Phóng to |
Đầu năm 2012, tôi mua lại căn nhà xây thô (thuộc dự án An Phú - An Khánh, Q.2, TP.HCM) từ ông Đ.K.H. ngụ Q.3, TP.HCM. Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, ông H. đến Chi cục Thuế (CCT) Q.2 đóng thuế thu nhập cá nhân. CCT đã tính thuế của ông H. với thuế suất 2% trên giá đất theo bảng giá đất của UBND TP ấn định (áp dụng theo thông báo số 5662/CT-TTHT ngày 29-8-2011 của Cục Thuế TP.HCM). Tuy nhiên, đến ngày 8-2-2013, theo kết luận thanh tra số 116/KL-TTr của đoàn thanh tra Bộ Tài chính thì phải tính thuế thu nhập cá nhân thuế suất là 2% trên giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng mới đúng. Như vậy, CCT Q.2 đã thu thuế thu nhập cá nhân của ông Đ.K.H. thiếu 9.440.000 đồng. Chi cục đã nhiều lần gửi giấy mời ông H. nhưng chưa truy thu được khoản thuế này.
Gần đây, tôi chuyển nhượng căn nhà này cho người khác và làm thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân. Tiếp nhận hồ sơ đóng thuế của tôi, CCT Q.2 đã nhân cơ hội này “níu” hồ sơ của tôi lại không cho đóng thuế và ra văn bản thông báo là phải chờ sau khi ông Đ.K.H. nộp xong phần thuế còn thiếu lúc đó mới giải quyết hồ sơ đóng thuế của tôi. Điều đó có nghĩa là nếu nhiều năm nữa mà cơ quan thuế vẫn không truy thu được khoản thuế thiếu từ ông Đ.K.H. thì tôi cũng... phải chờ?
Tôi nghĩ có lẽ nào cơ quan thuế áp dụng chính sách thuế không cập nhật nên tính thuế thu nhập cá nhân của công dân A sai dẫn đến thu thiếu thuế, nhưng lại bắt công dân B phải gánh hậu quả? Ở đây trách nhiệm đòi nợ ông Đ.K.H. là của cơ quan thuế, nhưng CCT Q.2 - dù không nói thẳng ra - nhưng với cách “giam” hồ sơ đã gây áp lực để đẩy món nợ cho gia đình tôi. Và chúng tôi buộc phải lựa chọn hoặc trả nợ thuế thay cho ông H. hoặc là chờ, mà chưa biết đến bao nhiêu năm nữa mới có thể chuyển nhượng được căn nhà này. Cuối cùng để giải quyết được công việc của mình, chúng tôi đành nộp khoản thuế thiếu của ông Đ.K.H., dù biết mình đã bị mất tiền một cách oan uổng.
Khiếu nại để đòi lại tiền Thực tế vẫn có trường hợp tính thuế không đúng không đủ nhưng thường thì các CCT có nhiều cách để truy thu như gửi thông báo cho người dân, nếu không liên lạc được thì nhờ chính quyền địa phương, công an khu vực. Trong trường hợp này CCT Q.2 không truy thu được tiền thuế đối với người bán nhà, lại chờ cho đến khi có điều kiện thì bắt bí người mua nhà là không thể chấp nhận. Theo chúng tôi, CCT Q.2 đã sai thì nên lập tức rút yêu cầu phi lý và giải quyết ngay trường hợp của ông Vũ. Nếu ông Vũ đã phải nộp tiền thuế thiếu của người bán để hồ sơ được giải quyết, trước mắt ông Vũ có thể gửi đơn khiếu nại đến CCT Q.2 hoặc có thể làm đơn khiếu nại vượt cấp lên Cục Thuế TP.HCM yêu cầu giải quyết vụ việc để lấy lại khoản tiền này. Nếu cơ quan thuế không giải quyết, quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được tôn trọng, ông Vũ có thể nộp hồ sơ khởi kiện CCT Q.2 ra tòa án thẩm quyền. Luật sư HÀ HẢI (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
Bà Lê Thị Thu Hương (cục phó Cục Thuế TP.HCM): Không thể “giam” hồ sơ như vậy Về nguyên tắc, nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thuộc bên bán, trừ trường hợp trên hợp đồng mua bán bên mua có thỏa thuận nộp thay thuế cho bên bán. Như vậy trong trường hợp này đúng ra CCT Q.2 phải ra thông báo và gửi cho bên bán yêu cầu thực hiện nốt nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân còn lại vì trước đó cơ quan thuế đã chưa tính đủ số thuế mà lẽ ra bên bán phải nộp, đồng thời đôn đốc để bên bán nộp đủ tiền thuế. Luật quản lý thuế quy định cơ quan thuế được điều chỉnh sai sót nhầm lẫn trong vòng 10 năm. Nên trong trường hợp này cơ quan thuế vẫn có quyền truy thu thêm thuế của bên bán và người bán trước đây phải có nghĩa vụ trả khoản tiền này. Còn về phía ông Vũ Mai Nam, do không có nợ thuế nào với Nhà nước thì khi ông chuyển nhượng căn nhà đã mua trước đây, CCT Q.2 phải giải quyết hồ sơ cho ông chứ không thể giam hồ sơ lại như cách đang làm. Tất nhiên ở đây có cái khó cho CCT Q.2 là vì tài sản bất động sản rất khó quản lý, người bán khi chuyển nhượng xong coi như đã hết nghĩa vụ, nên cơ quan thuế rất khó truy thu khoản nợ phát sinh sau này. Mà nếu không thu nợ được thì khoản nợ này sẽ bị “treo” mãi, do vậy CCT Q.2 mới hành xử theo cách như trên. Nhưng để đảm bảo quyền lợi cho người mua, trong trường hợp bên bán chây ì không chịu giải quyết thì trong thời gian chờ đợi, cơ quan thuế vẫn phải giải quyết hồ sơ chuyển nhượng cho ông Vũ Mai Nam chứ không thể giam hồ sơ lại để chờ sau khi ông Đ.K.H. nộp xong phần thuế còn thiếu lúc đó mới cho đóng thuế. ÁNH HỒNG ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận