Phóng to |
Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore vẫn cần phải gia tăng hình phạt chống tham nhũng - Ảnh: TRUNG NGHĨA |
Theo bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2012 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố ngày 5-12, Singapore là quốc gia trong sạch thứ năm trên thế giới. Tính theo thang điểm từ 0 (cực kỳ tham nhũng) đến 100 (cực kỳ trong sạch), Singapore đạt 87 điểm, chỉ kém 3 điểm so với ba quốc gia đồng hạng nhất.
“Nạn tham nhũng ở Singapore là một thực tế cuộc sống chứ không phải là một cách sống - giáo sư John S.T. Quah, chuyên gia về tham nhũng và quản trị công hàng đầu thế giới, nhận định - Nói cách khác, tham nhũng tồn tại ở Singapore nhưng Singapore không phải là một xã hội tham nhũng”. Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng đã đến lúc các nước châu Á đang phát triển học tập mô hình Singapore.
Luật pháp cứng rắn
"Sự giả dối dẫn tới những hành vi lừa đảo và nạn tham nhũng" |
Rất nhiều chuyên gia chống tham nhũng đánh giá luật pháp cứng rắn là một trong những yếu tố chính biến Singapore trở thành một quốc gia trong sạch.
Cục Điều tra các hành vi tham nhũng (CPIB) làm việc trực tiếp với văn phòng thủ tướng và có quyền lực lớn lao. CPIB có quyền bắt giữ bất kỳ cá nhân nào mà không cần trát tòa, có quyền khám xét và thu giữ nếu “có lý do cho thấy việc chậm trễ lấy trát tòa gây cản trở điều tra”. Những kẻ dính án tham nhũng thường lãnh án tù 5 năm và phải nộp phạt 80.000 USD. Và Thủ tướng Lý Hiển Long còn muốn gia tăng hình phạt.
Năm 2012 đã xảy ra một số vụ tham nhũng gây chấn động Singapore. Giám đốc Cục Chống ma túy trung ương bị buộc tội quan hệ tình dục với nữ chuyên viên một công ty công nghệ để đổi lấy sự ưu ái cho công ty này. Lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Singapore bị truy tố vì tội quan hệ với ba phụ nữ cũng để giúp công ty của họ thắng thầu.
Khi đó, dư luận Singapore lo ngại đất nước mình đang đánh mất tiếng tăm trong sạch. “Thà chịu xấu hổ để đảm bảo sự trong sạch của hệ thống, còn hơn là giả bộ chẳng có gì xảy ra và để sự thối rữa lan rộng - Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định - Bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị trừng phạt. Chính phủ không chấp nhận sự che đậy, dù quan chức vi phạm có chức vụ lớn đến đâu đi nữa”.
Trung thực, cởi mở thay cho sự giả dối
Tuy nhiên sự trừng phạt là chưa đủ. Singapore còn trả lương rất cao cho các quan chức chính phủ và giới viên chức. Mục tiêu là thu hút nhân tài và kìm hãm lợi ích từ hành vi tham nhũng.
Ví dụ, lương của Thủ tướng Lý Hiển Long lên tới 2,4 triệu USD/năm, cao gấp năm lần mức lương 400.000 USD/năm của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Giáo sư Quah cho biết bằng việc thắt chặt cả yếu tố luật pháp và tài chính của tham nhũng, Singapore đã biến hành vi tham nhũng từ “rủi ro thấp, lợi ích cao” thành “rủi ro cao, lợi ích thấp”.
Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu bắt đầu áp dụng chính sách này từ thập niên 1980. “Thủ tướng Lý Quang Diệu kết luận rằng cách tốt nhất để đối phó với tham nhũng là chuyển động cùng thị trường - giáo sư Quah giải thích - Có nghĩa là xây dựng một hệ thống trung thực, cởi mở thay vì sự giả dối. Bởi sự giả dối dẫn tới những hành vi lừa đảo và nạn tham nhũng”.
Giáo sư Quah đánh giá các nước đang phát triển ở châu Á cần rút ra bốn bài học từ mô hình Singapore. Thứ nhất, ý chí chính trị là yếu tố chủ chốt của thành công. Thứ hai, cơ quan chống tham nhũng phải độc lập, tách rời bộ máy cảnh sát và chính trị. Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải hoàn toàn trong sạch. Thứ tư, hạn chế tham nhũng bằng cách tấn công vào nguồn của nó: mức lương thấp, cơ hội cao, hệ thống luật pháp yếu kém.
Giáo sư Quah khẳng định ý chí chính trị là yếu tố quan trọng nhất. “Những người có thể thay đổi văn hóa tham nhũng nếu họ muốn là các chính trị gia. Bởi họ là những người tạo ra luật pháp và cấp vốn để đảm bảo luật pháp được thực thi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận