21/02/2022 05:57 GMT+7

Chặn dịch tại các điểm 'nóng' ở miền Bắc

LAN ANH - PHẠM TUẤN
LAN ANH - PHẠM TUẤN

TTO - Số mắc mới COVID-19 của cả nước đã tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán, nhất là ở một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ...

Chặn dịch tại các điểm nóng ở miền Bắc - Ảnh 1.

Bên trong khu điều trị COVID-19 nặng tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Ngoài Hà Nội đã chạm mốc trên 5.000 ca mới/ngày hôm 20-2, hàng loạt tỉnh thành đang ghi nhận 1.000 - 2.000 ca/ngày.

Số ca mắc mới liên tiếp lập "đỉnh"

Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn biến nóng, ngày 20-2 đã vượt mốc 5.000 ca F0 ghi nhận trong vòng 24 giờ, trong khi những tuần trước dù số mắc cao nhưng chỉ dưới 3.000 ca/ngày. 

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 18-2, toàn TP có 167.194 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 161.000 F0 điều trị tại nhà (tăng hơn 23.000 ca so với ngày 17-2) và 1.165 ca điều trị tại cơ sở thu dung của TP và các quận, huyện.

Hiện hơn 96% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Khoảng 4% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị, trong đó có hơn 4.200 ca điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 351 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại Hải Phòng, trong ngày 19-2 ghi nhận 1.555 ca nhiễm COVID-19 mới. Theo Sở Y tế TP, số ca bệnh nặng, nguy kịch là 148 ca (trong đó có 7 ca nguy kịch phải thở máy xâm lấn). Tính từ đầu dịch đến 19-2 Hải Phòng ghi nhận 121 ca tử vong (trong ngày 19-2 có 3 ca tử vong).

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-2, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch TP kiêm giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho biết hiện mỗi ngày TP ghi nhận trên 1.000 ca COVID-19, nằm ở mức "trung bình" so với số ca nhiễm các tỉnh thành lân cận.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Ninh, 1 trong 2 tỉnh dịch rất nóng hồi tháng 5 và tháng 6-2021, hiện đang nóng trở lại. Ngày 19-2 Bắc Ninh ghi nhận 2.022 ca mắc, đứng thứ 2 cả nước và là mức cao nhất từ sau Tết, trong khi những ngày trước đó cũng từ 1.000 - 1.500 ca. Hiện Bắc Ninh đang có 16.900 F0 đang được điều trị, quản lý, trong đó có 57 ca nặng.

Chống dịch như thế nào?

Từ 3 ngày gần đây, Quảng Ninh đang tập trung tăng cường giám sát người ra vào các khu công nghiệp, đồng thời có biện pháp chuyển đổi với các lớp học có nhiều F0, nhờ đó số mắc mới đang theo chiều hướng giảm dần.

Ông Ninh Văn Chủ - giám đốc CDC Quảng Ninh - cho biết do tỉ lệ tiêm vắc xin của Quảng Ninh đạt vào nhóm hàng đầu của cả nước, đến nay tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 3 mũi vắc xin lên đến 93%, vì thế dù số mắc mới cao nhưng cả tỉnh chỉ có hơn 1.000 F0 đang điều trị tại bệnh viện, còn lại tình trạng rất nhẹ, chỉ cần theo dõi tại nhà. Số ca nặng, nguy kịch dưới 1%.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã có công điện tăng cường các biện pháp thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó TP yêu cầu tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, đẩy mạnh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý 1-2022.

Hà Nội cũng rà soát, bổ sung giường điều trị COVID-19 tại các bệnh viện của TP, đảm bảo giường điều trị tại tầng 2 và tầng 3, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong bằng cách tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến, tăng cường cung cấp gói thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị. 

Hà Nội cũng có lợi thế là có nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn và các bệnh viện này hiện cũng đang điều trị bệnh nhân COVID-19 cho Hà Nội.

Ông Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết hiện tại bệnh viện đang tích cực tập trung điều trị những ca COVID-19 nặng, phần lớn trong số này là bệnh nhân của Hà Nội.

Tại Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch TP kiêm giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho rằng: "Trong bối cảnh mở cửa thì các ca dương tính chúng tôi cũng xác định như một loại cúm mùa, chủ yếu bây giờ nhìn vào chỉ số tử vong và chuyển nặng, hiện chỉ số này tại Hải Phòng đang ở mức rất thấp".

Lo ngại tâm lý chủ quan

Do số mắc mới tăng cao, nhiều người dân Hà Nội chia sẻ ngày nào cũng có người quen, bạn bè, người thân thông báo là F0 nên họ chủ quan, cho rằng "đằng nào cũng đến lượt", "ai rồi cũng mắc". TS Lã Thị Lan - phó giám đốc CDC Hà Nội - lo ngại tình trạng chủ quan, suy nghĩ "trước sau gì cũng F0" này dẫn đến việc lơ là, không có ý thức phòng dịch, dẫn tới số ca nhiễm tăng lên.

"Mặc dù đa số F0 sẽ khỏi, triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có những người có bệnh nền, người già... thì nguy cơ trở nặng lớn. Nếu số lượng ít thì hệ thống điều trị vẫn có thể đáp ứng được, nhưng người trở nặng nhiều trên số tuyệt đối sẽ gây quá tải y tế", vị lãnh đạo CDC Hà Nội nói.

Bà Lan mong muốn người dân tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc 5K, nâng cao ý thức phòng dịch, đặc biệt trong bối cảnh mưa lạnh, độ ẩm cao, thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

TP.HCM: Chùm F0 tại một tu viện ở quận Gò Vấp đã được kiểm soát TP.HCM: Chùm F0 tại một tu viện ở quận Gò Vấp đã được kiểm soát

TTO - Liên quan chùm ca nhiễm tại một tu viện ở quận Gò Vấp (TP.HCM), lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết có 53 em là học sinh đang theo học các trường và 1 tu sĩ dương tính COVID-19. Hiện chùm ca nhiễm đã được kiểm soát.

LAN ANH - PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên