Học sinh vùng nông thôn ở Trường Coconut trong khu công viên quốc gia Kirirom thuộc tỉnh Kampong Speu của Campuchia được học với máy tính - Ảnh: AFP
"Đúng là ông ấy có nhiều điểm đáng để ngưỡng mộ như tài lãnh đạo, khả năng nâng cao chất lượng giáo dục, chính sách giáo dục cho mọi người và sự chuẩn bị tốt trong công cuộc đổi mới giáo dục ở đất nước của tôi" - anh S.R., nhà báo của Campuchia, trả lời Tuổi Trẻ gần như không cần suy nghĩ khi được hỏi về vị bộ trưởng Bộ Giáo dục - thanh niên và thể thao Campuchia, tiến sĩ Hang Chuon Naron.
Trong mắt một người cha có bốn đứa con nhỏ đang tuổi đi học này, anh cảm thấy tin tưởng về những gì con cái anh đã và đang tiếp nhận trong những năm qua.
Cải cách đúng trọng tâm
Nhưng có thể nói quyết định mang tính tầm nhìn nhất chính là việc bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tài chính Hang Chuon Naron (năm nay 58 tuổi) làm bộ trưởng giáo dục vào năm 2013.
Việc đầu tiên mà chính trị gia có bằng thạc sĩ luật quốc tế (ĐH Lyon II, Pháp) làm là thực thi chính sách "minh bạch, không gian lận" trong giáo dục và thi cử, chứ không phải bắt đầu bằng các kế hoạch cải cách nhiều triệu USD.
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2014, ông huy động được một lượng tình nguyện viên đông đảo để tham gia chống tiêu cực trong thi cử.
Năm 2014, sau khi tân Bộ trưởng Hang Chuon Naron siết chặt thi cử, tỉ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông của Campuchia từ 80% của năm 2013 đã "rơi tự do" còn 25,7%.
Kết quả đó được xem là gây chấn động dư luận, bởi bộc lộ "khoảng mờ" của việc tổ chức thi cử và chấm thi kéo dài nhiều năm trước đó. Ai cũng hiểu kết quả thi cử tốt đẹp có được là nhờ giám thị phòng thi được hối lộ để nhắm mắt làm ngơ cho việc tuồn bài giải vào phòng thi.
Sau quyết định mang tính đột phá và đầy cương quyết của vị tân bộ trưởng, học sinh Campuchia hiểu ra rằng mọi chuyện không còn như trước; muốn đỗ đạt từ nay chỉ có cách duy nhất là phải học chuyên cần, học thật chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.
Tỉ lệ đậu phổ thông tăng lên 41% trong đợt thi lại mấy tháng sau đó. Ông Song Soksan, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khi đó, nhận xét: "Học sinh đã thay đổi thái độ học tập và văn hóa học tập. Chất lượng học sinh phổ thông đủ khả năng tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tạo nền tảng tốt cho giáo dục đại học".
Đến năm 2015, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông Campuchia nâng dần lên 56%, sang năm 2016 là 62% và năm 2017 là 63,84%.
Không chỉ nâng lương cho giáo viên đủ sống để toàn tâm toàn ý cho công việc, Bộ trưởng Chuon Naron còn bắt tay cải cách chương trình giảng dạy. Các ủy ban chuyên gia được thành lập nhằm liên tục chỉnh sửa và đổi mới chương trình giảng dạy ở mọi cấp học. Sách giáo khoa được cải biên theo hướng cho phép học sinh tham gia tích cực hơn.
Cải tiến chương trình giảng dạy sẽ thúc đẩy thành tích học tập của sinh viên. Campuchia phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực có học lực vượt trội hơn.
Bộ trưởng HANG CHUON NARON phát biểu vào tháng 1-2020
Quốc tế công nhận
Trong buổi ra mắt Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu 2017/2018 vào đầu tháng 12-2017 tại thủ đô Phnom Penh, bà Anne Lemaistre, đại diện UNESCO tại Campuchia, từng không tiếc lời ngợi khen: "Trong hoàn cảnh và điều kiện của Campuchia, việc cải cách kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đã rất thành công về mặt trách nhiệm giải trình. Thông qua cải cách này, các thí sinh tham gia kỳ thi đã nhận thức được rằng họ cần phải thay đổi hành vi của mình. Họ sẽ bị đánh rớt nếu không học tập chăm chỉ. Và tôi nghĩ rằng điều này có lợi cho Campuchia".
Trong phát biểu ngày hôm đó, Bộ trưởng Hang Chuon Naron thừa nhận nền giáo dục của Campuchia vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng ông hứa tiếp tục thực thi tính trách nhiệm và minh bạch cao hơn trong giáo dục, bởi cải cách giáo dục sẽ thúc đẩy Campuchia trở thành một xã hội học tập thực sự, nền tảng để xây dựng đất nước sáng tạo.
Ông cũng là người đề ra chính sách đào tạo tiếp tục cho người trưởng thành, với mong muốn càng nhiều người dân có kiến thức càng tốt. Bản thân ông cũng là một người học hỏi không ngừng. Trong thời gian làm vai trò tổng quản của ngành giáo dục, ông đã kịp học và lấy bằng tiến sĩ quản lý giáo dục tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) vào năm 2018.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, công bố vào đầu tháng 10-2019, cho thấy trong tổng số 141 quốc gia - vùng lãnh thổ (được xét duyệt theo 103 chỉ số nhóm thành 12 trụ cột), kỹ năng của học sinh, sinh viên Campuchia tốt nghiệp đứng thứ 104 (Việt Nam đứng thứ 116); kỹ năng số của người dân Campuchia: 112 (Việt Nam: 97); tư duy phản biện trong giảng dạy: 76 (Việt Nam: 106); tỉ lệ học sinh/giáo viên ở bậc tiểu học: 124 (Việt Nam: 75); mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề: 123 (Việt Nam: 96)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận