Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên (giữa) cùng các diễn giả chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về cải cách giáo dục - Ảnh: T.ĐIỂU
Hai điều bất ngờ này xảy ra ở nước Mỹ, chứ không phải ở Việt Nam, được tiến sĩ Tony Wagner chia sẻ trong cuốn sách Bài học giáo dục từ nước Mỹ, thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên dẫn ra trong buổi tọa đàm ra mắt bộ hai cuốn sách về giáo dục của Tony Wagner được IPERbooks kết hợp với Trường liên cấp Nguyễn Siêu tổ chức ngày 7-11 tại Hà Nội.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên (chuyên gia về chính sách công), trong cuốn sách Bài học giáo dục từ nước Mỹ, tác giả Tony Wagner chia sẻ thông tin thú vị là ở Mỹ những người thúc đẩy mạnh nhất cho cải cách giáo dục hóa ra lại là giới CEO và các tập đoàn.
Tác giả của nhiều cuốn sách về cải cách giáo dục được dịch ra nhiều thứ tiếng cho biết ba hội nghị thượng đỉnh về giáo dục của Mỹ trong ba thập niên liên tiếp đã được tổ chức bởi các doanh nhân, chứ không phải bởi các nhà giáo dục, thậm chí hai hội nghị đầu tiên còn không mời nhà giáo dục nào tham gia.
"Các doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm và không có ảnh hưởng lớn tới các mục tiêu giáo dục, nhưng ở Mỹ thì khác", thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên nói.
Thêm một thông tin thú vị nữa ở nước Mỹ là chất lượng giáo dục tại một địa phương có tác động lớn đến… giá bất động sản. Tác giả giải thích những người Mỹ đã có con khi đi tìm mua nhà, câu hỏi đầu tiên mà họ đặt ra trước cả khi đi thăm nhà là điểm trung bình của học sinh ở khu vực này như thế nào.
Nếu khu vực này có điểm thi cao thì họ tin tưởng con họ sẽ có một nền giáo dục tốt và đây là một lý do quan trọng để họ quyết định mua nhà ở đó. Ngược lại, nếu giáo dục không tốt thì người ta sẽ bỏ đi, giá bất động sản sẽ giảm.
Đây là một động lực cải cách giáo dục mạnh mẽ mà Việt Nam chưa có, một động lực bền vững khiến một cộng đồng gồm rất nhiều thành phần khác nhau cùng bắt tay tham gia cải cách giáo dục.
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên nói thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay méo mó, người Việt cũng chưa quan tâm tới chuyện chất lượng giáo dục trong quyết định mua nhà, nên đây chưa phải là một yếu tố có thể tác động đến cải cách giáo dục trong những năm tới.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp sẽ và nên là một yếu tố thúc đẩy cải cách giáo dục, bởi doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng thành quả của giáo dục, cần nguồn nhân lực có chất lượng.
Ở châu Âu, doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia hoạt động nghiên cứu và hợp tác với các trường đại học. Nhưng ở Việt Nam, trường cần doanh nghiệp hơn là doanh nghiệp cần trường.
Đây là một sự lãng phí, bởi như vậy doanh nghiệp cũng không tìm được nhân lực mà họ mong muốn, tuyển người rồi lại phải đào tạo lại, tốn chi phí, thời gian đào tạo.
Để tăng cường sự tham gia thúc đẩy cải cách giáo dục của doanh nghiệp, thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên đưa ra gợi ý nên xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng các trường đại học do doanh nghiệp đánh giá.
Ở Việt Nam hiện cũng có nhiều bảng xếp hạng trường đại học nhưng chưa có bảng xếp hạng trường đại học do doanh nghiệp đánh giá, tập trung vào các khía cạnh sinh viên đáp ứng như thế nào với kỹ năng công việc.
Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên cho rằng nếu có bộ chỉ số đánh giá này thì đây sẽ là bước tiến lớn. Các trường đại học nhìn vào đó để có động cơ phải cải tiến, các doanh nghiệp cũng có tham chiếu để ưu tiên hợp tác giáo dục với các trường top đầu.
Hai cuốn sách của Tony Wagner - Ảnh: T.ĐIỂU
Hai cuốn sách của Tony Wagner được IPERbooks và Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội giới thiệu tới bạn đọc lần này gồm Bài học giáo dục từ nước Mỹ và Làm thế nào để thay đổi trường học?.
Theo các diễn giả, nhà giáo dục trong tọa đàm, hai cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo quý báu dành cho những ai mong muốn hay quan tâm đến đổi mới nhà trường, đổi mới việc dạy và học cùng cách vận hành trường học để tối ưu hóa việc học tập của học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận