T. (khoảng 30 tuổi) ép khách trả 500.000 đồng cho một lần lau giày - Ảnh: Quang Thế
Cần khởi tố vụ án trấn lột du khách
"Báo Tuổi Trẻ đăng bài đầu tiên tôi đã chỉ đạo ngay Công an Q. Hoàn Kiếm, Công an các phường, UBND Q. Hoàn Kiếm phối hợp điều tra với tinh thần kiên quyết, đồng thời tuyên truyền hỗ trợ du khách tránh xảy ra những câu chuyện tương tự…" - bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn nói.
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói rằng để xảy ra tình trạng trên "là một điều đáng tiếc", và cho biết sắp tới sẽ "cố gắng đấu tranh không để xảy ra tình trạng nói trên…".
"Tình trạng nói trên" chính là loạt bài phóng sự điều tra "Trấn lột du khách ngay bờ hồ Hoàn Kiếm" đăng trên Tuổi Trẻ Online từ ngày 31-10 đến 2-11.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã điều tra, phát hiện nhóm này có gần 20 đối tượng thường xuyên dàn cảnh giật giày, gí bánh rán vào mặt rồi doạ nạt ép khách phải trả tiền. Mặc dù biết bị lừa nhưng nhiều khách du lịch phải cắn răng chi tiền mới được đi. Và mỗi ngày nhóm này trấn lột được hàng chục triệu đồng từ thủ đoạn trên.
Ông Công lý giải rằng thời gian vừa qua, lực lượng công an quận, phường thường tuần tra kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm, nhưng do quận Hoàn Kiếm "thường có nhiều sự kiện chính trị, văn hoá nên phải bố trí lực lượng. Lợi dụng lúc mỏng lực lượng thì các đối tượng hoạt động chụp giật".
Theo ông Công, lực lượng công an đang thu thập chứng cứ, xác minh các đối tượng để xử lý. "Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tải thông tin chúng tôi đã triệu tập, làm rõ 9 đối tượng với mong muốn xử lý dứt điểm vấn nạn trấn lột du khách. Một số đối tượng có trong clip do di chuyển đi nơi khác nên chúng tôi tiếp tục cho cán bộ triệu tập, đấu tranh làm rõ..." - Trung tá Công khẳng định.
Thịnh hợp sức với Chung ép khách trả 600.000 đồng cho 5 cái bánh rán trị giá chưa đến 10.000 đồng - Ảnh: Quang Thế
Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm Hà Mạnh Hùng cho biết đã chỉ đạo tăng cường lực lượng, chấn chỉnh để không tái diễn", và "mong muốn báo được cung cấp những nội dung, chứng cứ có liên quan để phá án...".
Theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, với các thông tin được phản ánh trên Tuổi Trẻ thì đó chính là "bằng chứng trực tiếp" và là "hành vi có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản", vì thế cần tìm các bị hại và điều tra, khởi tố vụ án này.
"Cơ quan chức năng đã từng xử lý vi phạm hành chính một số đối tượng nhưng đến nay vấn nạn này lại xảy ra cho thấy không khác gì bắt cóc bỏ đĩa, có phần chủ quan. Trấn lột du khách đã làm mất đi sự cố gắng của hàng triệu công dân, chính quyền thủ đô trong việc tạo môi trường du lịch thân thiện, thu hút đầu tư…" - luật sư Trương Anh Tú nói.
Nha Trang lập đường dây nóng hỗ trợ du khách
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết các du khách ở Nhà Trang được hỗ trợ qua được dây nóng số 0947528000 hoạt động 24/24 với ba thứ tiếng Anh - Việt - Trung.
Theo bà Thanh, các du khách chủ yếu hỏi các thông tin về du lịch ở Nha Trang, từ đường sá, địa chỉ khách sạn, nhà hàng đến nơi đổi ngoại tệ. Các phản ánh như vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng… của du khách sẽ được gửi đến cơ quan chức năng giải quyết.
Ông Trần Đình Dũng, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cho tại hai khu vực đông du khách là Hòn Chồng và Tháp Bà Ponagar, có các ban quản lý và đội chuyên trách điều phối toàn bộ nhân viên bảo vệ từ soát vé đến bảo vệ trên toàn cơ quan.
"Để đảm bảo công tác an ninh trật tự đề phòng các trường hợp mất cắp trung tâm hiện đã phối hợp dân phòng, bộ đội biên phòng, công an phường tăng cường đặc biệt trong các dịp lễ hội" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận