23/02/2017 09:27 GMT+7

Chặn gấp dịch cúm từ biên giới

S.LÂM - K.NAM - B.ĐẤU - N.TÀI
S.LÂM - K.NAM - B.ĐẤU - N.TÀI

TTO - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn gửi các ngành chức năng, các tỉnh thành biên giới về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn virút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virút khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đàn vịt trời của ông Long đã bị tiêu hủy ngay sau đó và hiện giờ nơi này không còn nuôi gia cầm - Ảnh: Bửu Đấu
Đàn vịt trời của ông Long đã bị tiêu hủy ngay sau đó và hiện giờ nơi này không còn nuôi gia cầm - Ảnh: Bửu Đấu

Trước tình hình này, ĐBSCL đang khẩn trương ngăn chặn, tầm soát dịch cúm gia cầm từ phía biên giới giáp Campuchia.

Đặc biệt, công tác này tại tỉnh An Giang càng khẩn trương hơn khi tỉnh đã phát hiện một ổ dịch cúm H5N1.

Tiêu hủy toàn bộ

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y An Giang, tỉnh này đã phát hiện đàn vịt trời hơn 800 con của một hộ chăn nuôi ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân có gần 300 con bị chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với virút H5N1.

Ngay sau đó, lực lượng thú y An Giang đã kết hợp với chủ hộ tiêu hủy ngay toàn bộ số gia cầm, đồng thời thực hiện tiêu độc toàn bộ cơ sở nuôi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình hình chống dịch hiện nay, ông Trần Tiến Hiệp - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y An Giang - cho biết UBND tỉnh An Giang đã có yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng thú y triển khai nhanh các hoạt động kiểm tra, giám sát phòng chống dịch cúm gia cầm, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

Đồng thời nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới Campuchia, bao gồm cả việc cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Cấm việc di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả trên các cánh đồng và ngược lại.

Kiểm soát chặt tránh lây lan dịch từ biên giới

Trong khi đó, dù chưa phát hiện ra dịch, nhưng trước tình hình dịch cúm đang nóng ở phía nước bạn, các tỉnh có biên giới giáp ranh Campuchia cũng đã có nhiều hành động tập trung khẩn trương phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch.

Ông Phan Ngọc Châu - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Long An - cho biết vừa ra văn bản tiếp tục đốc thúc các trạm thú y thuộc các huyện biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ kiểm soát chặt chẽ tất cả các đàn gia súc, gia cầm vùng biên. Nghiêm cấm không để tình trạng lùa đàn chăn nuôi qua phía bên kia biên giới.

Tương tự, ông Võ Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Tháp - cũng cho biết trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra ổ dịch cúm gia cầm. Nhưng để ngăn ngừa, Đồng Tháp đã chủ động tiêm phòng trên đàn gia cầm, trong đó 50% đàn gà được tiêm phòng, tỉ lệ trên đàn vịt là 80%.

Hiện tại tỉnh Đồng Tháp vẫn còn 6 triệu liều văcxin tiêm phòng cúm và đang xin tiếp 15 triệu liều. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay tỉnh đã sử dụng 2 triệu liều.

Liên quan đến công tác phòng dịch ở các huyện biên giới, ông Hiền cho biết tỉnh không nhập gia cầm từ Campuchia về mà chủ yếu xuất gia cầm sang nước bạn, tuy nhiên ngành thú y tỉnh cũng đã nhắc nhở các trạm vùng biên giới tăng cường kiểm soát việc qua lại của người dân nơi đây để tránh tình trạng gia súc, gia cầm qua lại biên giới.

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Thành Đức - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang - cho biết ngay từ đầu năm, cơ quan này đã chỉ đạo các địa phương chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.

Theo ông Đức, việc tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng được tiến hành liên tục. Đợt cao điểm tiêu độc khử trùng hiện tại đang được triển khai từ ngày 13-2 đến hết ngày 10-3. Có lẽ nhờ vậy mà đến thời điểm này, trong khi một số tỉnh đều đã công bố có dịch cúm, thì tỉnh Kiên Giang vẫn chưa phát hiện ổ dịch nào.

Để đề phòng dịch cúm lây lan, Chi cục Chăn nuôi và thú y Kiên Giang còn lập 3 điểm chốt chặn kiểm tra, kiểm soát gia cầm vận chuyển trên các tuyến quốc lộ 61, 63 và quốc lộ 80.

Ông Đức cho biết thêm sắp tới Chi cục Chăn nuôi và thú y sẽ ban hành văn bản khuyến cáo việc mua bán, tiêu thụ gia cầm trên thị trường và kiểm soát gia cầm qua các cửa khẩu với nước bạn Campuchia.

Thưởng 500.000 đồng cho người báo tin dấu hiệu cúm

Nơi nào để xảy ra tình trạng vịt chạy đồng mà chính quyền địa phương không báo cáo ngành chức năng để tiêm phòng văcxin thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Ngược lại, tổ chức hay cá nhân nào báo tin chính xác về việc gia cầm chết hàng loạt nghi cúm hoặc gia cầm hay vịt đàn không tiêm phòng cúm gia cầm sẽ được thưởng nóng 500.000 đồng.

Việc giết mổ gia cầm ở các chợ vẫn được cán bộ thú y các địa phương giám sát chặt chẽ.

Ông Trần Tiến Hiệp

(chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y An Giang)

S.LÂM - K.NAM - B.ĐẤU - N.TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên