Kết luận nguyên nhân cháy nổ xe chưa thuyết phục
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân tại buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: Xuân Long |
Trước hiện tượng cháy xe đang tăng đột biến, một số người dân gửi câu hỏi bày tỏ băn khoăn về kết luận nguyên nhân cháy, nổ của liên bộ vừa đưa ra không thuyết phục, ông Quân giải thích: “Đúng là vấn đề cháy nổ xe cơ giới thời gian qua đã gây bức xúc xã hội. Về việc này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên bộ Công an, Giao thông vận tải, Khoa học - công nghệ và Công thương phải phối hợp xác minh nguyên nhân và đề xuất giải pháp hạn chế cháy nổ xe cơ giới”.
Ông Quân cho rằng kết luận của liên bộ đưa ra mới chỉ là kết quả bước đầu. “Vừa rồi, Bộ Công an chủ trì cùng các bộ công bố bước đầu kết quả điều tra về nguyên nhân gây cháy nổ. Có thể kết luận này chưa làm thỏa mãn quan điểm của nhiều người. Tuy nhiên, việc cháy nổ xe cơ giới không phải hiện tượng cá biệt của Việt Nam. Điều đáng nói tỉ lệ này ở nước ta tăng đột biến trong hai năm 2010 và 2011. Trong khi tìm nguyên nhân thì xăng dầu được xã hội đặt vào “tầm ngắm” đầu tiên. Tuy nhiên, xăng dầu chỉ là chất cháy, để nó cháy được phải có tác động của nguồn nhiệt, cụ thể là phải có tia lửa” - ông Quân nói.
Theo ông Quân, sau các vụ cháy, bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đo lường chất lượng là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu vào cuộc, lấy mẫu từ các xe bị cháy còn sót lại, lấy mẫu từ các cây xăng mà các xe này đã mua xăng theo khai báo của chủ xe để xét nghiệm.
“Tôi rất tiếc phải nói rằng các mẫu xét nghiệm này đều không vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu. Vì thế, có thể nói kết luận bước đầu của Bộ Công an đánh giá nguyên nhân cháy nổ khoảng trên 30% do chập điện, trên 15% là do sự cố kỹ thuật khác, còn lại nhiều nguyên nhân như vô tình hữu ý của người sử dụng xe gây cháy hay những nguyên nhân do tai nạn, đó là kết luận có đầy đủ cơ sở” - ông Quân khẳng định.
Ông Quân cũng cho rằng song song với việc tiếp tục điều tra nguyên nhân gây cháy nổ, các bộ, ngành phải kiểm soát thật chặt chẽ chất lượng xăng dầu kể từ thời điểm này cho tới giai đoạn tiếp theo để tránh xảy ra cháy nổ trong giai đoạn tới.
“Hiện nay chúng ta vẫn còn một số xe cộ và một số lĩnh vực vẫn sử dụng xăng A83. Có ý kiến nói rằng những người vi phạm thường sử dụng xăng A83 với giá thành thấp pha trộn với các xăng khác hoặc bán với giá xăng A92, A95 để kiếm lợi. Tuy nhiên, về phía cơ quan chức năng, khi phát hiện, thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ cùng các cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm minh. Còn tới đây, chúng tôi sẽ trình Chính phủ cho phép chấm dứt sử dụng xăng A83”.
Trả lời câu hỏi về việc người đội mũ bảo hiểm có kiểu dáng thời trang bị xử phạt như không đội mũ bảo hiểm, như vậy có phải cơ quan chức năng đẩy cái khó cho người dân? Ông Quân cho biết theo quy định thì mũ bảo hiểm phải đáp ứng các quy chuẩn về an toàn, đảm bảo các tính năng về kỹ thuật. Hiện nay việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cũng đã có đầy đủ quy định. Tất cả các đơn vị sản xuất mũ đều phải qua các bước kiểm định rồi mới được dán nhãn lưu thông. Đồng thời cũng yêu cầu các công ty sản xuất, nhập khẩu mũ công khai các đại lý bán mũ. “Trong thực tế thì vì trục lợi, vì lợi dụng tâm lý người tiêu dùng ham rẻ nên đã có chuyện lái hình thức mũ bảo hiểm sang hướng mũ thời trang. Tuy nhiên chúng tôi khẳng định mũ thời trang không phải mũ bảo hiểm. Trong khi luật không cấm kinh doanh các loại mũ thời trang, có thể họ bán cho người đi bộ, người đi xe đạp, nhưng với người đi xe máy thì rất mong người dân nâng cao tinh thần tự giác, mua đúng mũ bảo hiểm ở các đại lý, không mua mũ bày bán tràn lan bên ngoài" - ông Quân nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận