01/04/2015 10:20 GMT+7

​Chạy đua để cùng thắng!

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran, giữa nhóm “P5+1” với Iran, đang diễn ra tại Thụy Sĩ với những bước tăng tốc quyết liệt.

Nhóm “P5+1” gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) giới thiệu lãnh đạo Tổ chức Năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi tại cuộc họp ngày 31-3 - Ảnh: Reuters

Khu khách sạn cực đẹp Beau-Rivage Palace bên bờ hồ Léman ở Lausanne cả tuần qua cực kỳ nóng và càng nóng hơn trong hôm qua, khi những người trong cuộc quyết liệt làm việc mong cán đích “thỏa thuận khung” vào ngày cuối cùng của tháng 3.

Ba vấn đề mấu chốt

Ngay như nhà đàm phán của Nga Sergei Ryabkov lúc giải lao cũng chỉ tóm gọn với cánh nhà báo đang chờ ngóng thông tin trong vài chữ: "Căng lắm, căng lắm!". Nhưng rồi ông cũng nháy mắt hé lộ lấp lửng: "Tôi hi vọng quý vị sẽ tương đối ngạc nhiên".

Thông tin giờ chót cho rằng chỉ còn vài vấn đề chưa có lời giải cuối cùng. Đó là thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận, cụ thể việc dỡ bỏ trừng phạt quốc tế với Iran và cách thức kiểm chứng việc tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được.

Theo những gì đã đạt được trong đợt đàm phán cấp tập diễn ra từ giữa tháng 3 này, hầu như những vấn đề hóc búa khác đã được thỏa thuận. Các bên trong cuộc đàm phán này tuy trong tình trạng đối mặt về ngoại giao, nhưng có chung tham vọng phải cùng nhau về đích đúng thời hạn!

Sự đồng tâm nhất trí cùng về đích này được thể hiện qua những cuộc gặp tay đôi dồn dập giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong khi hai quốc gia này vẫn giữ tình trạng đoạn tuyệt ngoại giao từ năm 1979 đến nay!

Phía chính quyền Mỹ có lý do để phấn đấu đạt được thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân, thậm chí bất chấp mọi sự cảnh báo từ phía các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

Chỉ còn hơn một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (đầu tháng 11-2016) mà suốt thời gian tại vị ở Nhà Trắng từ đầu năm 2009 đến nay, ông Barack Obama hầu như chưa đạt được một thắng lợi ngoại giao nào đáng kể ở khu vực nóng bỏng này.

Trong những năm qua, chính quyền Obama hầu như thất bại hoặc bị động đối phó vất vả sau những “sự đã rồi”. Đáng kể nhất là thất bại trong việc bảo trợ cuộc đàm phán Palestine - Israel theo “giải pháp hai nhà nước” mà đích thân ông Obama và Ngoại trưởng Kerry đã dốc lực “vào cuộc” hai năm trước, để rồi cuối cùng đành phải chấp nhận “trắng tay”!

Thất bại thứ hai là không giải quyết được cuộc xung đột tương tàn ở Syria, để từ chỗ khăng khăng đòi xóa bỏ chế độ do tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu, đến nay Ngoại trưởng Kerry phải đánh tiếng thăm dò khả năng “cuối cùng cũng phải đối thoại với ông al-Assad”! 

Thất bại thứ ba là ngỡ ngàng trước sự ra đời của tổ chức khủng bố tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tại Iraq và Syria, đẩy Mỹ vào tình thế bị động đối phó với một “sự đã rồi” rất tồi tệ...

Mỹ, Iran đều cần

Chính quyền Obama hầu như mất hết uy tín và vị thế nước lớn vốn vẫn đóng vai trò “bảo trợ số 1” cho mọi giải pháp ở Trung Đông suốt từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay. Iran vẫn thù địch. Khối Ả Rập bất mãn. Thổ Nhĩ Kỳ ngang ngạnh.

Israel công khai chống ông Obama cả về “giải pháp hai nhà nước” với Palestine và cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Bởi thế, ông Obama không che đậy quyết tâm đạt cho được thỏa thuận với Iran lần này. Iran cũng thật sự có nhu cầu về một thỏa thuận với Mỹ và các nước lớn. Mục tiêu cao nhất của Iran là phải dỡ bỏ được các lệnh trừng phạt quốc tế mà Hội đồng

Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng Mỹ và Tây Âu đã áp đặt chống nước này suốt từ năm 2006 đến nay.

Nếu không dỡ bỏ được các lệnh cấm vận này, Iran sẽ hụt hơi về tài chính cho những tham vọng chiến lược lớn lao của nước này tại Trung Đông. Nếu không có tiền thì dù có tham vọng hạt nhân đến đâu cũng không thể thực hiện được. B

ởi thế, lần này Iran chấp nhận nhượng bộ “đến mức có thể” để bãi bỏ được cấm vận. Hai nhân vật chính trong cuộc đàm phán đều chung “quyết tâm thật sự” như vậy là yếu tố rất căn bản tạo động lực tích cực nuôi hi vọng cho cuộc đàm phán lần này.

Chưa biết hồi kết của đàm phán sẽ thế nào. Nhưng dù ký được một thỏa thuận mà Tổng thống Obama đoan chắc là “chỉ có tốt”, thì Israel vẫn xem là “xấu” và người Ả Rập vẫn cảm thấy bất an.

Iran có lợi

Về phía Iran, nếu chỉ còn lại các vấn đề lớn như nêu trên, Iran đã đạt được nguyên tắc chiến lược lớn nhất của họ là bảo vệ quyền sở hữu công nghệ hạt nhân, cụ thể là Mỹ và “P5+1” đã phải chấp nhận cho Iran quyền làm giàu uranium ở mức mà họ cho là Iran “không thể chế tạo bom nguyên tử”.

Hơn nữa, Iran không để cuộc đàm phán này tác động tiêu cực đến những “thành quả” mà Iran đã giành được tại khu vực Trung Đông trong những năm qua.

Nhờ chiến thuật khôn ngoan của trưởng đoàn đàm phán Iran - Ngoại trưởng Javad Zarif, với nụ cười thường trực và những lời lẽ mềm mỏng luôn nuôi cho đối thủ đàm phán hi vọng vào kết quả cuối cùng; Iran đã tách bạch được cuộc đàm phán này với những hoạt động ráo riết của Iran và đồng minh tại các quốc gia Ả Rập như Iraq, Syria, Lebanon và mới đây nhất là Yemen.

Lúc này, dù đàm phán với “P5+1” có kết quả thế nào, vị thế của Iran tại khu vực Đông Ả Rập cũng đã là “một sự đã rồi” nữa không dễ gì đảo ngược!

 

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên