20/03/2020 12:30 GMT+7

Campuchia mang tin tốt cho sông Mekong

Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL)
Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL)

TTO - Việc Campuchia ngưng phát triển đập thủy điện trên sông Mekong trong 10 năm tới là một quyết định sáng suốt, đó là nhận định của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết này.

Campuchia mang tin tốt cho sông Mekong - Ảnh 1.

Nhà bên bờ biển hồ Tonle Sap - Ảnh: Phnom Penh Post

Việc xây dựng đập Sambor và Stung Treng có ảnh hưởng lớn đến Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam. Với Campuchia, hai đập này sẽ làm ảnh hưởng đến thủy sản tự nhiên của biển hồ Tonle Sap, nơi có khoảng 1,6 triệu người phụ thuộc vào nguồn thủy sản ở đây. Hai đập này cản trở đường di cư sinh sản của cá thì toàn bộ cá trắng ở Campuchia và ở ĐBSCL sẽ không còn.

Đập cũng sẽ ảnh hưởng đến thủy văn của hồ. Các đập này là đập dâng thì về lý thuyết trong những năm bình thường các đập này làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô, do đó dòng chảy ngược vào hồ sẽ giảm vào mùa lũ, nghĩa là giảm dung tích của hồ.

Còn khi gặp những năm khô hạn, các đập này dù là đập dâng vẫn có thời gian lưu nước, làm chậm đường đi của nước thì sẽ làm khô hạn gay gắt phía hạ lưu đập (ở Campuchia và Việt Nam) càng gay gắt hơn.

Theo đánh giá môi trường chiến lược 11 đập dòng chính Mekong mà tôi tham gia năm 2009 thì trong tình huống năm khô hạn, mỗi đập trong 11 đập này có thể lưu nước từ 1,5 đến 18 ngày, tùy theo đập lớn nhỏ. Vậy nước qua chuỗi đập có thể bị chậm cả tháng. Đối với ĐBSCL, nếu có hai đập này thì những năm khô hạn như năm nay làm mặn xâm nhập sẽ càng khốc liệt hơn.

Hai đập này sẽ càng làm giảm phù sa và cát về hạ lưu, gây gia tăng sạt lở bờ sông ở Campuchia và sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.

Ngoài ra, đập Sambor tiềm ẩn một rủi ro thảm họa vỡ đập nguy hiểm. Theo thiết kế ban đầu, chiều cao từ chân lên đỉnh đập là 56m, ngang 18km, chắn ngang toàn bộ dòng sông, diện tích lòng hồ phía trên đập là 620km2, chứa nước ở cao trình 40m trên mực nước biển. Nếu được xây dựng, đây là một khối nước treo lơ lửng phía trên thủ đô Phnom Penh và ĐBSCL.

Giả sử có tình huống vỡ đập dây chuyền từ thượng nguồn, mà nỗi lo này không phải không có cơ sở vì đập thủy điện Xayaburi nằm trên vết đứt gãy địa chất, gọi là đường đứt gãy Điện Biên, dễ bị động đất. Nếu đập trên bị động đất vỡ thì đập kế tiếp vỡ, theo dây chuyền, đến Sambor sẽ tiếp tục vỡ. Khối nước khổng lồ ùa xuống sẽ là thảm họa khó lường cho cả Campuchia và ĐBSCL.

Theo tôi, việc hoãn phát triển thủy điện trên sông Mekong trong 10 năm của Campuchia cũng đồng nghĩa với hủy vì trong 10 năm tới khuynh hướng năng lượng khác thay thế sẽ phát triển mạnh, thủy điện không thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng thay thế khác nên coi như Campuchia hủy các dự án này.

Hai đập ở Campuchia hoãn như thế thì đỡ lo cho ĐBSCL, nhưng các đập ở Lào vẫn tiến hành. Tôi cho rằng các nhà đầu tư quyết định đổ tiền vào thủy điện dòng chính Mekong là rất rủi ro. Ngoài việc gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ dòng sông thì trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vấn đề nước thất thường như vậy thì đầu tư vào thủy điện Mekong khó hoàn vốn.

Đầu tư vào thủy điện là đổ ra số tiền rất lớn ngay bây giờ và thu hồi trong khoảng 25 năm, nhưng từ đây tới đó thủy điện sẽ càng thoái trào, khó cạnh tranh với năng lượng khác thì nhà đầu tư có thể bị lỗ nặng. Trong khi đó, hàng chục triệu người dân các quốc gia vùng Mekong bị ảnh hưởng nặng nề.

Khuyến nghị từ Nhật

Ông Victor Jona, quan chức cấp cao Bộ Khai mỏ và năng lượng Campuchia, cho biết nước này sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới. "Trong kế hoạch 10 năm tới, từ năm 2020 tới 2030, chúng tôi không có kế hoạch phát triển đập thủy điện trên sông Mekong" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Jona tiết lộ hôm 18-3.

Ông Jona tiết lộ chính quyền Campuchia đưa ra quyết định trên theo khuyến nghị của một nghiên cứu do các nhà tư vấn Nhật thực hiện.

Theo tư vấn của người Nhật, Campuchia nên phát triển các nguồn năng lượng khác, trong đó bao gồm điện than, khí thiên nhiên và năng lượng mặt trời hoặc nhập khẩu năng lượng từ các nước láng giềng.

Theo Reuters, thiếu điện là một vấn đề lớn của Campuchia. Năm 2019 là năm Campuchia bị thiếu điện trên diện rộng do nhu cầu về năng lượng tăng đột biến liên quan đến bùng nổ hoạt động xây dựng các dự án do Trung Quốc đầu tư.

Chỉ 48% điện của Campuchia từ nguồn sản xuất trong nước. Năm ngoái, Campuchia nhập khẩu 25% điện năng từ Việt Nam và Thái Lan.

Ông Brian Eyler, Trung tâm nghiên cứu Stimson Center tại Washington (Mỹ), cho biết: "Đây là một tin tốt đối với sông Mekong. 10 năm đủ để mang lại một vũ trụ hoàn toàn khác biệt về sản xuất năng lượng, mà trong đó năng lượng tái tạo đầy đủ khả năng cạnh tranh cũng như sự sẵn có của những nguồn năng lượng thay thế khác. Giá như Lào cũng đi theo con đường này".

HỒNG VÂN

Tây Ninh cách ly tập trung gần 300 người nhập cảnh từ Campuchia Tây Ninh cách ly tập trung gần 300 người nhập cảnh từ Campuchia

TTO - Tối 18-3, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh phối hợp lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tổ chức đưa gần 300 người nhập cảnh từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đi cách ly tập trung.

Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên