“Những gì anh đã làm trong quá khứ - vẫn Morley viết - Cho dù anh là người thế nào, Ẩn vẫn là con người của nhân cách đáng kính trọng, vẫn tin tưởng ở sứ mạng vẻ vang của đất nước nhỏ bé của mình. Tôi không nghĩ anh ta là một người Cộng sản mặc dù anh vẫn là một Đảng viên trung thành. Tôi cũng không nghĩ anh như một người quốc gia. Đó là những từ ngữ sai lạc thường che khuất sự cao cả vĩ đại và cả những tình thế xấu xa. Không, tôi cho rằng Ẩn là một người yêu nước, trong số rất ít những người như thế mà tôi được biết”.
Còn Karnov Stanley cựu phóng viên tờ Washington Post người từng đoạt giải Pulitzer thì viết về ông Ẩn như sau: “Ông Ẩn là con người phải giằng xé giữa hai tình cảm. Lòng trung thành với dân tộc, đất nước ông và sự tận tụy với nghề nghiệp, tình bạn với các đồng nghiệp từ một nước đã gây chiến với dân tộc mình”. Mc Culloch thì cho biết: “Tôi không bao giờ giận gì ông Ẩn” (Mc Culloch là trưởng đại diện tờ Time nơi ông Ẩn làm việc thời đó). Culloch viết: “Bởi nếu như tình thế đảo ngược lại, nếu như hàng trăm ngàn người Việt Nam xâm chiếm đất nước tôi, tôi cũng sẽ làm như ông Ẩn đã làm. Ông là một người bạn tốt và đáng kính trọng”.
Một con người vừa đứng ở đỉnh cao nghề nghiệp, vừa làm trọn công việc mà đất nước cần, lại cũng giữ được lòng kính trọng của những người thuộc phía đối phương. Nhân cách ấy nhiều nơi có thể nhận là “sản phẩm” của mình: Văn hóa Pháp, nền giáo dục Mỹ. Hơn thế nữa, con người này đã ứng xử trong những hoàn cảnh thật đặc biệt. Ông không thể hỏi ý kiến cấp trên trong nhiều tình huống hoạt động đơn lẻ, bí mật tuyệt đối. Phải xử sự hàng ngày và rất nhiều trường hợp, “người chỉ đường” cho ông chính là cái bản lĩnh sâu sắc của người Việt Nam, một đặc tính của dân tộc đã từng sống trong những thử thách khốc liệt nhất. Cái bản lĩnh này chẳng phải có sẵn như chiếc áo mặc vào. Nó vô hình và mỗi con người góp phần mình, bằng cách chọn con đường, và bằng cảm nhận, bằng sự trải qua, đôi khi rất riêng tư”.
Dưới mắt một ký giả Mỹ, quá trình đó của ông Ẩn như sau: Năm 13 tuổi, tức là năm 1940 ông bắt đầu nhận thức về nghịch lý của dân tộc khi Nhật chiếm Việt Nam sau khi Pháp bại trận phải đầu hàng Hitler. Tại thị trấn cảng phía nam của Rạch Giá, quê nhà của ông lúc đó, những kẻ chiến thắng là Nhật vây ráp người Pháp (sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9 - 3 - 1945) và dùng xích xâu họ lại với nhau dưới ánh nắng gay gắt tại một bãi đất. Mục đích của việc này là tiêu diệt hình ảnh những người cai trị da trắng trong mắt người Việt Nam và dựng nên viễn cảnh của một Đại Đông Á mới chiến thắng dưới sự bảo hộ của người châu Á - người Nhật.
Đã có lần ông Ẩn nói: “Tôi không bao giờ thích người Pháp bởi vì con cái những tên thực dân Pháp ngược đãi trẻ em chúng tôi. Nhưng người Nhật làm tôi ghê tởm. Những người Pháp bị khát. Tôi đến hỏi cha tôi và ông bảo tôi nấu ít nước mang đến cho họ. Khi tôi làm vậy, người Nhật tát tai những người Pháp đã nhận nước uống”. Ông Ẩn nói tiếp: “Tôi vẫn không thích sĩ quan người Nhật. Trước năm 1975 tôi không bao giờ nhận lời mời của Đại sứ quán Nhật cũng vì lẽ đó”.
Ký giả Mỹ đã nhận xét cả vẻ mặt ông Ẩn trong suốt cuộc nói chuyện. Lúc cuộc nói chuyện này diễn ra, ông Ẩn đã ở tuổi 68. Ông đã qua suốt hai cuộc kháng chiến và với nghề báo, ông đã hiểu sâu sắc bản chất của mọi mối quan hệ con người. Có thể nói cách nào đó, ông đã là một chuyên gia giao tiếp với đủ loại người, với con mắt phân tích của một ký giả và một nhà tình báo chiến lược. Vậy mà, vẻ mặt của ông như tác giả Henry Kamm nhận xét: “Đó là lần duy nhất trong rất nhiều cuộc trao đổi về cuộc đời đầy biến động của ông, tôi nhận thấy trên khuôn mặt trầm tĩnh của ông nét hận thù làm cho giọng nói và sự bình thản của ông đanh lại. Số phận những người Pháp dấy lên lòng thông cảm của ông với những người bị thua thiệt. Ông nói rằng một yếu tố khiến ông tích cực quyết định theo phe nào chính là sự bất công đối xử giữa người Việt và người Việt. Ông đã thấy một địa chủ, cha của một bạn học cùng lớp, đối xử thậm tệ với những người tá điền của mình. “Chúng tra tấn họ. Chúng bắt vợ con họ ngủ với chúng…”
“Đó là lý do tôi tôn trọng người Mỹ - ông Ẩn nói - Họ dạy cách giúp đỡ những người yếu thế…”
Cách nhìn này của Henry Kamm, hay chính lời nói chân thực của vị tướng Việt Nam? Những ưu việt của thế giới hiện đại tiến bộ ông đã học được ở Mỹ, dù sao không thể không đặt trên cơ sở tâm hồn và nhân văn một người Việt Nam biết cảm nhận. Chính cách cư xử trong suốt cuộc đời trọn vẹn nhiều bề đã làm giảm bớt khó khăn và được sống tự nhiên trong sự tồn tại khác thường của ông ở cả hai phía trong cuộc chiến tranh.
Các ký giả Mỹ kể rằng ông đã thành công trong việc cứu mạng Robert Sam Anson, một nhà báo trẻ tuổi của tuần báo Time bị bắt tại Campuchia nơi mà nguyên văn lời của Henry Kamm “nghĩa địa của hầu hết các phóng viên khi rơi vào tay quân đội của Khmer đỏ”. Đội quân Khmer đỏ đó hoạt động bất hợp pháp tại biên giới và thích ẩn mình ở lãnh thổ nước ngoài để thoát khỏi sự chú ý của thế giới. Chi tiết này xuất hiện trên báo nước ngoài, chắc chắn sẽ lại chất thêm những điều phong phú bí ẩn của đời mà vị tướng này chẳng bao giờ viết ra.
Nhưng có thật là “cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn với tất cả những chi tiết mập mờ gây hoang mang có thể là một mẫu cho những người trong thời đại ngày nay vẫn phải tiếp tục đối diện với vô số lựa chọn gây bối rối”, như nhận xét của ký giả nước ngoài hay không? Chắc phải tìm về nguồn cội, nguồn cội của con người mang nhiều dấu ấn và chứng cớ của lịch sử này, phải có một mở đầu như thế nào chứ? Có đặc biệt không?
Không có ý thức trả lời phỏng vấn, vào một buổi chiều đến chơi thường lệ, tôi đến khu vườn nhỏ ấy và thấy ông đang say mê giở túi rắn liu điu nhỏ xíu: “có chất, nó mới hót” đó là chất bổ dưỡng cho chim. Mọi ngày ông gọi châu chấu lá bít - tết. Rồi ông than thở: “Trước đây chim sẻ rất nhiều. Súng hơi người ta bắn riết nay không còn nhiều”. Chuyện vui mà sao nghe như thảm sầu bởi cái giọng đều đều luyến tiếc: “Chim hót cũng như đứa trẻ nít học nói 3 tuổi trở lại. Chim nhỏ mà ở rừng nó không hót nữa. Con tương tư thì mắc lắm. Bên Tàu có”.
“Ngày xưa tôi nuôi gà nòi chọi. Đầu hôm thì bắt thằn lằn, đêm cho uống nước, cho ra sương. Có hai cái đại hội. Đại hội tả kê đá gà. 6 tháng mùa khô. Đá cá ăn tiền lớn. Con nào thua chịu sọc dưa, khi sợ, nó nhạt màu. Coi miệng, bụng, lỗ mũi… nuôi cực lắm. 4,5 tuổi tôi đã nuôi, 10 tuổi đã đi “đày”.
Sao lại đi đày?
Và thế là có một chú bé hiện ra theo lời ông kể.
“Bị đày, chơi không. Không học hành gì. Lúc nhỏ 2 tuổi ở Huế với bà nội. Bốn tuổi, bà nội chết, đem vô. Chơi chim chơi cá. Học khúc, nghỉ khúc. Thôi cho mày về quê học làm điền chủ. Về Rạch Giá. Ông già làm nghề họa đồ, mua được đất, khẩn đất. Ông buồn lắm. Con người ta học đàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Bình là con người bạn của ông già tôi, ở nhà kêu “con Châu Sa”. Bà Bình học hành giỏi giang chăm chỉ, ăn mặc đàng hoàng. Con người ta sạch sẽ. Con mình chân bùn không. Đi bắt cá, xách ná bắn chim. Không tội nào nặng bằng tội đi chơi. Thi cuối lớp 3, rớt. Mới “bị đày” ra Huế. Ông già đưa ra Truồi, ở với ông giáo tiểu học, con nuôi của ông nội, nhờ kèm cặp”.
Kể đến đây, dường như trong ông vẫn còn sống y nguyên một cậu bé con cách nay hơn nửa thế kỷ. Mắt ông có ánh lấp lánh của chú bé ấy: “Đày cũng lợi. Đâu có chừa. Đợi xe lửa trong Nam ra, tối nghe kêu ú ú là chạy ra ga, nhảy lên tàu ăn những cúi bánh mì ròn của khách bỏ lại. Tàu sắp chạy thì nhảy xuống. Ông giáo dạy rất kỹ càng. Ông còn mua lúa cho giã gạo. Chày một chày hai, chày ba. Khi mùa hè có trăng lên là giã gạo. Học thì như cuốc kêu “thiên thời địa đất vân mây - vũ mưa - phong gió - trú ngày - dạ đêm”. Thiên là trời - Địa là đất - Gia là nhà - Quốc là nước - Tiền là trước - Hậu là sau - Ngưu là trâu - Mã là ngựa” v.v… Chỉ thích chơi, giã gạo. Ham bắt cá lắm. Còn rình bắt cọp con. Lâu lâu nó rú cái, lại chạy.
Trời lạnh, mặc áo dài đi học, đem theo lò ấp, mặc áo tơi, xắn quần lên. Khi nước ngập quá, cởi cả quần đi. Học lại rớt nữa. Có học gì đâu. Về Gia Định học trường tư. Năm 1938 xuống Cần Thơ. Khổ quá! Thì chơi không! Ba năm cái lớp ba! Chơi nhưng chơi kiểu nhà nghèo. Gia đình dạy Nho giáo, mình không hợp. Mình kẹt cái đó. Mà cha buồn, thương cha buồn mà không sao đổi tính được. Ông già cũng thương con nhưng buồn. Ông biết mình nóng giận, rảnh là đánh nện. Mẹ sắm chiếc roi nhỏ cho con đỡ đòn nặng. Sau này trong đời hoạt động, đi cùng người Mỹ xuống đồng bằng sông Cửu Long, họ lạ lắm. Thấy tôi chèo xuồng, chèo ghe như không. Nông thôn trồng cây gì, nước lớn, nước ròng, hoa lá, cá chim, biết hết”…
Trong giọng ông kể, có cái cây đắng thương cha, có nỗi cảm thông với chú bé Ẩn tuổi thơ tò mò thông minh hiếu động. Đứa trẻ của đời sống ấy bị nhét vào đầu lối giáo dục Nho giáo không hợp. Có cả sự thú vị của đứa trẻ nhìn thấy thế giới trong cả trạng thái li ti của nó.
“Đá kiến nữa: lấy con đen, ngắt râu, không thấy đường, nó chạy đá loạn xạ. Còn đàn cá thia lia, ông già giận thói mê chơi, đem đổ xuống cống. Tôi khóc ra chặn nơi cống lớn chờ cả ngày mới hớt lại được một con. Khóc như ri. Hồi ở Huế, trên thuyền từ sông Hương ra Cửa Thuận, ngồi ngoài coi từng cái rong dưới nắng”…Ông kể về những bạn cùng lứa và bảo: “Mấy người đó đàng hoàng. Còn tôi vớ vẩn lắm”.
Về cả một quãng đời trẻ thơ gắn bó với đồng ruộng và thiên nhiên như thế, dưới mắt các ký giả Mỹ có thể tóm tắt như lời Henry Kamm: Cha của ông Ẩn - một viên địa chính thời Pháp ở một tỉnh cực Nam của Đồng bằng Nam Bộ, đã trừng phạt con vì đã thất bại ở trường vào tuổi lên 9, bằng cách gửi ông về sống với họ hàng ở một làng gần Huế, kinh thành cũ ở Miền Trung Việt Nam. Thất bại trong học tập ngay cả khi còn nhỏ là một tội nặng trong gia đình truyền thống Nho giáo như gia đình ông lúc bấy giờ. Cha của Ẩn muốn con trai biết mình đã may mắn thế nào bằng cách bắt con chịu sự khổ cực của cuộc sống thôn dã ở một trong những khu nghèo nhất ở Việt Nam. “Cuộc sống ở đó nghèo đến mức chúng tôi không có dầu thắp đèn và phải dùng bấc đen nhúng trong mỡ chuột để thắp sáng”.
Có lẽ vì thế, mà ông Ẩn tự thấy đời mình luôn đầy nghịch lý. Nhưng mọi sự việc bi thảm, căng thẳng đầy thử thách đã được ông làm cho nó bình thường đi. Ông đổ cho số phận và đôi khi tự trào mình bằng cách giải thích theo cuốn sách tử vi Pháp (horozcope) hướng dẫn về điểm mạnh yếu của con người.
Người yếu, mắt sâu, táo bón. Loại người quan tâm sức khỏe không dám nguy hiểm. Ông nói về mình mà như nói ai. Nhát, sợ chết, sợ bệnh. Nhưng việc phải thì dám làm. Nghề phù hợp: báo chí. Ai biết sử dụng anh thì tốt, không thì anh chơi. Nhưng rồi anh tự nhận xét: nghề hợp nhất: làm hề. Đẻ ở nhà thương điên Biên Hòa! Có máu điên điên. Xưa có ít bác sĩ, chỉ nhiều y sĩ. Chỉ có một ông bác sĩ ở nhà thương điên. Vợ các quan chức cao cấp đẻ đều vô đó. Lớn lên ông già làm địa chính họa đồ đo đạc, hay dắt Ẩn đi theo. Có lẽ vì thế ông biết rất nhiều. Như lại bị cái thói mê chơi ngày bé khuyến dụ, ông Ẩn kết hợp nói chuyện mình đẻ ở nhà thương điên cho tiện.
“Rình bắt cọp con, bắt rắn rít, nhỏ đâu có sợ chết. Cái ngu. Ham chơi quá. Không chỉ đá kiến, mà bọ cạp cũng cho đá. Mùa ve Huế, tối tôi đâu có ngủ. Sau mưa, nó như nhộng bò lên mới ra cánh. Ve bò đi để xác lại. Nó bay đi rồi ngày sau ve cái mới kêu. Có hai hạt gạo bên hông, kêu bằng cái đó. Đực không kêu. Đèn đốt bằng mỡ, không có dầu, dầu lửa mắc. Bắt ve về nhà khi nó lột, lựa ra con cái. Không kêu, nắm lắc lắc kêu, tiếng không thanh. Có khi sợ quá, nó kêu. Con đực thả đi. Dân Huế nghèo, bắt ăn. Dế ăn, ve ăn. Dế khôn hơn. Tôi lên miền Thượng, thả kiến vào cắn, dế ngoi lên…
Con nào cũng hay trơn!”
Giọng ông nửa trách móc, nửa hãnh diện kiểu trẻ con. Lại như giải thích cho tính khí của mình.
Có phải tất cả mọi việc sau này đã bắt đầu từ những việc li ti đó? Có cái gì của thời thơ bé ấy còn in dấu làm nên tính cách con người anh hùng của hôm nay?
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận