hút” (tự bây giờ tôi tuyệt không đánh các cháu nữa, có lẽ vì sợ không có đám cưới, kẹo, thuốc...).

Tôi nhớ mãi dáng người phụ nữ, chị dâu tôi thoăn thoắt đi như lướt trên đê, mặt vui như tết, tiễn em vào đại học. Trên vai chị là cái gánh. Một đầu, cái rương cồng kềnh đầy sách; đầu kia là vali đựng quần áo, chèn thêm hòn đá tảng cho cân. Thỉnh thoảng, chị hớn hở quay lại nói với cậu thanh niên đang đi như chạy mới kịp phía sau là tôi: “Đã ăn thua chi, chú yên trí. Chị thường đi củi rừng, xa ba chục cây, gánh nặng gấp đôi gánh này... cho nó bõ”. Rồi chị cười: “Nói đùa chứ, có bỏ thêm cả chú lên một đầu gánh này, tôi cũng đi tuốt đến ga tàu mà không thèm đổi vai đâu”...

Tôi ra trường, rồi vào mãi Tây Nam bộ công tác. Một hai tháng nhận được thư, như chị vẫn thủ thỉ bên tai: “Chú cố kỳ này về phép... đừng lo, gà qué chật sân mà chị chả thèm bán... dành cả cho chú đấy... Ông bà mất rồi thì còn anh chú và các cháu. Chúng nhớ chú lắm. Lấy vợ đi để anh chị còn lo, chị đã dấm sẵn cái nhẫn hai đồng cân, đánh cho em dâu tương lai, kiểu thành thị đàng hoàng chứ bỡn à!”...

Ngẫm lại bao năm công tác, tôi nhớ chỉ biếu chị được bộ bà ba lụa Tân Châu với cái khăn len trùm đầu là có giá hơn cả. Bộ đồ mà đám cháu tôi hay ganh tị kể: “Dăm bữa nửa tháng, bà ấy lại đem ra hong, nói là sợ ẩm mục, gián nhấm. Thế rồi, đi vô đi ra, đi dọc đi ngang như canh của. Lâu lâu lại xoa xoa phủi phủi như xoa, phủi cho trẻ lấm bụi. Thật là!...”. Vậy mà khi mất, chị cấm tuyệt lũ con, không được cho chú hay: “Kẻo ảnh hưởng công tác, lại lặn lội tàu xe khổ sở... Với, có về cũng không kịp”. Chị ra đi nhẹ nhàng, gọn ghẽ như chị sống, chỉ dặn đi dặn lại: “Nhớ thay bộ đồ lụa Tân Châu cho mẹ, coi như mẹ đã gặp mặt chú bây rồi”.

Mẹ sinh ra tôi, nhưng ở một nghĩa nào đó chị còn hơn cả mẹ. Một đời chị gánh tôi trên đôi vai tình thương của mình. Đôi khi tôi giật mình tự hỏi: nếu không có chị, thằng bé út được nuông chiều đến ích kỷ, hư hỏng kia, bây giờ sẽ thành ai.

ĐỖ HOÀI THANH (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên