28/07/2011 08:17 GMT+7

Chàng thủ khoa 29,5 điểm

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Đỗ thủ khoa Trường đại học Y (Đại học Huế) với số điểm 29,5 (toán 10, sinh 9,75, hóa 9,75), Phạm Thái Sơn, học lớp 12A1 Trường THPT số 2 Quảng Trạch, Quảng Bình còn đạt số điểm là 27 ở Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Hà Nội).

OTbu89sl.jpgPhóng to

Sơn bên góc học tập của mình - Ảnh: Lam Giang

Từng sa sút do mê chơi điện tử

Từ năm lớp 1 đến lớp 12, chỉ năm học lớp 7 Sơn đạt học sinh tiên tiến, còn lại đều là học sinh giỏi. Ba Sơn, ông Phạm Đình Bảo, cho biết: “Năm lớp 7 đó do hắn quá ham chơi điện tử. Tui bắt hắn viết ba bản kiểm điểm dán lên góc học tập. Từ đó hắn chăm học hẳn ra”.

Có lẽ từ trước tới nay, hôm qua 27-7 là ngày vui nhất trong căn nhà nhỏ của Sơn ở thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa (Quảng Trạch, Quảng Bình) khi tin đỗ thủ khoa dội về. Bà Nguyễn Thị Quyên, mẹ của Sơn, đôi tay cứ run lên khi cầm kéo cắt vải may áo quần cho người trong xóm: “Tui cũng biết là con học giỏi, nhưng hắn thi đậu thủ khoa thì nỏ (không) ngờ được mô chú ạ”.

Bà Quyên kể: “Tới kỳ thi thằng Sơn nhiễm trùng chân, phải mổ và nằm viện mất gần nửa tháng. Ra viện ngày hôm trước thì hôm sau hắn đã bắt xe ra Vinh thi vô khối A trường bách khoa. Thi về phải vô bệnh xá xã truyền nước lấy lại sức, hôm sau lại tiếp tục ra quốc lộ bắt xe đi Huế thi. May mà làm được bài...”. Nằm viện, Sơn mang theo sách vở để học ôn. Bác sĩ thấy vậy hỏi: “Thằng ni, mi đi nằm viện chữa bệnh hay đi nằm viện để học?”. Nói vậy nhưng ai cũng khen Sơn có chí học hành.

Nhà Sơn ở ngay bên cánh đồng làng. Mẹ và ba Sơn làm ruộng, không giàu có gì nhưng quyết “rèn” cho Sơn học hành để mong mai này Sơn có cái ăn cái ở, ít nhất cũng hơn được ba.

Về chuyện học của mình, Sơn cho hay thường phải nắm thật vững kiến thức cơ bản mà thầy cô đã dạy trên lớp. Sau đó phải thật siêng tìm tài liệu trong sách khác và trên mạng học thêm. “Em rất chú trọng đến việc tìm thêm các phương pháp giải bài tập ở môn toán và các kiến thức giải bài mà thầy cô chưa đề cập. Và còn phải học lý thuyết thật chắc”- Sơn cho biết. Ở lớp, Sơn và các bạn thường thi đua học tập. Khi có bài tập “khó nhằn” thì cả mấy nhóm cùng chụm đầu cố giải cho kỳ được, nếu không giải được mới hỏi thầy cô hoặc Sơn về nhà nghiên cứu, mày mò trên mạng.

Thi đại học, kinh nghiệm của Sơn là đọc lướt đề vài lượt để tìm hiểu, trước khi chính thức làm bài thì mới đọc kỹ đề. Thấy câu nào mình chắc được thì làm trước. Sơn nói: “Làm bài em phải vận dụng hết tất cả khả năng mình có và không bao giờ chủ quan nghĩ mình học giỏi. Thi ở Huế, em làm bài xong trước thời gian hơn 30 phút. Rà lại tất cả em đoán khả năng môn nào cũng sẽ đạt trên 9 điểm, riêng môn toán em chắc sẽ đạt 10 điểm, rứa mà 10 thật”.

Nhà Sơn làm khoảng 2.500m2 ruộng lúa, đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ba Sơn, cứ đến vụ là đi gặt thuê (bằng chiếc máy gặt nhỏ của bác Sơn) cho bà con, kiếm thêm đồng ra đồng vô. Mẹ Sơn hết vụ gieo cấy, gặt hái là ngồi vào chiếc máy khâu, may vá cho bà con trong làng, kiếm đồng mắm đồng muối. Bà Đoàn Thị Duyễn, hàng xóm của Sơn, cho biết: “Không chỉ hắn vui mà bà con làng xóm bầy tui đây cũng tự hào vì hắn lắm. Bầy tui cả năm quanh quẩn với ruộng đồng, chộ (thấy) hắn học giỏi cũng sướng”.

Sơn cho biết sẽ chọn Trường đại học Y Huế vì mơ ước làm bác sĩ đã có từ lâu rồi. “Hơn nữa ở quê em còn ít bác sĩ quá. Học bác sĩ ngoài làm việc cho xã hội, em còn tự chăm sóc được sức khỏe cho mình, gia đình nữa. Em đi nằm viện thấy bà con khi bị bệnh khổ quá...” - Sơn thổ lộ.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên