Cựu tuyển thủ Nguyễn Thành Long Giang trải lòng với Tuổi Trẻ khi nghe tin 5 cầu thủ của CLB Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bị khởi tố vì tội đánh bạc.
Long Giang từng là trung vệ số 1 của tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 25 và 26. Sau đó, anh còn đá chính trong đội hình tuyển Việt Nam dự vòng loại World Cup 2014. Nhưng vụ tiêu cực cá cược và dàn xếp tỉ số trong màu áo CLB Đồng Nai ở V-League 2014 cùng 5 cầu thủ khác đã lấy đi của Long Giang tất cả.
Không tiền nào mua được tự do và danh dự
Long Giang bị kết án 2 năm tù giam. Nhưng nhờ cải tạo tốt, anh đã ra tù sớm một năm. Sau gần 9 năm trời trả giá cho những sai lầm của mình, bản án cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn của Long Giang cũng được LĐBĐVN (VFF) gỡ bỏ vào cuối năm 2022. Trong quãng thời gian rơi vào vòng lao lý, Long Giang mới thấm thía mình đã lãng phí một sự nghiệp bóng đá lẽ ra còn tốt hơn nữa.
Long Giang dính tiêu cực ở tuổi 26. Nhưng giờ đây, nhiều cầu thủ dính tiêu cực có tuổi đời chỉ từ 20 đến 22. Cách thức tiêu cực cũng không khác mấy. Cụ thể, họ thống nhất với nhau đá dưới sức rồi lên các trang cá độ bóng đá đặt cược cho đối thủ. Nhưng mức độ liều lĩnh thì hơn hẳn, bất chấp tương lai.
"Không biết nói sao để mấy em hiểu cảm giác của tôi từng trải qua. Tiền cá độ có bao nhiêu cũng không bằng việc mình được sống với đam mê, tự do và danh dự gia đình. Không có tiền nào có thể mua được. Bao nhiêu năm đau đớn, dằn vặt, giờ tôi mới được quay trở lại với bóng đá", Long Giang chia sẻ.
Lỗi không hoàn toàn ở cầu thủ
Tiêu cực của bóng đá Việt Nam những năm qua đều ở các giải thấp hoặc giải trẻ. Long Giang kể anh đi xem giải hạng nhất hay hạng nhì đều thấy nhiều trận có dấu hiệu của tiêu cực. Và đó là điều đáng lo cho bóng đá Việt Nam. Lo bởi tương lai của bóng đá Việt Nam không thể trông chờ vào một lứa cầu trẻ sẵn sàng bán mình như vậy.
Long Giang chia sẻ: "Bây giờ, các cầu thủ nghĩ bỏ tiền ra chơi cá cược chút đỉnh sẽ không ai biết. Nhưng đá bóng mà có suy nghĩ đó thì sớm muộn cũng sẽ rơi vào tình cảnh như tôi. Ngày trước, tụi tôi nghĩ chuyện mình làm nhỏ lắm, chắc không ai để ý và biết đâu.
Nhưng giờ đây, chỉ chơi nhỏ thôi chắc chắn cũng sẽ bị phát hiện. Hiện nay, có nhiều công ty chuyên nghiên cứu tỉ lệ bất thường trên mạng. Họ kết hợp với các liên đoàn bóng đá trên thế giới nên nghi ngờ trận nào là họ thông báo ngay".
Nói về chuyện tiêu cực ở các giải đấu cấp thấp, Long Giang cho rằng: "Đá Giải hạng nhì được có mấy triệu đồng/tháng, đội lại không có mục tiêu thi đấu, chế độ đãi ngộ và lương thưởng kém cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của cầu thủ khi được rủ rê làm độ".
Từ đây dẫn đến hai nguyên nhân để cầu thủ phạm tội. Đầu tiên là chuyện nhiều CLB mùa nào cũng đá chơi chơi thôi, không dám lên hạng. Cầu thủ biết lãnh đạo đội bóng "buông" thì suy nghĩ lung tung mấy chuyện tiêu cực. Khi thực hiện trót lọt thì sẽ chơi tiếp, nghĩ là không ai biết và cứ thế trượt dài. Thứ hai là cầu thủ chưa có ý thức nghề nghiệp và không nghĩ là đá tốt thì sẽ phát triển lên các đội bóng lớn và kiếm được nhiều tiền.
Sẵn sàng làm chứng nhân
Trên thực tế, VFF luôn chú trọng phòng chống tiêu cực ở các giải đấu. Theo đó, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được bổ sung, sửa đổi hằng năm đều có quy định về phòng chống tiêu cực. Các CLB cũng phổ biến, giáo dục các cầu thủ không dính đến cá cược. Nhưng đáng buồn, dàn xếp tỉ số vẫn cứ diễn ra, bất chấp bao nhiêu tấm gương đã bị xử phạt thật nặng trước đó.
Để thay đổi, Long Giang cho rằng khi trọng tài đến các CLB phổ biến luật mới trước mùa giải, Ban kỷ luật VFF và cán bộ công an cần đi cùng để có 1-2 tiết giảng dạy cho cầu thủ. Nói với họ về những tình huống công an có thể phát hiện, cầu thủ nếu có lỡ suy nghĩ đến chuyện tiêu cực, nghe điều này cũng phải biết sợ.
Long Giang cho biết anh sẵn sàng tham gia kể câu chuyện lầm lỗi của mình để cầu thủ nghe và suy ngẫm. "Nếu đội trẻ nào, HLV nào muốn giảng dạy hay nói về chuyện đó, tôi sẵn sàng tương tác bằng người thật việc thật. Cái gì mình khổ sở, đã trải qua trong tù kể cho cầu thủ biết thì họ sẽ thấm hơn và sẽ sợ mà không dám nhúng chàm".
Đề xuất của người trong cuộc như Long Giang đúng là phải suy nghĩ. Bởi chỉ khi làm cho các cầu thủ biết sợ, bóng đá Việt Nam mới mong bớt được tiêu cực.
Vẫn nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá
Sau án tù, Long Giang đi học nghề thợ bạc để trông coi tiệm vàng của gia đình ở Tiền Giang. Nhưng do nhớ bóng đá, anh xin lên TP.HCM làm cho chị ở tiệm bán phụ tùng và trang trí ô tô để có cơ hội tham gia các trận giao hữu ở các sân bóng phong trào. Anh xin vào trung tâm bóng đá cộng đồng để dạy cho các em nhỏ. Đồng thời chờ cơ hội xin VFF giảm án cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn, để trở thành HLV truyền đạt cho các cầu thủ trẻ đừng phạm phải sai lầm như mình.
Ước vọng đó rồi cũng đến với Long Giang vào ngày 26-12-2022 khi VFF gỡ bỏ án. Một năm sau, anh xin học lớp HLV bằng C do VFF tổ chức. Khi lớp học về nội dung Fair Play và nạn dàn xếp tỉ số, Long Giang chẳng ngần ngại mà sẵn sàng chia sẻ với giảng viên. Anh kể lại câu chuyện buồn của đời mình và mong muốn các HLV theo học ở lớp khi về lại CLB hay trung tâm bóng đá sẽ truyền đạt cho cầu thủ trẻ biết và phòng tránh tiêu cực.
"Khi viết đơn xin được đi học HLV, tôi không biết mình huấn luyện có giỏi không. Nhưng khi đó, tôi nghĩ nếu mình làm HLV thì cầu thủ sẽ không giống mình. Tôi sẽ kể cho các bạn trẻ những gì tôi đã trải qua. Nó kinh khủng lắm! Chưa bao giờ cuộc đời tôi hình dung ra mình phải ở trong điều kiện khủng hoảng tinh thần như vậy", anh bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận