Quyển sách là cuốn nhật ký lưu lại hành trình sáu vạn dặm của Trần Đặng Đăng Khoa - Ảnh: TRẦN MẶC
Điều đó được thể hiện trong buổi giao lưu và ra mắt sách 1111 - Nhật ký sáu vạn dặm trên xe cà tàng diễn ra sáng 27-11 tại đường sách TP.HCM.
Đông đảo bạn đọc chen kín đường sách để lắng nghe những chia sẻ từ Trần Đặng Đăng Khoa, thậm chí xếp hàng dài đến tận đầu giờ chiều để xin chữ ký tác giả. Trong đó, có không ít độc giả dậy từ sớm và đi xe máy từ Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang...
Trước tình cảm từ mọi người, không giấu sự vui mừng, Khoa dùng giọng kể chân thật pha chút dí dỏm để kể lại từng cột mốc trong hành trình đã qua.
"Nhiều người hỏi bao nhiêu tiền sẽ làm được, thực ra tôi thấy điều ấy vốn không nhiều. Tôi để lại cho gia đình hết và thử với số tiền ít ỏi tôi sẽ đi được đến đâu, tôi dự đoán đến tháng thứ ba người ta sẽ bắt đầu biết, sẽ theo dõi nhiều hơn.
Có một đợt ba tôi bệnh nặng, tôi gửi hết tiền về cho ba chữa bệnh và bây giờ lại sạch túi. Tôi nghĩ, bây giờ rỗng túi rồi không biết ngày mai thế nào. Tôi nghĩ chỉ có một cách là đi tiếp tới Pháp, khi đó mới có nhiều người tin tôi đã đi và tôi có khả năng kiếm được tiền nhiều hơn" - Khoa chia sẻ.
Trần Đặng Đăng Khoa và chiếc xe "cà tàng" đã cùng anh đi khắp thế giới - Ảnh: TRẦN MẶC
Băng qua sa mạc trên đoạn đường dài 1.000 - 2.000km với nhiệt độ lên đến 50 độ, hai tháng liên tục băng qua bờ Đông Mỹ với bộ quần áo ướt, hay cả nhiều lần thoát chết ở các vụ đánh bom… đều có thể trở thành lý do để dừng bước.
Nhưng vượt qua tất cả những điều đó, anh vẫn tiếp tục trên hành trình của mình và trở thành người Việt Nam đầu tiên chạy xe máy vòng quanh thế giới.
"Tôi có đam mê đi tiếp vì là giấc mơ nung nấu từ nhỏ, tôi phải đi tiếp, đi không hẹn ngày về, cho đến khi không đi được nữa thì thôi. Nhiều khi có sự sợ hãi, đau đớn hoặc nhiều yếu tố bên ngoài làm chúng ta muốn dừng bước nhưng giấc mơ, sự thôi thúc đã lấn át tất cả.
Tôi thấy một chân lý rằng trước sau gì chúng ta cũng sẽ chết. Bây giờ, chỉ có giây phút này thì chúng ta hãy sống hết mình, cố gắng vượt qua tất thảy những khó khăn để thực hiện giấc mơ của mình", Khoa tự tin nói.
Nói về lý do chọn ra nước ngoài bằng chiếc "xe cà tàng", Trần Đặng Đăng Khoa cho biết đó là chiếc xe đầu tiên mà anh có, cũng là niềm tự hào dân tộc của mình: "Vì nó mang biển số Việt Nam, là niềm tự hào của tôi. Chúng ta rất dễ để đến nước nào thuê xe nước đó chạy rồi trả, nhưng tôi vẫn kiên quyết đi chiếc xe này vì đó là màu cờ sắc áo.
Tôi ghi một chữ Việt Nam để mọi người thấy và biết tôi là người Việt Nam đang chạy vòng vòng đi chơi ở đây, cũng có thể ra nước ngoài tự tin và làm chuyện này chuyện kia".
Đó cũng là lý do lá cờ Việt Nam lấy từ quần đảo Trường Sa luôn được anh mang theo suốt chặng hành trình như một tình yêu mà anh rất đỗi tự hào.
Trần Đặng Đăng Khoa trong buổi giao lưu, ra mắt sách - Ảnh: TRẦN MẶC
Nhìn lại chuyến đi dài 1.111 ngày khắp 7 châu lục, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo 8 lần, Đăng Khoa nghĩ bản thân anh chẳng thay đổi gì nhiều, chỉ là được thực hiện giấc mơ của mình, được nhìn ngắm thế giới và có thêm nhiều người bạn mới.
"Lúc đi tôi thấy mọi thứ vô thường, rất nhiều lần nghĩ mình sẽ nằm lại đâu đó nhưng cuối cùng vẫn sống được, có những nơi không bao giờ nghĩ trong đầu nhưng cuối cùng vẫn đến được. Bao nhiêu lần gặp gỡ xin chào thì là bấy nhiêu lần nói tạm biệt.
Nói tạm biệt đến một lúc tôi cũng "đơ" luôn, nghĩ tại sao chúng ta phải gặp nhau rồi tạm biệt. Có những người bạn mới gặp mấy tháng sau đã qua đời", Khoa tâm sự.
Những chuyến đi là tập hợp hết thảy những vui buồn, là những trải nghiệm không thể nào quên được. Điều này được anh ghi lại trong quyển sách dày gần 800 trang với ánh nhìn của một người dám đi, dám thử thách và truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Nhiều khán giả đến từ sớm để gặp gỡ Trần Đặng Đăng Khoa - Ảnh: TRẦN MẶC
Trần Đặng Đăng Khoa cho biết doanh thu từ quyển sách sẽ được dành tặng cho các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ trẻ em. Đây là dự định đầu tiên anh nghĩ đến khi bắt đầu hành trình sáu vạn dặm.
Ngoài giao lưu, ký tặng sách, Khoa còn trưng bày hết thảy những vật dụng trong chuyến đi để độc giả được nhìn ngắm. Bởi lẽ với anh, việc bắt đầu bằng gì không quan trọng, cốt yếu vẫn là chúng ta dám đi và sống trong chuyến đi của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận