30/12/2016 11:56 GMT+7

Châu Á đánh mất môi trường vì phát triển

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Châu Á đang phải trả giá đắt về môi trường cho sự tăng trưởng thần tốc. Thế giới đang tự hỏi sự phát triển của khu vực rồi sẽ đưa nạn ô nhiễm đi về đâu?

Người dân đeo khẩu trang xem thượng cờ ở Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 20-12 trong bầu không khí ô nhiễm - Ảnh: Reuters
Người dân đeo khẩu trang xem thượng cờ ở Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 20-12 trong bầu không khí ô nhiễm - Ảnh: Reuters

Khắp miền bắc Trung Quốc hiện đang chìm trong màn sương ô nhiễm. Những ngày này, người dân ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc phải mang khẩu trang dày và thiết bị lọc không khí để bảo vệ lá phổi khi màn sương ô nhiễm vẫn đặc quánh.

Trong khi đó, thủ đô New Delhi của Ấn Độ hồi tháng trước cũng sặc sụa vì khói bụi độc hại buộc chính phủ phải cấm pháo hoa tại đây theo thỉnh nguyện thư của các phụ huynh có con nhỏ. Còn Đông Nam Á cũng đau đầu vì khói bụi do đốt rừng trồng cọ ở Indonesia.

Báo động ô nhiễm ngày càng phổ biến

Trong thời gian qua, các cảnh báo ô nhiễm không còn mang tính báo động mà dần trở thành chuyện bình thường và có thể dự báo trước.

Tại Trung Quốc, không khó hiểu ô nhiễm ngày càng nặng ở trung tâm công nghiệp khu vực miền bắc và đặc biệt nghiêm trọng trong suốt mùa đông khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh.

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc ngày 25-12 cho biết tại Bắc Kinh nồng độ PM2.5 (nồng độ bụi có đường kính dưới 2,5 micron) trong không khí đã lên mức 130-241 microgram/m3, gấp khoảng 13 - 24 lần so với mức an toàn.

Từ giữa tháng 12-2016, Trung Quốc đã phát "báo động đỏ" tại 23 thành phố khi khói bụi bao phủ một diện tích hơn 10 triệu km2, buộc các thành phố phải hạn chế giao thông, đình chỉ các dự án xây dựng.

Theo Tổ chức Hoà bình Xanh, khoảng 200 triệu người tại sáu tỉnh của Trung Quốc đang hít thở bầu không khí “nguy hiểm” trong khi 260 triệu người khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm không khí. Khoảng 1,6 triệu người ở nước này chết mỗi năm do không khí ô nhiễm.

Một số nghiên cứu so sánh ô nhiễm ở Trung Quốc cũng gây hại tương đương hút thuốc lá. Những cụm từ như “rửa phổi”, “tránh sương” trở nên phổ biến như những “người tị nạn ô nhiễm” tìm kiếm các chuyến du lịch tránh ô nhiễm.

Ô nhiễm ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng dần nghiêm trọng - Ảnh: AFP

Nhưng trong thời gian gần đây, nhiều thành phố của Ấn Độ được mô tả có mức độ ô nhiễm cũng chẳng kém gì Trung Quốc.

Nồng độ PM2.5 trung bình của Ấn Độ tăng 13% từ năm 2010 đến năm 2015 và New Delhi bị Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong danh sách này có đến 13 thành phố của Ấn Độ.

Cũng giống như Trung Quốc, hơn một nửa nhu cầu năng lượng của Ấn Độ đến từ việc đốt than. Dù chính quyền đã tuyên bố sẽ biến nền kinh tế Ấn Độ sử dụng năng lượng từ khí đốt nhưng sẽ khó mà thuyết phục người dân từ bỏ giá than rẻ.

Các chuyên gia Cơ quan năng lượng quốc tế cũng nhận định cơn khát năng lượng còn biến Ấn Độ thành một trong những cỗ máy tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới vào giữa những năm 2020.

Tại Đông Nam Á, nạn đốt rừng ở Indonesia gây ô nhiễm khắp khu vực đã trở thành thảm hoạt môi trường nghiêm trọng kể từ năm ngoái.

Hơn 2,6 triệu hecta đất bị đốt, đe dọa hàng ngàn loài sinh vật và mỗi ngày thải ra lượng khí khoảng 16 triệu tấn CO2, còn lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Mỹ.  

Nghiên cứu mới nhất cho thấy các đám khói bụi có nồng độ PM2.5 cao gấp hàng chục lần mức cho phép đã đe dọa sức khỏe của 69 triệu người ở Indonesia, Singapore và Malaysia, và gây ra hàng chục ngàn cái chết tại khu vực. Năm nay, tình hình dường như vẫn chưa có giải pháp.           

Đe dọa kinh tế

Không chỉ trả giá về y tế xã hội, ô nhiễm cũng có thể khiến các nước bỏ lỡ nhân tài. Một khảo sát với các chuyên gia mới đây của Ngân hàng HSBC cho thấy họ ít hứng thú với những quốc gia ô nhiễm dù có cơ hội làm việc.

Còn nếu đồng ý làm việc, họ có thể đòi hỏi nhiều phúc lợi để bảo vệ sức khoẻ, chẳng hạn phải có hệ thống lọc không khí ở văn phòng và ở nhà.

Trong khi đó, theo công ty tư vấn Mercer của Mỹ, các công ty cũng ngày càng lo ngại về chi phí do ô nhiễm môi trường bởi ở những điểm nóng ô nhiễm như Bắc Kinh, các phúc lợi ô nhiễm có thể khiến tiền lương bị đội lên đến 5%. Kèm theo đó là các khoản chi trả cho bệnh tật và tổn thất khác.

Binh sĩ Trung Quốc phải đeo khẩu trang khi đứng gác tại Bắc Kinh ngày 20-12 - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Trung Quốc phải đeo khẩu trang khi đứng gác tại Bắc Kinh ngày 20-12 - Ảnh: Reuters

Trong đợt ô nhiễm mới đây ở New Delhi có khoảng 10% nhân viên bị bệnh, trong khi đó ở một số thành phố của Trung Quốc chuyện công ty, trường học phải đóng cửa do ô nhiễm không phải là chuyện hiếm gặp. Một số công ty thậm chí đã phải chọn giải pháp di dời khỏi những thành phố lớn để tránh thiệt hại.

Không dừng lại ở đó, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ước tính khủng khiếp về thiệt hại kinh tế. Đối với nền kinh tế trị giá 11.000 tỉ USD của Trung Quốc, ô nhiễm không khí làm giảm đến 6,5% GDP hàng năm, chủ yếu do sụt giảm năng suất của các nhà máy phải đóng cửa và bệnh tật.

Các công ty sản xuất nông sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi hơn 20% đất ở Trung Quốc hiện đang bị ô nhiễm.

Trong khi đó, Ngân hàng thế giới ước tính ô nhiễm không khí lấy mất của Ấn Độ 8,5% GDP, tương đương 560 tỉ USD, trong năm 2013.

Những thiệt hại ở Đông Nam Á cũng không phải con số nhỏ, khoảng 7,5 % GDP, bởi ô nhiễm tác động lên nhiều nước từ sản xuất nông nghiệp, y tế, giao thông cho đến du lịch.

Nhiều nước đã sử dụng nhiều biện pháp như đóng cửa trường học, công ty hay chính quyền ở thành phố du lịch Phuket của Thái Lan thậm chí đã phải phun nước để "hạ nhiệt" khói bụi nhưng không thể giảm bớt các thiệt hại.  

Ngân hàng thế giới ước tính thiệt hại riêng ở Indonesia đã lên đến 16 tỉ USD, tương đương 2% GDP và gấp đôi thiệt hại gây ra bởi thảm họa sóng thần năm 2004. Năm 1997, thiệt hại chỉ vào khoảng 9 tỉ USD.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên