Diễn viên Dev Patel trong phim Hotel Mumbai - Ảnh: IMDb
Hotel Mumbai của đạo diễn Anthony Maras dựa trên vụ khủng bố có thật tại Ấn Độ năm 2008 đã mang lại ấn tượng tích cực cho cả giới phê bình lẫn khán giả. Thật trùng hợp khi lịch ra mắt của bộ phim phải bị hoãn lại do ảnh hưởng từ vụ xả súng ở New Zealand.
Với nguyên tác từ bộ phim tài liệu Surviving Mumbai, bộ phim của đạo diễn Anthony Maras kể lại vụ khủng bố khách sạn Taj, khi những nhân viên và du khách ở trong khách sạn phải tìm cách thoát thân.
Tái hiện chân thực thảm kịch
Về sự kiện chuỗi khủng bố ở Mumbai 2008, đã có hai bộ phim đáng chú ý là Shahid kể về cuộc sống của một người Hồi giáo sống sót sau vụ khủng bố và One Less God kể về một nhóm du khách bị mắc kẹt trong khách sạn, bị những kẻ cực đoan tấn công.
Khác với hai phim kể trên, Hotel Mumbai cố gắng kể lại vụ tấn công từ mọi góc nhìn, từ những du khách bị mắc kẹt bên trong khách sạn Taj, những nhân viên khách sạn, lực lượng an ninh địa phương và thậm chí là những kẻ tấn công.
Trailer HOTEL MUMBAI
Hotel Mumbai đã rất thành công khi tạo nên không khí Ấn Độ ngay từ những cảnh đầu tiên. Điều này trở thành một điểm cộng trong tham vọng kể lại một vụ tấn công gây chấn động.
Phim tập trung mô tả cách thức tấn công giết người của những kẻ khủng bố càng khiến cơn ác mộng trở nên đáng sợ hơn. Đối với những kẻ khủng bố, không có ngoại lệ, chúng sẵn sàng giết bất kỳ ai xuất hiện trong tầm mắt, bất kể đó là phụ nữ, người già hay trẻ em.
Bằng việc không ngại ngần cho thấy những xác người la liệt trong sảnh chính, hành lang hay phòng riêng, Hotel Mumbai đã diễn tả được tính chất kinh hoàng của thảm kịch khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Người xem căng thẳng cùng với nhịp độ của câu chuyện trong khoảng nửa đầu của bộ phim và đó cũng là phần hay nhất của Hotel Mumbai.
Cảnh trong phim Hotel Mumbai - Ảnh: IMDb
Nửa sau phim bế tắc
Hotel Mumbai có rất nhiều nhân vật và ai cũng có những câu chuyện riêng. Việc nhà làm phim gửi gắm vào từng tuyến nhân vật này những thông điệp riêng không những không làm bộ phim trở nên lớp lang hơn mà càng khiến nửa sau bộ phim như rơi vào bế tắc.
Nếu theo dõi câu chuyện từ góc nhìn của những nhân viên khách sạn, khán giả có thể hiểu rằng bộ phim đang muốn tôn vinh những người phục vụ ân cần, tận tuỵ và trung thành với khẩu hiệu "khách hàng là thượng đế" của mình.
Điều này có vẻ như phù hợp với tựa phim, nhưng lại tạo ra hàng loạt khoảng trống cho những nhân vật khác. Chưa nói đến việc đặt trách nhiệm bảo vệ khách hàng cho nhân viên khách sạn trong tình huống ngặt nghèo như vậy cũng khá khiên cưỡng và gượng gạo.
Các nhân vật còn lại đều có đất diễn để lột tả cảm xúc, suy nghĩ. Thậm chí một tên khủng bố đã được thể hiện chút nhân tính còn sót lại khi hắn từ chối giết một người phụ nữ Hồi giáo hay khi hắn nức nở gọi điện cho gia đình.
Tuy nhiên, tất cả những cảm xúc hay suy nghĩ của các nhân vật thường không đủ để diễn tả một điều gì. Kết phim, hoặc là họ chết, hoặc là họ thoát ra khỏi khách sạn mà không đọng lại cảm xúc nào trong tâm tưởng của khán giả.
Diễn viên Armie Hammer trong phim Hotel Mumbai - Ảnh: IMDb
Khó có thể gọi Hotel Mumbai là tài liệu dù bám rất sát sườn những sự kiện có thật nhưng cũng không thể gọi nó là chính kịch vì người ta không thấy trong đó sự phát triển của nhân vật.
Dường như tất cả các nhân vật đã được lập trình và họ chỉ cần một biến cố để kích hoạt chương trình có sẵn và hành động. Không thể nhận ra sự biến đổi tâm lý của các nhân vật và điều này khiến cho không khí bộ phim dù rất căng thẳng nhưng đồng thời cũng rất lê thê và chậm chạp.
Có lẽ các nhà làm phim đã tham lam khi bắt đầu với một câu chuyện gây chấn động và có biên độ rất lớn. Tuy nhiên trong nỗ lực tái hiện nó theo hướng tiếp cận tài liệu, Hotel Mumbai để lại những khoảng trống không thể giải quyết và trưng ra một thông điệp mù mờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận