Những tổ ong dú được anh Huỳnh Văn Trưởng đặt quanh vườn nhà
Trưởng vừa đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 với sản phẩm "Mật ong dú Kỳ Tân" của tỉnh Quảng Nam, và thường chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho người dân vùng quê Tam Dân.
Nhân giống ong dú
Ngồi bên tổ ong dú, Trưởng kể hơn 10 năm trước, lúc gia đình anh đang mua gỗ về làm nhà thì phát hiện bên trong cây sưa có một tổ ong dú. Anh lấy mật ong về để dùng thử, trong lúc lấy mật nghe những người dân ở địa phương bảo mật ong dú là loại rất quý hiếm nên cảm thấy tò mò, quyết định cưa luôn khúc sưa đưa tổ ong về nhà nuôi thử.
"Lúc đó mình chỉ đưa tổ ong về nuôi để thử xem như thế nào, chứ không nghĩ sẽ phát triển kinh tế từ loài ong dú" - Trưởng nói.
Sau gần 1 năm nuôi thử, đàn ong phát triển tốt và cho ra rất nhiều mật ong, thấy vậy Trưởng mới bắt tay vào việc nghiên cứu về loài ong này nhiều hơn. Anh bỏ thêm 4 năm để nghiên cứu, tìm hiểu quy trình nuôi, cách lấy mật sao cho hợp lý (vì tổ ong nằm trong hang nhỏ nên mật ong rất khó lấy) và bảo quản sản phẩm mật như thế nào để đảm bảo.
Ròng rã hơn 5 năm nuôi thử, nghiên cứu, tìm hiểu, trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng Trưởng cũng đã thành công khi tách, nhân giống được đàn ong dú. "Ong dú phù hợp tách đàn nhân giống vào mùa xuân, nhưng thời gian đầu mình chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của ong, lại đi tách đàn vào mùa thu nên không hiệu quả. Năm sau, hiểu được quy trình nên việc tách đàn trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả hơn. Đàn mới tách sẽ được đưa đến một nơi khác, tránh việc đàn ong quay trở về tổ cũ" - Trưởng nói.
Trong quá trình nuôi, anh Trưởng dần thay thế những thân cây gỗ thô sơ ban đầu thành những hộp gỗ nhỏ, phân thành bốn tầng. Theo anh, việc phân thành các tầng như vậy giúp ong tự phân loại các tầng trứng, con, mật. Ngoài ra, khi lấy mật sẽ không làm giảm số lượng ong trong một đàn. Không gian nuôi có thể đặt dưới hiên nhà, tán cây, tận dụng nhiều nơi trong vườn nhà.
Tầng con của tổ ong dú - Ảnh: ĐỨC TÀI
Thu nhập hàng trăm triệu đồng
Qua 10 năm nghiên cứu, tìm hiểu, giờ đây anh Trưởng đã thành công khi sở hữu hơn 200 tổ ong, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Trong năm, mỗi tổ ong dú sẽ cho mật ba lần, mỗi lần như vậy Trưởng có thể thu khoảng 5-8 lít mật/đàn ong, với giá bán 1,2 triệu đồng/lít mật.
Ngoài ra, anh còn chế tạo máy hút mật ong, chế tác những tổ ong theo kiểu phong thủy để trang trí, cho những người muốn nuôi ong lấy mật vừa trang trí trong không gian nhà, quán cà phê hay quán ăn.
Không chỉ tách đàn, nhân giống để nuôi, anh Trưởng còn hướng đến việc mở rộng quy mô, cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai muốn nuôi, đồng thời thu mua sản phẩm mật ong. Theo anh Trưởng, ong dú có hình dạng nhỏ bé, không hung dữ, có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt và cho ra mật rất nhiều.
Ngoài ra, loài ong này có một đặc điểm rất đặc biệt là không bao giờ di chuyển nơi ở, ong chúa khi chết đi sẽ sinh ra một con ong chúa khác để thay thế.
"Ai cũng có thể nuôi được loài ong dú, chỉ cần người nuôi chú ý tránh những yếu tố gây hại cho tổ ong như: ánh nắng mặt trời, mưa, thằn lằn, nhện, ếch... thì đàn ong sẽ được phát triển chứ không bỏ quá nhiều công để chăm sóc" - Trưởng nói.
Với những thành công đã đạt được từ đàn ong dú, hiện tại anh Trưởng đang làm hồ sơ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 với sản phẩm "Mật ong dú Kỳ Tân" và hướng đến việc liên kết, tìm các chủ vườn hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để cùng nhau phát triển con giống.
Ông Võ Thanh Anh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, Quảng Nam - cho biết mô hình nuôi ong dú của anh Trưởng là một mô hình mới của huyện.
"Ong dú là loài rất dễ nuôi, cho nhiều mật, đặc biệt mật ong dú có rất nhiều công dụng để chữa bệnh, vì vậy đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Hiện tại, Phòng NN&PTNT huyện cũng khuyến khích các hộ dân trên địa bàn phát triển quy mô nuôi ong dú vì hiện ở ngoài môi trường loài ong này còn rất ít" - ông Thanh Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận