20/09/2019 10:16 GMT+7

Châu Á chưa chuẩn bị nhiều cho xu hướng già hóa lực lượng lao động

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Các nước châu Á là những quốc gia ít có sự chuẩn bị nhất để đối phó với tình trạng già hóa dân số và tự động hóa việc làm.

Châu Á chưa chuẩn bị nhiều cho xu hướng già hóa lực lượng lao động - Ảnh 1.

Singapore. Ảnh minh họa. Nguồn: asiaone.com

Báo cáo chỉ số năng lực đối phó với tác động của tình trạng già hóa dân số và tự động hóa việc làm, công bố ngày 18/9 của Mercer và Marsh & McLennan Insights, cho biết trong số 20 nền kinh tế lớn trên toàn thế giới, các nước châu Á là những quốc gia ít có sự chuẩn bị nhất để đối phó với tình trạng này.

Trong số 4 quốc gia châu Á được xếp hạng thì Singapore đứng cao nhất nhưng vẫn nằm ở nửa cuối danh sách với vị trí thứ 13.

Ba nước còn lại, Hàn Quốc (20) đứng cuối bảng xếp hạng, Trung Quốc đứng thứ 18 và Nhật Bản thứ 17.

Báo cáo nói trên của Mercer và Marsh & McLennan Insights nghiên cứu các yếu tố giảm thiểu tác động mà một quốc gia đang áp dụng để giải quyết các thách thức và tác động từ sự già hóa dân số và tự động hóa việc làm trong số người lao động cao tuổi.

Báo cáo này cũng xem xét 'sức khỏe' của hệ thống phúc lợi hưu trí, để đưa ra những đánh giá đối với sự chuẩn bị của quốc gia đó trong việc quản lý tình trạng già hóa và tự động hóa trong lao động.

Các yếu tố giảm thiểu tác động bao gồm sự tham gia nhiều hơn của người lớn tuổi vào lực lượng lao động, mức độ đầy đủ của các tài sản quỹ hưu trí, điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cũng như các điều kiện về pháp lý và chính sách phù hợp.

Báo cáo này cũng cho biết khoảng cách của mối nguy cơ 'bị tự động hóa' giữa lao động già và lao động trẻ ở Singapore là lớn nhất. Điều này cho thấy lao động lớn tuổi ở Singapore có nguy cơ rất cao bị thay thế bằng các máy móc 'tự động hóa'.

Mặc dù vậy, theo các số liệu mà báo cáo đưa ra, so với mức trung bình trên toàn thế giới là 14,7%, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của những người từ 65 tuổi trở lên tại các nước châu Á là rất cao với Hàn Quốc (31,7%), Singapore (26,8%), Nhật Bản (23,5%) và Trung Quốc (21,5%).

Điều này phần nào cho thấy khả năng phục hồi của Singapore là tương đối cao mặc dù những người lao động lớn tuổi có nguy cơ tự động hóa cao hơn nhiều so với những người lao động trẻ tuổi hơn.

Theo báo cáo này, 35% trong số lực lượng lao động ở Singapore sẽ có độ tuổi từ 50 trở lên vào năm 2030. Trong khi đó, vào năm 2030, Nhật Bản sẽ trở thành nền kinh tế 'cao tuổi' đầu tiên trên thế giới, với những người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 28% dân số.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), cứ 4 người thì lại có hơn 01 người cao tuổi.

Trong bảng xếp hạng nói trên của Mercer và Marsh & McLennan Insights, Đan Mạch đứng đầu danh sách, Australia và Thụy Điển nằm trong số các quốc gia có chỉ số năng lực tốt nhất đối phó với những thách thức từ tình trạng già hóa lao động và tự động hóa việc làm.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên