Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôn ứng viên kế nhiệm ông - bà Ursula von der Leyen ngày 4-7 - Ảnh: REUTERS
Tôi luôn có cảm giác tôi đã đi vào lịch sử, nhưng không giống thế này. Bởi vì tôi là một nhân vật đặc biệt. Thật không may nó đã không trở thành truyền thống. Tôi là spitzenkandidaten đầu tiên và cũng là cuối cùng.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker
"Thiếu minh bạch" là cụm từ được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề cập sau khi Thượng đỉnh châu Âu kết thúc. Ông Juncker, sau cái ôm hôn với ứng viên kế vị Ursula von der Leyen ngày 4-7, đã đặt dấu hỏi về chính quá trình đề cử bà Ursula von der Layen, hiện là bộ trưởng quốc phòng Đức.
Tranh cãi
Nếu vượt qua vòng bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu vào tháng 11 tới, bà Ursula von der Leyen sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức chủ tịch EC - vị trí được cho là quan trọng nhất của EU. Thường thì báo chí quốc tế sẽ ca tụng những màn "đầu tiên" như vậy, nhưng giờ họ lại chần chừ.
Trả lời họp báo tại Helsinki (Phần Lan) ngày 5-7 về việc bà Ursula von der Leyen được đề cử, ông Juncker bất ngờ nói: "Quá trình (đề cử) này rất không minh bạch".
Thực tế, đây không hẳn là cách ông Juncker phản bội cái ôm hôn cách đó một ngày của mình với người kế nhiệm tiềm năng. Sự "thiếu minh bạch" ông nhắc tới chính là cái chết của hệ thống Spitzenkandidat - ứng viên đại diện.
Cách đây 5 năm, ông Juncker chính là một spitzenkandidaten, nhưng năm nay, rốt cuộc Hội đồng châu Âu (European Council) đã bỏ qua những spitzenkandidaten và đưa luôn các quyết định bổ nhiệm.
Căng thẳng, tranh cãi về bà Ursula von der Leyen chi tiết tới mức, như tờ Politico chỉ ra, việc chọn một người không nói được tiếng Pháp như vị nữ bộ trưởng quốc phòng Đức này cũng đã là một cách đi ngược lại truyền thống đối với các đời chủ tịch EC trước đây.
Không chỉ cách thức đề cử, kết quả của kỳ họp EU năm nay còn bị chỉ trích vì sự bất cân đối, mặc dù việc đưa bà Ursula von der Leyen và Christine Lagarde (đề cử làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu) vào các vị trí quan trọng đã là một nỗ lực đa dạng hóa giới tính.
Đơn giản nhìn vào quốc tịch 5 ứng viên lãnh đạo, có thể thấy quyền lực tập trung vào Tây Âu.
Vì một EU thống nhất
Tranh cãi về Spitzenkandidat được tô đậm để diễn tả thực tế rằng nó là cái đại diện cho những gì thuộc về sự thống nhất và tính đoàn kết của EU. Trong mắt những người ủng hộ Spitzenkandidat, năm nay là lúc nền dân chủ châu Âu bị đặt dấu hỏi.
Spitzenkandidat (danh từ tiếng Đức với từ tiếng Anh tương đương là "lead candidate") là hệ thống cho phép các khối đảng ở châu Âu chọn ra ứng viên đại diện.
Các khối đảng này gồm những chính đảng ở từng nước thành viên châu Âu, những người có cùng quan điểm chính trị. Họ tập hợp với nhau ở cấp độ nghị viện châu Âu, và các spitzenkandidaten do họ đưa lên chính là các ứng viên chủ tịch EC.
Ngược lại, Hội đồng châu Âu là tập hợp các lãnh đạo chính quyền quốc gia và thành viên. Trong trường hợp này, các khối đảng châu Âu phản ứng là vì spitzenkandidaten của họ không được Hội đồng châu Âu tôn trọng.
Nói cách khác, có thể hình dung đây là một xung đột giữa các "đảng đối lập" và "đảng cầm quyền" ở cấp độ châu lục.
Trong vài năm gần đây, những đảng cầm quyền ở châu Âu luôn gặp thách thức từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bài ngoại và chống đối chính sách EU.
Chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay việc Thủ tướng Đức Angela Merkel tái đắc cử cũng không che mờ sự thật rằng thái độ bài EU vẫn hiển hiện. Bản thân hai vị lãnh đạo này cũng gặp khó khăn trong việc duy trì sự ủng hộ trong nước.
Chính vì sự lớn mạnh của các đảng đối lập bài EU ở từng nước, câu chuyện ở cấp độ nghị viện châu Âu mới rắc rối hơn ở kỳ thượng đỉnh này, dẫn tới việc phải tiếp tục xuất hiện cuộc họp hồi giữa tuần qua để thống nhất các đề cử. Bế tắc chỉ được giải quyết khi Hội đồng châu Âu gạt luôn những spitzenkandidaten của các khối đảng.
Trong mắt các khối đảng, cả 5 ứng viên được đề cử lần này đều không ai có uy tín trong nước mà đơn giản chỉ là sự bổ nhiệm sau cánh cửa khép kín, mang ý chí của một nhóm lãnh đạo. Nói vậy tức là "thiếu minh bạch".
Ngược lại, lập luận của Hội đồng châu Âu - tức các lãnh đạo chính phủ ở từng quốc gia, là căn cứ theo nhiệm vụ tại EU, họ chỉ xem xét cuộc bầu cử nghị viện khi đề cử ứng viên cho vị trí chủ tịch EC, chứ không ép buộc họ phải chọn ứng viên có phiếu bầu cao.
Nhóm lãnh đạo trong Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh rằng họ chẳng có gì thiếu minh bạch hay thiếu dân chủ, vì bản thân họ là những lãnh đạo đã được bầu, và quyết định của họ cũng mang giá trị dân chủ tương đương.
Trong bối cảnh các đảng bài EU lớn mạnh ở từng nước, spitzenkandidaten của họ dĩ nhiên cũng không loại trừ khả năng mang quan điểm bài EU. Vậy nên, quyết định của Hội đồng châu Âu có vẻ là lựa chọn an toàn cho những người ủng hộ một EU thống nhất và đoàn kết.
5 vị trí chủ chốt
Cứ mỗi sáu năm, song song với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, EU thực hiện những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo.
Năm nay, Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đã thống nhất đề cử Charles Michel (Bỉ) làm chủ tịch Hội đồng châu Âu; bà Ursula von der Leyen (Đức) làm chủ tịch Ủy ban châu Âu; ông Josep Borrell (Tây Ban Nha) làm đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại; bà Christine Lagarde (Pháp) làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và ông David-Maria Sassoli (Ý) đảm nhận chức chủ tịch Nghị viện châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận